Sức sống của bài hợp xướng "Hallelujah"

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN 10/12/2016 08:54

Hằng năm, vào trung tuần tháng 12, mọi tín đồ công giáo trên khắp nơi thế giới chuẩn bị chào đón mùa Giáng sinh, hay còn gọi là mùa Noel. Ở đâu đó trong những quán cà phê  hay ở nhà thờ, nhạc chào đón mùa Giáng sinh hay Thánh ca được mở vang vang. Trong số những bài hát nhân mùa Noel, bản hợp xướng nổi tiếng của Handel (1685 - 1759) là “Hallelujah” (một trích đoạn từ bản trường ca Messiah) thường được chọn biểu diễn trong các đêm nhạc Thánh lễ hoặc biểu diễn ở nhà hát và được đông đảo mọi người trên thế giới biết đến và ưa chuộng.

Bản hợp xướng Hallelujah được trình diễn trong chương trình “Câu chuyện Giáng Sinh” được tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương tối 3.12 vừa qua.
Bản hợp xướng Hallelujah được trình diễn trong chương trình “Câu chuyện Giáng Sinh” được tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương tối 3.12 vừa qua.

Messiah là bản oratorio tiếng Anh do George Frideric Handel sáng tác năm 1741 với nội dung dẫn ý từ Kinh Thánh, do Charles Jennens viết ca từ theo bản King James và những chương Thi Thiên trích từ Sách Cầu nguyện chung của Anh giáo. Ra mắt công chúng tại Dublin ngày 13.4.1742, buổi trình diễn đầu tiên của Messiah tại Luân Đôn được tổ chức một năm sau đó. Từ những thành quả khiêm tốn ban đầu, dần dà Messiah giành được sự quan tâm rộng rãi của công chúng, cuối cùng trở thành một trong những tác phẩm hợp xướng nổi tiếng nhất và được biểu diễn nhiều nhất trong nền âm nhạc phương Tây.

Từ những vở opera tiếng Ý mà thanh danh của Handel được thiết lập trên đất nước Anh, nơi ông định cư từ năm 1712. Kể từ thập niên 1730, ông quay sang viết oratorio tiếng Anh nhằm đáp ứng thị hiếu của người dân ở đây. Messiah là sáng tác thứ sáu của Handel viết theo thể loại này. Dù có cấu trúc tương tự với thể loại opera truyền thống, Messiah không phải là một vở diễn, cũng không có những vai diễn, và rất ít lời thoại. Ca từ của Jennes có những ký thuật và những trầm tư sâu lắng về cuộc đời Chúa Giê-su là Đấng Messiah (Chúa Cứu thế), khởi đi từ những lời tiên tri của Isaiah và những nhà tiên tri khác, đến sự hóa thân thành người, sự thống khổ, và sự Phục sinh của Chúa Giê-su, tất cả đều tập trung về vinh hiển sau cùng của ngài trên thiên đàng.

Nguyên thủy khi viết Messiah,  Handel chỉ dành một quy mô vừa phải cho hợp xướng và các loại nhạc cụ với nhiều chọn lựa cho mỗi thể loại. Nhưng sau khi ông mất, tác phẩm đã được cải biên để trình diễn bởi những dàn giao hưởng và ban hợp xướng với quy mô lớn hơn nhiều. Mozart và những nhà soạn nhạc khác đã viết lại cũng như mở rộng tác phẩm. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 20, người ta có khuynh hướng trở lại với sáng tác nguyên thủy. Hầu hết những buổi trình diễn Messiah ngày nay đều thể hiện ý định sáng tác ban đầu của Handel mặc dù những sản phẩm “Messiah hoành tráng” vẫn tiếp tục phát triển. Một phiên bản gần như hoàn chỉnh được ghi âm trong bộ đĩa 78 rpm phát hành năm 1928; kể từ đó Messiah vẫn thường xuyên được ghi âm.

Nổi tiếng nhất trong trường ca Messiah là phần hợp xướng Hallelujah với nội dung dựa trên sách Khải Huyền trong Tân Ước:

“Đoạn, tôi nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: Alleluia! Vì Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị”. (Khải Huyền 19:6)

“Vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Chúa Ki-tô của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời”. (Khải Huyền 11:15)

“Trên áo choàng và trên đùi Ngài, có đề một danh là: Vua của các vua và chúa của các chúa”. (Khải Huyền 19:16)

Theo truyền thuyết, vua George II đã đứng dậy ngay khi nốt nhạc đầu tiên của bài hợp xướng khải hoàn Hallelujah vang lên. Từ đó, nghi thức hoàng gia luôn yêu cầu các bậc quân vương phải đứng lên, và như thế mọi người có mặt cũng phải làm theo nhà vua. Bởi vì không ai biết chính xác lý do khiến vua George II đứng lên khi nghe bài Hallelujah nên có các giải thích khác nhau về sự kiện này, trong đó có luận cứ được chấp nhận rộng rãi nhất: Theo thông lệ, mọi người phải đứng dậy để bày tỏ sự tôn kính đối với bậc quân vương. Bài hợp xướng Hallelujah tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua của muôn vua. Khi đứng lên, vua George II đã chấp nhận rằng mình cũng chỉ là một thần dân của Chúa của muôn chúa. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào cho thấy nhà vua đã có mặt trong buổi ra mắt hoặc trong bất cứ buổi trình diễn nào khác của Trường ca Messiah, mặc dù tập quán này đã được nhắc đến trong một bức thư đề năm 1756.

Bởi vì bài Hallelujah thường được trình diễn riêng nên được nhiều người biết đến như là “Bài hợp xướng Hallelujah”. Thật ra, cách gọi chính xác là “Bài hợp xướng Hallelujah của Trường ca Messiah”.

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN