Chuyện săn ảnh Hội An ngày lũ
Giờ thì tôi phần nào hiểu được sự quyến rũ của Hội An trong ngày lũ. Vì sao nó có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với cánh nhiếp ảnh đến thế. Và, cả vài mẩu chuyện rất đời của những tay máy lúc ghi lại khoảnh khắc ấy.
![]() |
Hội An ngày lũ rất quyến rũ. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Thế là Hội An… có lũ, dễ chừng cũng sau 3 - 4 năm rồi. Nhưng là một con lũ rất… dễ thương. Đó không chỉ là lời mấy tay máy nói, mà không ít người sống trên tuyến đường Bạch Đằng - tuyến đường bị ngập nặng nhất, cũng đồng ý như vậy.
Tôi để ý, thường là những người đang tuổi trung niên hoặc già hơn, dường như không mấy khó chịu với đợt lũ vừa rồi. Có vẻ, với họ, lũ là một phần của Hội An, như bao đời nay vẫn thế. Nhưng đó phải là cơn lũ nhẹ, chỉ vừa đủ ngấp nghé bậc tam cấp; đủ để mang phù sa từ dòng Thu Bồn về bồi đắp hai bên sông Hoài, để đầu năm tới người Cẩm Nam rộn ràng với lễ hội bắp; đủ để cuốn trôi những cặn thải lắng đọng gây mùi khó chịu từ các con lạch; và sau cùng, là đủ để nếp sinh hoạt hằng ngày thay đổi một chút, khác với cái quen thuộc, trầm mặc đến nhàm chán mọi ngày.
Và cái sự “thay đổi một chút” ấy, có sức hút mãnh liệt với giới nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA). Là một trong những người thuộc thế hệ đàn anh của giới nhiếp ảnh Hội An, giờ mà ngồi kể, thì NSNA Đặng Kế Đông không biết phải bắt đầu từ đâu, về cái thú chụp ảnh lũ Hội An. Với ông, mỗi mùa lũ, là Hội An lại có một cái đẹp mới. Nên thành ra, dù ở mùa lũ trước vác máy đi chụp đầy rẫy, thì đến mùa lũ năm sau, ông vẫn lại tất tả với công việc đó. Với những người chơi ảnh như ông, thì Hội An đã vốn đầy mê hoặc, từ những ngõ vàng, rêu xanh, ngói đỏ… Hội An mùa lũ, chả biết sao lại quyến rũ đến thế. Tất nhiên, đó phải là con lũ nhẹ, để sông Hoài duềnh lên, rộng ra, lai láng, nước chỉ vừa đủ phớt qua mặt phố để điểm xuyết một vẻ mềm mại lãng mạn cho những ngôi nhà cổ kính, và vừa đủ để người phố cổ xôn xao một chút. “Bởi lũ lớn, thì nó ra thiên tai mất rồi. Và với cái hoàn cảnh ấy, ai còn đủ tâm sức để sáng tác?” - NSNA Đặng Kế Đông hỏi như trải lòng. Nên thành ra, những người đi săn ảnh Hội An mùa lũ, còn muốn ghi lại những khoảnh khắc đời thường, những sinh hoạt của người sông Hoài, chứ không chỉ là chụp cảnh đẹp khác lạ của không gian ấy. Đã chụp không biết bao mùa lũ, nhưng tấm ảnh mà NSNA Đặng Kế Đông thích nhất là chụp vào năm 1998, với cái tên ban đầu là “Bến tạm”. Sau này, nó được đổi tên là “Bến lạ”. Chủ thể chính của tấm ảnh là một chiếc thuyền nhỏ neo trước nhà cổ Tấn Ký trên đường Nguyễn Thái Học, trên thuyền, một người lái đò đang đợi khách. Nơi NSNA Đặng Kế Đông chụp tấm ảnh ấy, là từ ngôi nhà đối diện với nhà cổ Tấn Ký, với góc chụp xuyên qua cửa chính ngôi nhà mà ông đang ngồi.
![]() |
Phố cổ Hội An ngày lụt. Ảnh: NGÔ THÀNH |
Một góc ảnh đời thường khác mà NSNA Đặng Kế Đông vẫn nhớ mãi đến bây giờ, đó là khoảng năm 2003 - 2004, tại nơi giao nhau của đường Nguyễn Thái Học với Lê Lợi, có một ông già đang lắc thúng chai trong phố. Với người NSNA già này, đó chính là những khoảnh khắc rất đẹp và rất đời thường mà những người làm nghệ thuật như ông muốn lưu giữ lại. Tiếc là vì nhiều lý do, những tấm ảnh ấy ông đã không thể lục lại được.
2. Nhưng chụp ảnh lũ Hội An, không chỉ là cuộc chơi của những tay máy bản địa, mà còn có sự tham gia của những NSNA ở các nơi khác. Họ về chụp, không phải vì sự hiếu kỳ bởi cái lạ của Hội An mùa lũ, mà phần nhiều vì dành không ít tình cảm cho đô thị cổ này, như cha con NSNA Lê Vấn - Lê Trọng Khang. Mấy hôm tác nghiệp ở Hội An, tôi hay bắt gặp hai cha con, lúc thì đèo nhau trên xe máy, khi thì xăn ống quần lội nước, thỉnh thoảng ngồi trên thuyền…, nhưng đều có một điểm chung là họ say sưa với từng góc ảnh của mình. Hình như hôm ấy là trưa ngày 3.12, khi nước lũ đang dâng, từ trên một ngôi nhà ở đường Bạch Đằng, nhìn xuống thấy một thanh niên kéo chiếc xe bò lội nước, trên xe là một bà cụ với một rổ đựng đầy chuối. Đấy là một khoảnh khắc đẹp và NSNA Lê Vấn đã không để vuột mất.
