Hỗ trợ giảm nghèo bền vững: Tiếp tục theo phương thức nào?
Giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Nam cần có các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững mới khi các chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015 đã kết thúc. Chương trình hỗ trợ theo các Nghị quyết (NQ) 31, 119 của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động đến từng hộ, thôn, xã, huyện nghèo của tỉnh. Giai đoạn mới, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cũng cần có những cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế nhằm tác động đến công cuộc giảm nghèo hiệu quả hơn.
TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN
Mục tiêu đề ra của NQ 31 và 119 đều hướng đến việc giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân mỗi năm 2,5 - 3%. Và người nghèo chính là đối tượng hưởng lợi, cũng là đối tượng nhận sự tác động toàn diện từ hai NQ trên, từ y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách hỗ trợ về giáo dục đã giúp người nghèo có nền tảng kiến thức, tay nghề để thoát nghèo bền vững.Ảnh: D.L |
Hưởng lợi trực tiếp
NQ 31 ban hành vào tháng 12.2011. Cùng với các chính sách giảm nghèo của Trung ương, NQ 31 đã tiếp thêm nguồn lực cho hộ, thôn, xã, huyện nghèo. Người nghèo được hỗ trợ nhiều mặt, hưởng lợi trực tiếp từ NQ 31. Nhiều chính sách rất thiết thực nhằm vực dậy đời sống của người dân nghèo, như: con em hộ nghèo đi học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được cấp bù 50% học phí. Tất cả nhân khẩu trong hộ cận nghèo được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 30% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế (ngoài 50% do ngân sách trung ương hỗ trợ); ngân sách tỉnh còn hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay của hộ cận nghèo để phát triển sản xuất kinh doanh, đi xuất khẩu lao động. Người dân tộc thiểu số đang sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khi đi khám chữa bệnh còn được cấp bù 5% viện phí đồng chi trả, nghĩa là họ chỉ việc đi khám bệnh mà không phải trả khoản nào. Cán bộ, công chức phụ trách công tác LĐ-TB&XH kiêm nhiệm theo dõi chương trình hỗ trợ giảm nghèo được hỗ trợ 30% mức lương tối thiểu chung. Hơn 99 tỷ đồng đã được ngân sách tỉnh chi phục vụ hỗ trợ giảm nghèo theo NQ 31.
Chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững theo NQ 119 tác động đến ý thức thoát nghèo của người dân và nhận thức của các cấp, ngành, địa phương trong giảm nghèo. Một số chính sách của NQ này nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững, vươn lên ổn định đời sống. Cụ thể, những hộ thoát nghèo bền vững không bị cắt ngay các chế độ mà được duy trì hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, con em đi học được miễn học phí, được hỗ trợ tiền ăn trưa, chi phí học tập, hộ nghèo được bảo lãnh tín dụng, vay vốn tối đa 20 triệu đồng được hỗ trợ 100% lãi suất vay. Đối với thôn thoát nghèo bền vững sẽ có được thêm công trình sản xuất và dân sinh phục vụ người dân. Để NQ 119 ra đời là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trên cơ sở cân đối ngân sách, ưu tiên cho công tác giảm nghèo. Người nghèo được hưởng lợi trực tiếp theo tinh thần động viên, khuyến khích. Các địa phương đã được cấp hơn 68 tỷ đồng để thực hiện chế độ cho hộ thoát nghèo. Người nghèo, cận nghèo, người đăng ký thoát nghèo bền vững đã nhận được sự hỗ trợ toàn diện, giúp họ thêm động lực, thêm điều kiện để có thể thoát nghèo bền vững.
Tín hiệu tích cực
NQ 31 thực hiện trong cả giai đoạn 2011 – 2015 và NQ 119 thực hiện được trong 2 năm 2014 - 2015 đều có sự tác động tích cực đến quá trình giảm nghèo của tỉnh. Theo đánh giá của Văn phòng giảm nghèo tỉnh, mỗi chính sách tác động đa chiều đến đời sống của hộ nghèo, giảm gánh nặng chi tiêu cho mỗi hộ nghèo, cận nghèo. Và chính sách của tỉnh đã bổ sung phần còn thiếu trong các chính sách của Trung ương, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu nhất. NQ 119 chỉ thực hiện 2 năm nhưng đã có 7.345 hộ nghèo với 29.729 nhân khẩu đăng ký và thoát nghèo bền vững, vượt mục tiêu NQ 119 đề ra (là 2.345 hộ); có 10 thôn đăng ký và đạt tiêu chuẩn, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6% trở lên, hộ cận nghèo từ 4% trở lên trong hai năm liên tục. Các chính sách trên đã tác động tích cực đến quá trình giảm nghèo của tỉnh, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,9% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 7,1%.
Năm 2016, cả hai NQ trên đều đã hết hiệu lực thi hành, và hầu như ở tất cả địa phương đều mong muốn HĐND tỉnh sẽ xem xét để thông qua một NQ về hỗ trợ giảm nghèo bền vững, theo hướng thay đổi cho phù hợp với giai đoạn mới. Theo Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ hộ nghèo càng về sau sẽ càng khó giảm, do đối tượng nghèo có khả năng tác động giảm nghèo đều phần lớn đã thoát khỏi nghèo; những đối tượng nghèo còn lại việc tác động giảm nghèo ngày càng khó. Định hướng của Văn phòng giảm nghèo Trung ương là sẽ tách bạch giữa hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội thành nhóm riêng, bởi nhóm này không có khả năng tác động thoát nghèo, họ hiển nhiên là người “nghèo bền vững”. Văn phòng giảm nghèo tỉnh theo định hướng này sẽ tách bạch đối tượng bảo trợ xã hội, còn lại những đối tượng nghèo khác sẽ được phân thành các nhóm theo nguyên nhân dẫn đến nghèo, để từ đó có sự tác động theo đúng căn nguyên, để giảm nghèo hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Định hướng của huyện là tiếp tục phong trào “Đảng viên đồng hành cùng người nghèo” để tác động hiệu quả đến quá trình giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đã tác động tốt đến ý thức người dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vốn hạn chế về ý thức thoát nghèo. Chính sách không cắt ngay các khoản hỗ trợ cho người dân mà duy trì sau khi thoát nghèo đã giúp họ có thời gian để thích ứng dần. Tôi nghĩ rằng chính sách này cần được tiếp tục, bởi càng về sau sẽ càng khó giảm nghèo, cần có những chính sách tạo động lực mạnh mẽ làm đòn bẩy giúp người dân thêm tự tin thoát nghèo”.
NÊN GIẢM VIỆC "CHO KHÔNG" Tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững là việc phải làm. Nhưng hỗ trợ theo phương thức nào mang lại hiệu quả cao hơn là vấn đề cần quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế mới cần giảm việc “cho không”, tăng tính ràng buộc trong hỗ trợ cho người dân thoát nghèo.
