Bình đẳng giới, nhìn từ chuyện nhà

CHÂU NỮ 09/12/2016 10:03

Càng ngày, vấn đề bình đẳng giới càng được xã hội quan tâm. Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15.11 đến 15.12.2016), câu chuyện bình đẳng giới lại được đề cập nhiều hơn.

Bình đẳng giới được hiểu là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bài viết này chỉ đề cập bình đẳng giới từ chuyện nhỏ của mỗi gia đình; không đề cập vấn đề bình bằng giới ở tầm vĩ mô trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, như tỷ lệ phụ nữ tham chính, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp… cao hay thấp.

Mặc dù nhận thức về bình đẳng giới có được nâng lên, song trong thực tế, nhiều phụ nữ vẫn chưa được cởi bỏ hoặc chưa mạnh dạn tự cởi bỏ bớt gánh nặng trách nhiệm gia đình. TRONG ẢNH: Phụ nữ  Tây Giang dệt thổ cẩm. Ảnh: CHÂU NỮ
Mặc dù nhận thức về bình đẳng giới có được nâng lên, song trong thực tế, nhiều phụ nữ vẫn chưa được cởi bỏ hoặc chưa mạnh dạn tự cởi bỏ bớt gánh nặng trách nhiệm gia đình. TRONG ẢNH: Phụ nữ Tây Giang dệt thổ cẩm. Ảnh: CHÂU NỮ

Phụ nữ là “siêu nhân”

Từ xưa đến nay, với phụ nữ, được làm mẹ luôn là một thiên chức, một niềm hạnh phúc lớn lao nhưng trong xã hội hiện đại, làm sao để vừa làm tròn thiên chức ấy, vừa lao động, học tập để có được cuộc sống độc lập, không phải ai cũng làm được. Cuộc sống càng hiện đại, phụ nữ càng bận rộn với vai trò “kép”: giỏi việc nước - đảm việc nhà nên rất cần được các thành viên trong gia đình chia sẻ trách nhiệm và công việc. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm được xem là rào cản thúc đẩy bình đẳng giới. Chẳng hạn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã khiến nhiều người cho rằng trách nhiệm xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình thuộc về phụ nữ; đàn ông chỉ làm những việc lớn lao, nặng nhọc. Quan niệm “đảm đang”, “công dung ngôn hạnh” từ xưa vẫn còn đè nặng lên đôi vai phụ nữ đã vô tình khiến phụ nữ phải tự nỗ lực để biến mình thành “siêu nhân” trong mắt mọi người. Bình đẳng giới luôn là ước mơ của phụ nữ nhưng họ thường giành làm hết việc nhà, nếu con trai hay chồng họ vào bếp hoặc làm việc nhà… họ lại tỏ vẻ không hài lòng vì sợ bị cho rằng “phụ nữ không đảm đang”.

Trong xã hội hiện đại, không ít phụ nữ vừa tất bật với công việc ngoài xã hội, vừa quán xuyến gia đình. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, có phụ nữ còn xem việc quét dọn, lau chùi, chăm sóc bữa cơm gia đình… là “thiên chức” của mình. Để rồi, họ gồng mình lên làm việc, thậm chí chịu đựng, và không muốn đàn ông, con trai trong gia đình chia sẻ. Trong nhà, nếu có con trai và con gái, sẽ dễ nhận thấy con gái thường bị ông bà cha mẹ sai làm những việc, được cho là việc vặt như nấu ăn, dọn cơm, rửa chén, lau chùi, quét dọn nhà cửa… còn con trai thì không. Trong khi đó, lẽ ra sự phân công việc nhà của các thành viên phải phù hợp với sức khỏe thì không ít gia đình lại căn cứ vào giới để phân công công việc. Đã qua rồi quan niệm phụ nữ đảm đang là người giỏi giang trong việc quán xuyến công việc gia đình; ngày nay khái niệm này được mở rộng ra theo hướng, người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình và công việc xã hội…

Khi đàn ông vào bếp

Tuy vẫn còn không ít người (cả nam lẫn nữ) cho rằng việc đi chợ, nấu ăn là chuyện vặt, chuyện của… đàn bà nhưng nếu quan sát, sẽ thấy một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều đàn ông có ý thức chia sẻ trách nhiệm và việc nhà với phụ nữ. Đàn ông cùng làm việc nhà, cùng vợ đi chợ, vào bếp… không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, không ít người còn hài lòng với việc chăm sóc gia đình để vợ yên tâm lo việc xã hội và có thời gian nghỉ ngơi. Tôi có một anh bạn giữ chức vụ cao ở một cơ quan nhà nước nhưng với anh, chuyện đi chợ, nấu ăn, làm việc nhà, chăm sóc, đưa đón con đi học… trở thành “chuyện thường ngày”. Bởi anh cho rằng, phụ nữ phải gánh trách nhiệm sinh đẻ, tham gia việc xã hội đã quá vất vả nên đàn ông chia sẻ gánh nặng việc nhà với vợ là điều hết sức bình thường trong xã hội hiện đại.

Trong một chiến dịch tuyên truyền bình đẳng giới, một người đàn ông kể câu chuyện trong chính gia đình mình. Câu chuyện của anh được đa số người nghe thích thú. Trước đây, anh luôn cho rằng nấu cơm, rửa chén là việc của phụ nữ nên không động tay đến việc nhà. Nhưng mỗi khi dọn cơm, vợ anh luôn sắp thiếu một đôi đũa, một cái chén hoặc thiếu cái này, cái kia nên nhờ anh hoặc con trai xuống bếp lấy. Việc này lặp đi lặp lại mãi thành quen, nên chỉ một bữa cơm mà cả 3 người trong gia đình đều cùng dọn lúc nào không hay. Sau đó, cùng làm việc nhà đã trở thành thói quen của các thành viên trong gia đình anh. “Suy cho cùng, vợ chồng là sự sẻ chia và phải biết sẻ chia” - người đàn ông này đúc kết. Trong gia đình, bình đẳng không phải là chia đôi mọi việc, là phụ nữ rửa chén, đàn ông quét nhà hay đàn ông đi chợ, phụ nữ nấu cơm… mà bình đẳng chính là mỗi thành viên cùng có trách nhiệm, sự quan tâm, chia sẻ công việc. Bình đẳng giới là câu chuyện khá dài và cũng có khó thể đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối. Bình đẳng giới cần sự vào cuộc, sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể và của mỗi gia đình nhưng chính phụ nữ cũng cần phải tự tin lựa chọn cách sống, phải tự tạo cho  mình quyền làm chủ sự nghiệp, làm chủ cuộc sống để đem lại hạnh phúc cho bản thân, cho người thân của mình và để được yêu thương, chia sẻ…

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