Đã không ít lần chụp lũ Hội An, nhưng năm nay, khi nghe tin từ anh em trong này, NSNA Trương Vững cũng tất tả từ Huế vào săn ảnh. Với anh, trong lũ, Hội An đẹp và quyến rũ hơn mảnh đất di sản cố đô quê anh. Cái hấp dẫn của Hội An, là giữa lũ mà vẫn nườm nượp du khách đổ về, họ sẵn sàng lội bộ, hay ngồi thuyền để khám phá phố cổ theo cách riêng. Lại thêm, cái nếp sinh hoạt trong lũ của người phố Hội, tưởng chừng như bình dị ấy, lại có sức hấp dẫn lạ thường. Và thêm nữa, Hội An trong lũ, những sắc màu từ ánh đèn lồng hắt xuống dòng nước, rồi phản chiếu lung linh. “Hội An đẹp là nhờ có nhiều góc nhỏ, có mái rêu phong kết hợp với vách tường vàng, cộng thêm màu phản chiếu của nước lũ nên rất hài hòa trong màu sắc. Đặc biệt, trong cảnh sắc ấy, có con người sinh hoạt nên rất ấn tượng” - NSNA Trương Vững chia sẻ.
3. Tưởng chỉ là lội, ngắm và chụp. Có ngờ đâu, phía sau những lần bấm máy ấy, là những câu chuyện mà nếu không kể ra ở đây, thì nhiều người vẫn giữ cái nhìn phiến diện, rằng lũ lụt như ri, mà mấy ông còn chụp choẹt cái chi. Và người vẫn còn mang chút nỗi niềm ấy, là NSNA Đặng Kế Đông. Ông kể, cách đây cũng khá nhiều năm, khi ông cùng đồng nghiệp lặn lội chụp ảnh Hội An mùa lũ, khi đến chợ Hội An, thấy bà con tiểu thương vất vả chuyển đồ lên nơi cao ráo, thế là anh em xúm nhau giúp họ. Vậy mà một người bạn, chẳng biết là cố tình hay trêu đùa: “Bà con khổ như ri mà bọn mi còn chụp được à?”. Sau lần ấy, ông Đông bị tổn thương tâm lý, dễ chừng mấy cái lũ liên tiếp sau, ông không vác máy ra khỏi nhà. Còn cái việc gác chuyện chụp một bên để giúp người chuyển đồ đạc, đối với anh em NSNA, là chuyện thường. Bởi, xin nhắc lại, như trên đã nói, chỉ có những con lũ nhè nhẹ thì họ mới có đủ cảm xúc để ghi lại những hình ảnh ấy. Còn khi đứng trước cảnh bà con cuống cuồng chạy lũ chẳng ai có thể sáng tác được!
![]() |
Nhiều bạn trẻ không ngại khó để có những bức ảnh đẹp. Ảnh: TRƯƠNG VỮNG |
Cuối những năm 90, những người thuộc thế hệ như NSNA Đặng Kế Đông, trong những ngày lũ, thường có vai trò là “thổ địa” cho các cánh phóng viên, nhà báo từ nơi xa về tác nghiệp; hay cộng tác cho các báo không cử phóng viên ảnh về được. Dần dần từ ấy, trong ảnh nghệ thuật của họ, nẩy ra những dòng thời sự, như muốn cho người dân khắp nơi thấy được cảnh lũ của Hội An, chứ không phải là cái sự sung sướng khi chụp được ảnh Hội An ngày lũ. Rồi bước qua cái nhiệm vụ chính là săn ảnh, họ lại hòa cùng những đoàn cứu trợ đến từng ngõ ngách ngập lụt của Hội An để phát quà. Về ngả rẽ này, ông Đông còn nhớ một câu chuyện cười ra nước mắt. Là của vài chục năm trước, lần đầu dẫn đoàn cứu trợ sang Cẩm Kim, vì chưa quen đường trong lũ nên ông dẫn đoàn đi theo đường bê tông chính, thấy nhà dân ngập nhiều quá, đoàn dừng lại phát quà. Khi phát gần hết, thì người dân trong những nơi ngập nặng hơn, chèo thuyền ra, thấy quà cứu trợ hết, thì họ giãy nãy lên: “Ôi trời ơi, bọn tôi trong ni ngập hơn nhiều, sao không được chi cả?”.
Cũng trong đợt lũ vừa rồi, săn ảnh xong, một số anh em ngồi cà phê ở 130 Trần Phú, như muốn được ngắm nhìn Hội An lần nữa trước khi rời đi và hẹn gặp lại trong ngày gần nhất. Tất thảy họ, dù không nói ra, nhưng đều dành cho phố cổ những niềm tự trái tim. Với họ, Hội An như người tình - người tình di sản luôn luôn hấp dẫn, luôn giúp họ thỏa mãn những góc chụp, ngay cả trong lũ. Nên vì “nàng”, mà họ sẵn sàng dầm mình lội nước tìm kiếm những vẻ đẹp còn lẩn khuất đâu đó. Người nghệ sĩ săn ảnh Hội An ngày lũ, là đi kiếm tìm cái đẹp và lưu giữ những khoảnh khắc đời thường ấy, bằng tất cả thương yêu.
Ghi chép của XUÂN THỌ