Dự thảo Nghị quyết “Chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020” đã được Sở LĐ-TB&XH xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát và lấy ý kiến các bên liên quan, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tạm dừng việc trình xem xét dự thảo tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua; chờ bổ sung nội dung sát hợp hơn. Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Có phương pháp hỗ trợ theo hướng ràng buộc Tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững. Cần nâng mức hỗ trợ 100% học phí cho sinh viên nghèo vì học phí hiện nay cao, mà hộ nghèo cuộc sống rất khó khăn nên con em hộ nghèo cần được tiếp sức trong cả khóa học. Chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo thì tỉnh ta đã thực hiện trước, rồi Trung ương mới làm sau nên thực tế cho thấy đó là chính sách được nhân dân đồng thuận, có vai trò quan trọng trong cuộc sống, và cần nâng thời hạn hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ 2 năm lên 3 năm. Riêng khoản tiền thưởng thì Sở LĐ-TB&XH là cơ quan tham mưu thực hiện chính sách cũng đang nghiên cứu đề xuất thay đổi theo hướng hỗ trợ có sự ràng buộc đối với hộ nghèo để họ có trách nhiệm với khoản hỗ trợ của Nhà nước. Khoản tiền thưởng mục đích nhằm giúp người dân tạo được sinh kế để không tái nghèo, nhưng thực tế thì người dân đã sử dụng không đúng mục đích ban đầu nên khoản tiền này không phát huy tác dụng giúp họ khá lên. Sau khi nghe ý kiến góp ý của các ngành, địa phương, Sở LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu tham mưu một chính sách hỗ trợ theo hướng ràng buộc trách nhiệm của hộ dân thoát nghèo sao cho chính sách mang lại hiệu quả cao hơn trong thực tiễn, thực sự giúp người dân có sinh kế vững bền. Ông Nguyễn Tấn Bình - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình: Nên hỗ trợ theo phương án sản xuất Từ trước khi có NQ 119 thì toàn là chính sách trực tiếp hỗ trợ nên người nghèo cứ cố giữ “nghèo bền vững”. Vì vậy, Thăng Bình tập trung tuyên truyền để người dân hiểu vấn đề, đăng ký thoát nghèo để vươn lên. Trước NQ 119 thì huyện đã có một số hộ ở xã Bình Quế, Bình Dương tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Sau có NQ 119 tác động tích cực hơn, nên người dân ý thức hơn, dù vẫn còn một bộ phận muốn ở hộ nghèo. Muốn giảm nghèo phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, người nghèo tự ý thức vươn lên. Tác động cơ chế chính sách của Nhà nước là rất quý, nhưng người dân phải có công ăn việc làm mới dám nói đến thoát nghèo, muốn vậy nơi nào cũng phải kêu gọi đầu tư, tạo công ăn việc làm. Từ điều tra hộ nghèo mà tìm chính xác nguyên nhân nghèo mới có giải pháp hỗ trợ (trừ đối tượng bảo trợ xã hội), nhưng trong thực tế ở dưới thôn vẫn còn một số thôn làm không chu đáo nên vẫn có độ lệch. Theo tôi, NQ 119 nên tiếp tục được duy trì, riêng khoản tiền thưởng thì không nên nói tiền thưởng mà phải có phương án sản xuất tiếp tục thoát nghèo bền vững, người thoát nghèo làm được được rồi mới nghiệm thu và hỗ trợ tiền, và mức cũng nên nâng lên 10 triệu đồng/hộ để họ có phương án sản xuất hiệu quả hơn. Ông Trần Xuân Hiền - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam: Nên cho vay không lãi suất ở mức cao hơn hiện nay Khi các hộ thoát nghèo theo đăng ký, thì được cho vay mới 20 triệu đồng, chứ không phải là “đảo” nợ cũ khi họ được vay lúc đang là hộ nghèo. Nhưng ở cơ sở, mà cụ thể là UBND các xã, phường chưa hiểu kỹ NQ 119 nên thực hiện không đúng chính sách. Cần nói thêm rằng, chủ trương của tỉnh là hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của hộ thoát nghèo, nhưng lại không cân đối nguồn để cho vay. Vì nguồn vốn không có, không thể cho vay mới được, nên ngân hàng phải hỗ trợ lãi suất cho khoản vay cũ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh điều này. Tôi nghĩ giai đoạn mới có thể nâng mức hỗ trợ lãi suất theo dư nợ thực tế, và cũng cần bãi bỏ bớt thủ tục quá phiền hà như bây giờ. Thủ tục hiện nay là dân đi nộp lãi suất tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, mang phiếu về, nộp lên xã làm thủ tục chuyển qua tài chính thẩm định, xong chuyển nguồn về trả lại cho người dân, như thế quá phức tạp thì có nên hỗ trợ thẳng qua Ngân hàng Chính sách xã hội được không? Việc luân chuyển chứng từ hiện tại quá phức tạp, nếu tài chính chuyển thẳng về ngân hàng thì phía ngân hàng sẽ có phương án để giảm thủ tục phức tạp này. Cá nhân tôi thấy thay vì cho trực tiếp bằng tiền gọi là tiền thưởng như hiện nay thì nên chuyển sang cho vay không lãi suất với mức cao hơn 20 triệu đồng/hộ. Như thế sẽ tăng thêm trách nhiệm cho người dân, để họ thấy rằng tiền đó chưa phải là của họ, để họ cố gắng làm ra mà trả lại. Trước nay Nhà nước cho cũng nhiều rồi mà hiệu quả không cao; tiền vay thì phải trả, chứ tiền cho là tiêu ngay không bận tâm. |
THIẾU ĐỊNH HƯỚNG VIỆC LÀM Cơ chế đặc biệt hỗ trợ người đăng ký và thoát nghèo chỉ có Quảng Nam mới thực hiện. Chính sách đúng, nhưng cách thực hiện ở cơ sở chưa mang lại hiệu quả cao chỉ vì hiểu không đúng chính sách, hoặc ở địa phương chưa có định hướng cho người đã thoát nghèo.
Lại xin vô hộ nghèo Bà Nguyễn Thị Hường (thôn Quý Mỹ, xã Bình Quý, Thăng Bình) sống trong hoàn cảnh mẹ góa con côi, bản thân bà cho rằng mình nay ốm mai đau nên chưa đủ điều kiện để thoát nghèo. Tuy nhiên, xét điều kiện của bà có thể thoát nghèo nên cán bộ ở thôn, đội động viên bà đăng ký thoát nghèo. Thế là bà… đăng ký chứ “không đăng ký thì cũng bị cho ra khỏi hộ nghèo, mà ra khỏi hộ nghèo như vậy thì không được hỗ trợ, không được thưởng, nên phải đăng ký thôi” - bà Hường phân trần. Bà Hường nói bà có nhận được khoản tiền thưởng 5 triệu đồng, nhận thẻ bảo hiểm y tế 2 năm sau thoát nghèo, hết năm 2016 thì hết hạn. Số tiền 5 triệu đồng bà dùng 1 triệu mua con heo nái, mua thêm thức ăn cho heo, rồi thêm vô để làm lúa. Heo nái bà Hường nuôi phát triển tốt nên đã bán được lứa thứ hai, mỗi lứa bán heo được khoảng 3 triệu đồng. Riêng khoản tiền vay 20 triệu đồng được hỗ trợ lãi suất thì bà Hường không vay, vì cho rằng: “Vay thì phải trả chứ có phải cho không đâu, mà vay phải biết làm chi với số tiền đó mới vay, chứ vay rồi lấy chi trả đây”. Rồi bà Hường hỏi: “Bây giờ hết hỗ trợ bảo hiểm y tế rồi, tôi cũng thấy mình còn khó khăn, nên muốn xin vô lại hộ nghèo có được không?”. Cùng tâm lý muốn “xin vô lại hộ nghèo” sau khi đã đăng ký “thoát nghèo bền vững”, bà Nguyễn Thị Dung (thôn Quý Mỹ, xã Bình Quý) cho rằng bà “bị bắt đăng ký thoát nghèo bền vững chứ chưa thể thoát nghèo, và đăng ký thì mới có 5 triệu tiền thưởng chứ không thì cũng ra khỏi hộ nghèo mà không có tiền”. Bà Dung ở với vợ chồng người con trai. Anh này có sức khỏe, có thể lao động kiếm sống nhưng lại hay uống rượu, không lo làm ăn. Bà nhận 5 triệu tiền thưởng rồi mua heo hết 2,5 triệu đồng nhưng heo bị dịch bệnh chết. Số tiền còn lại bà để dành tiêu pha, ăn uống. Bà Dung vay 20 triệu đồng không lãi suất, mua trâu 13 triệu đồng nhưng là… trâu đực, còn 7 triệu đồng bà… mua vàng cất. Hỏi bà tại sao lại mua vàng mà không làm gì cho số tiền ấy sinh ra lợi nhuận, bà Dung giải thích: “Tôi mua trâu để nuôi, nay lớn rồi, cuối năm bán lại sẽ được hơn 13 triệu đồng, xem như tôi có khoản lời. Còn vàng đã mua thì để đó khi bán trâu nếu không đủ tiền sẽ bán vàng ra để trả cho Nhà nước. Như thế an toàn hơn, chứ lỡ mua thêm con heo, con gà nuôi mà dịch bệnh chết thì trắng tay, lấy chi trả lại cho Nhà nước”. Bà Dung cũng tha thiết hỏi xem có xin vô lại hộ nghèo được không, chứ hết hỗ trợ là bà không biết làm gì để có thu nhập. Chưa đúng tinh thần Nghị quyết Có thể trường hợp bà Hường, bà Dung chưa đại diện cho tâm lý chung của những người đã thoát nghèo, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng nhiều người đăng ký thoát nghèo bền vững chưa thực sự có ý chí kiên quyết