Từ "thằng mõ" đến đài truyền thanh và internet
Trang Wikipedia định nghĩa “thằng mõ” là người có nhiệm vụ gõ mõ và thông báo theo chỉ thị của các chức sắc trong các làng xã cổ Việt Nam. Công việc của anh ta là đi khắp làng gõ mõ gọi dân làng đến tề tựu ở sân đình để nghe những tin tức mới xảy ra trong làng. Ngoài công việc trên, người này có nhiệm vụ khác là tuần phòng ban đêm và gõ từng hồi mõ báo hiệu giờ giấc dưới sự hướng dẫn của viên chức và các tráng đinh trong làng. Người này thường được làng cấp cho một mảnh đất công nhỏ để cày cấy hoặc được đến mùa gặt thì được các địa chủ cho một ít thóc. Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã từng làm một bài thơ ngợi khen vai trò của "thằng mõ":
"Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh rền rĩ khắp đòi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh,
Làng nước ai ai phải cứ lời.
Trên dưới quyền hành tay cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi"…
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Huỳnh Văn Tòng từng viết: Đứng dưới góc độ nghiên cứu lịch sử về truyền thông đại chúng ở Việt Nam thì "thằng mõ" được xem là phương tiện truyền thông sơ khai nhất trong xã hội cổ truyền Việt Nam, và đã tồn tại đến giữa thế kỷ 20 với đóng góp giá trị nhất định trong việc mang tin tức đến cho dân làng.
Hình ảnh "thằng mõ" quen thuộc một thời. |
Thời niên thiếu, tôi từng chứng kiến những người ở làng làm mõ bằng cái loa bằng tôn, đạp xe quanh thôn xóm để thông báo các chủ trương, như thông báo mời thân hào nhân sĩ đi họp, trai tráng đi canh gác, chuẩn bị mở cửa cho nhân viên diệt trừ sốt rét đến “xịt muỗi” và kêu gọi nhân dân giết chuột - nộp đuôi chuột để nhận tiền của chính quyền địa phương dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Rồi chiến tranh xảy ra khiến mọi người quên mất chuyện mõ, loa ở các làng…
Hòa bình lập lại, cùng với phong trào hợp tác xã và điện khí hóa nông thôn, mỗi làng bắt đầu có những bộ loa sắt bắt trên những công trình kiến trúc cao trong làng để thông báo lịch thời vụ, điều hành sản xuất và các chủ trương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, thông báo danh sách thanh niên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự… Sau này, mỗi xã lại có đài truyền thanh kết nối với đài cấp huyện, thị xã và tỉnh. Các làng đều xây dựng nhà văn hóa, có hệ thống loa hiện đại hơn tiếp âm với đài xã. Ngoài các tin tức địa phương, hệ thống loa truyền thanh này còn trực tiếp các chương trình họp hội đồng nhân dân hoặc tiếp xúc cử tri các cấp. Mỗi lần về làng, tôi đã có nhiều dịp ngồi nghe suốt buổi các chương trình trực tiếp truyền thanh hay chất vấn của cử tri ấy, nhờ vậy biết thêm nhiều việc ở làng. Cũng qua hệ thống loa truyền thanh, tôi học được thêm nhiều thuật ngữ trong nông nghiệp, chẳng hạn câu chuyện liên quan đến công việc (chức vụ) của người chuyên đi trổ nước từ kênh thủy lợi hoặc máy bơm đến các ruộng thời hợp tác xã, được gọi là “truy đề”, mà dân gian sau này gọi vui là “trạch hòa hầu”, như một chức quan thời hiện đại ở làng!
Trở lại với hệ thống loa truyền thanh và chương trình tin tức ở làng, tôi thấy vai trò của các cán bộ thông tin xã hay thôn trưởng rất quan trọng. Người ấy cần có một trình độ học vấn nhất định, có giọng nói dễ nghe mới tạo ra sự chú ý của dân làng. Cũng có trường hợp một trưởng thôn có giọng nói lắp bắp, khó nghe bị dân phê bình phải đi nhờ người khác đọc. Nghe đâu cũng vì giọng nói ấy, nhiệm kỳ sau, dân đã bầu người khác lên thay!
Nhưng đài truyền thanh rồi sẽ đến lúc hoàn thành vai trò lịch sử của nó. Tôi nghĩ vậy. Bởi về các làng, tôi thấy ngày nay ở các quán cà phê đều có ti vi màn hình lớn luôn mở các chương trình thời sự của VTV, đài truyền hình tỉnh. Các buổi phát hình thời sự, trực tiếp các phiên họp quốc hội hay HĐND đều rất được người dân chăm chú theo dõi. Cũng ở nông thôn, ngày nay nhiều gia đình đã có máy vi tính, nhiều bạn trẻ lúc nào cũng kè kè bên mình laptop, smartphone (điện thoại thông minh) có kết nối internet. Lúc nào họ cũng có thể biết tất cả tin tức, sự kiện diễn ra khắp nơi, kể cả diễn tiến bầu cử Tổng thống Mỹ hoặc kết quả đá bóng giải VFF vừa rồi ở tận Myanmar!
Vậy, nếu một đài truyền thanh xã được đầu tư một máy chủ kết nối internet (host), kết nối với các máy vi tính và laptop qua trang web hay trang Facebook của mình thì việc thông tin sẽ nhanh và hiện đại hơn là loa truyền thanh, vì không phải xảy ra đứt dây, chạm điện khi có mưa lũ, bão gió. Nhiều làng ở Nhật Bản, Ấn Độ hoặc Bangladesh đã xây dựng các E-village (làng điện tử) cách đây vài chục năm, là các mô hình rất hay ở dạng này với sự đầu tư từ chính phủ, các trường đại học và công ty IT lớn. Kết quả là họ đã tạo được các diễn đàn đa chiều từ chính quyền đến từng gia đình nông dân, từ mua bán các sản phẩm địa phương đến các siêu thị và cả giới thiệu các kinh nghiệm sản xuất, tổ chức khám chữa bệnh online từ các bác sĩ trong làng cho người già mà không phải đi lại trong thời thiết xấu.
Tóm lại, mỗi thời đại có các phương tiện kỹ thuật, công nghệ tương ứng. Thông tin cũng vậy. Từ anh mõ làng, chiếc loa bằng tôn đến các loa và đài truyền thanh cấp xã là một quá trình. Bây giờ là thời của công nghệ cao, của truyền tải internet băng thông rộng… Mong rằng sẽ có những mô hình công nghệ thông tin ở một số làng, xã (thuộc chương trình nông thôn mới càng tốt) để làm thử nghiệm. Mà tôi tin là sẽ rất thành công, nếu ở mỗi làng, xã có những người nhiệt huyết, được đào tạo cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG