Châu Á dẫn đầu kết quả khảo sát PISA 2015
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả khảo sát PISA năm 2015. Xuất sắc nhất là học sinh Singapore.
PISA là chương trình quốc tế theo dõi kiến thức của học sinh do OECD tổ chức với sự tham gia của học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên tại hơn 70 quốc gia, vùng và lãnh thổ. Kết quả PISA đầu tiên được công bố vào năm 2000 và cứ mỗi ba năm, PISA lại thẩm tra kiến thức của các học sinh lứa tuổi 15 về các môn khoa học, toán học và đọc hiểu. Theo OECD, những môn học được ưu tiên đánh giá được xem đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia hay chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nhà lãnh đạo chính trị, các quan chức ngành giáo dục ở các quốc gia có khảo sát PISA đều quan tâm đến kết quả này để dựa theo đó điều chỉnh chính sách giáo dục của quốc gia mình.
Một lớp học tại Singapore. Ảnh: Conversation |
Theo kết quả PISA năm 2015, châu Á chiếm áp đảo trong top 10 mà xuất sắc nhất là các em học sinh Singapore với vị trí thứ nhất, sau đó lần lượt là Nhật Bản, Estonia, Đài Loan, Phần Lan, Macao, Canada, Việt Nam, Hồng Kông và các tỉnh thành của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông. Trong lĩnh vực khoa học, kết quả của học sinh Việt Nam là 525 điểm, cao hơn kết quả trung bình của các quốc gia OECD (493 điểm), trong toán học là 495 điểm, cao hơn kết quả trung bình của các quốc gia OECD (490 điểm) nhưng lĩnh vực đọc hiểu chỉ đạt 487 điểm, thấp hơn kết quả trung bình của các quốc gia OECD (493 điểm ).
Ngay sau khi nhận được kết quả về khảo sát PISA 2015 cho thấy học sinh Singapore đã vượt lên chiếm hạng đầu thế giới ở cả ba lĩnh vực khoa học, toán học và đọc hiểu, Bộ Giáo dục Singapore tự hào rằng học sinh của Singapore không chỉ biết ứng dụng những kiến thức và kỹ năng, mà còn biết phân tích, suy luận và trao đổi thông tin khi họ giải quyết những vấn đề mới. Các chuyên gia giáo dục của OECD cho rằng, chính thành công trong lĩnh vực giáo dục đưa “quốc đảo sư tử” trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng. Mục tiêu của nền giáo dục Singapore là chuyển từ việc học vẹt sang khuyến khích ứng dụng và sáng tạo. Còn chuyên gia về giáo dục của OECD - Eric Charbonnier nói, điểm cốt lõi của giáo dục Singapore là tuyển chọn giáo viên giỏi và dạy học sinh kỹ năng vận dụng những kiến thức đã được học và tích lũy vào cuộc sống.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Singapore thường xuyên tổ chức các hoạt động và chương trình để thẩm tra và nâng cao kiến thức cho giáo viên. Do đó, không chỉ được đào tạo ban đầu với một chương trình rất vững chắc, các giáo viên Singapore sau đó còn được tu nghiệp và đào tạo liên tục. Tại Singapore, giáo viên được trả lương cao hơn các ngành nghề khác để họ hăng say sáng tạo, đầu tư cho chuyên môn và rất có trách nhiệm. Hơn nữa, thành tích xuất sắc của học sinh châu Á nói chung, Singapore nói riêng không hẳn là do nhiều em học thêm ngoài giờ ở trường. Cũng vào cuối tháng 11 vừa qua, theo kết quả chương trình đánh giá kiến thức toán và khoa học quốc tế (TIMSS), Singapore xuất sắc đứng đầu thế giới về toán và khoa học đối với cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Kết quả này được công bố 4 năm một lần và dựa trên các bài kiểm tra được thực hiện năm 2015 bởi hơn 600 nghìn học sinh độ tuổi 9-10, 13-14 ở 57 quốc gia. Singapore hiện được đánh giá quốc gia sở hữu những học sinh trung học thông minh nhất thế giới.
NAM VIỆT