thoát nghèo, mà chỉ vì tiền thưởng, vì hỗ trợ nên đăng ký. Đem hai trường hợp của bà Hường, bà Dung đến hỏi UBND xã Bình Quý, ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết: “Hộ bà Hường là chung hộ với người em trai chứ không phải đơn thân, hộ bà Dung thì xét thấy có lao động nên khi hai bà đăng ký chúng tôi đưa ra xét và mới cho thoát nghèo vì hội đủ điều kiện, chứ xã, thôn không thể nào áp đặt người dân phải đăng ký thoát nghèo. Người dân tự nguyện đăng ký, nhưng giờ hết được hỗ trợ thì quay lại xin vô hộ nghèo là hoàn toàn không thể. Bây giờ đến kỳ xét thoát nghèo cũng còn tâm lý xin vô hộ nghèo, nhưng có NQ 119, lại có thêm đánh giá nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều thì điều tra viên cứ căn cứ theo tiêu chí mà chấm điểm, nên người dân hết cơ hội xin vô hộ nghèo. Và không thể trách người đi điều tra được”. Vấn đề ở đây, UBND xã Bình Quý đã thiếu sự định hướng cho hộ đăng ký thoát nghèo nên sử dụng tiền thưởng, tiền vay như thế nào để sinh lợi, giúp người dân thoát nghèo được bền vững hơn. Ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa xã hội (HĐND tỉnh) nhận xét rằng, thực tế triển khai NQ 119 ở cơ sở còn nhiều bất cập, sai sót, triển khai không đúng tinh thần của NQ 119. Như: khoản tiền vay 20 triệu đồng được hỗ trợ 100% lãi suất thì không cho vay mới, mà lấy khoản dư nợ cho vay dành cho hộ nghèo trước khi đăng ký 119, rồi hỗ trợ lãi suất cho 20 triệu đồng. Khoản tiền hỗ trợ 5 triệu đồng dùng cho mục đích thoát nghèo, dùng làm vốn sản xuất, buôn bán… để có thêm thu nhập, chứ không phải đem tiêu xài hoặc dùng làm những chuyện không sinh ra lợi nhuận. Nhiều hộ thoát nghèo khi được hỏi thì cho rằng bị ép phải đăng ký thoát nghèo, nếu không thoát nghèo thì cũng sẽ… cho ra khỏi hộ nghèo. Ở cấp huyện như huyện Nam Giang thì tiền thưởng cho người dân thoát nghèo lại không phát cho dân. Ngày hôm trước huyện báo cáo về tỉnh là tiền thưởng đã phát hết cho dân; ngày hôm sau đoàn đến xã Chà Vàl để kiểm tra thì huyện mới mang tiền… chạy theo cấp cho dân. Ông Triều cho rằng, người thực hiện chính sách làm sai tinh thần của chính sách, thiếu trách nhiệm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân và không phát huy được mục đích cuối cùng. Vì thế, trong thời gian tới, cùng với sự góp ý của các ngành, địa phương, Ban Văn hóa xã hội sẽ đề xuất hướng hỗ trợ thoát nghèo bền vững cho phù hợp với từng vùng miền đồng bằng hay miền núi. Và ông Triều cũng nhấn mạnh rằng, nên hạn chế hỗ trợ tiền mặt và nghiên cứu hướng khác, có thể hỗ trợ bằng hiện vật hoặc hỗ trợ tiền sau khi người thoát nghèo đã có phương án làm ăn có thể sinh ra lợi nhuận. |
Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