Trả lời kiến nghị của cử tri: Đáp ứng yêu cầu chính đáng
Thời gian qua, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri do HĐND tỉnh chuyển tiếp đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương liên quan tập trung xử lý, giải quyết và trả lời kết quả theo đúng quy định của pháp luật.
Cử tri vùng đông Tam Kỳ kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: L.L |
Tập trung xử lý kiến nghị
Một trong những vấn đề mà cử tri toàn tỉnh dành nhiều quan tâm, liên tục có ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh là nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, cử tri đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thuốc tăng trọng, chất tạo nạc, các chất cấm trong chăn nuôi… Tiếp nhận kiến nghị của cử tri, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, cùng với Sở Công Thương, các ngành liên quan và địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra định kỳ việc mua bán các loại phân bón hữu cơ, vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng; tập trung kiểm tra nhằm phát hiện việc mua bán, sử dụng các chất tạo nạc, chất tăng trọng, chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã kiểm tra 126 cơ sở (gồm 64 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 62 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi) tại các địa phương Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 9 trường hợp vi phạm. Với các hành vi như kinh doanh thuốc thú y không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, chất lượng thuốc thú y không đạt; chưa có chứng chỉ hành nghề thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, vệ sinh thú y trong giết mổ.
Hay như tình trạng phá rừng pơmu tại khu vực biên giới huyện Nam Giang vừa qua đã khiến cử tri của tỉnh rất bức xúc và đề nghị phải xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân tham gia vụ phá rừng này. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định, vụ việc phá rừng khai thác gỗ pơmu trái phép xảy ra tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê (Nam Giang) là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của một số cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ; gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung, khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ. Đến nay đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam và khởi tố 20 bị can. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, xử lý về mặt Đảng các tổ chức cơ sở đảng, cá nhân có liên quan. Hiện vụ án tiếp tục điều tra mở rộng, kiên quyết xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
“Sau khi tiếp nhận ý kiến từ HĐND tỉnh về phản ánh của cử tri và nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành chuyên môn theo nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết nội dung kiến nghị và tham mưu nội dung trả lời cho cử tri đầy đủ, kịp thời. Thông qua đó, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ban, ngành có điều kiện rà soát lại việc thực hiện nhiệm vụ được giao, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp để chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến đời sống và sản xuất của nhân dân, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các ngành chức năng tiếp thu, trả lời và giải quyết nghiêm túc, đúng quy định. Nhiều ý kiến đã được giải quyết thấu đáo góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến, kiến nghị chậm được giải quyết, UBND tỉnh sẽ khắc phục và tiếp tục giải quyết dứt điểm trong thời gian đến” - ông Quang nói.
Tránh để “nợ đọng”
Thời gian qua, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri, tích cực đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, trong các hoạt động giám sát, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã chủ động lồng ghép kế hoạch giám sát với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những vấn đề dân sinh bức xúc. Kết luận giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị UBND tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm đề ra những giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết tốt hơn những yêu cầu kiến nghị của cử tri. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho hay: “Phần lớn ý kiến, kiến nghị của cử tri được các ngành chức năng, địa phương quan tâm giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân, nhất là đối với một số vấn đề bức xúc như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn những vụ việc tồn đọng kéo dài ở một số địa phương, một số vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng các cơ quan liên quan chưa tập trung giải quyết thấu đáo; có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc để kéo dài... gây giảm lòng tin của cử tri với cơ quan công quyền”.
Qua công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX, bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, sau khi nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương liên quan tập trung giải quyết và trả lời đảm bảo đúng thời gian quy định của pháp luật. Chất lượng và số lượng trả lời các kiến nghị của cử tri cũng từng bước được nâng lên; đã phân loại và xác định đúng, rõ ràng các kiến nghị cần tiếp thu, giải quyết và các kiến nghị cần thông tin, giải trình tới cử tri. Trong số các ý kiến đã giải quyết dứt điểm, lĩnh vực pháp chế có tỷ lệ giải quyết cao nhất. Các lĩnh vực còn lại phần lớn do liên quan đến việc đầu tư ngân sách lớn, vượt quá khả năng cân đối của tỉnh nên phải phân kỳ đầu tư hoặc chờ sự hỗ trợ của trung ương. Bên cạnh đó, một số nội dung cần phải có thời gian kiểm tra, xác minh trước khi giải quyết... “Trong thời gian tới, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, hạn chế tối đa tình trạng “nợ đọng” việc giải quyết kiến nghị; xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan và thủ trưởng cơ quan. Bên cạnh đó có hình thức xử lý đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không giải quyết dứt điểm, để cử tri bức xúc kiến nghị qua nhiều kỳ họp” - bà Nguyệt nói.
Nhiều bức xúc về chính sách người có công Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh về giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 của Quốc hội khóa XIII, từ năm 2013 đến tháng 9.2016 toàn tỉnh đã triển khai xác lập thủ tục công nhận hơn 16.900 trường hợp; tiếp nhận và thực hiện chế độ trợ cấp cho hơn 156.000 trường hợp người có công với cách mạng. Qua công tác giám sát trên lĩnh vực này, ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho hay, vẫn còn có trường hợp lập hồ sơ khai man để hưởng chính sách, bị nhân dân phát hiện và kiến nghị. Đã có trường hợp UBND huyện và Sở LĐ-TB&XH kiến nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định nhưng chưa được xử lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, Ban Văn hóa - xã hội đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp và ngành LĐ-TB&XH rà soát kỹ, kiên quyết thu hồi quyết định hưởng chế độ chính sách đối với các đối tượng này. Cũng theo ông Nguyễn Dương Triều, qua trao đổi, tất cả hộ chính sách được hỏi cùng cho rằng: các quy định của Trung ương thiếu tính thống nhất, không đồng bộ; nhiều nội dung quy định thiếu tính thực tiễn, không thể áp dụng, gây khó khăn và thiệt thòi cho người có công, nhất là với trường hợp tham gia cách mạng nhưng không có hoặc làm mất giấy tờ gốc nên không thể lập hồ sơ giải quyết chế độ. Đồng thời việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; trong thực tế, việc giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho con liệt sĩ còn chậm; hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận còn rườm rà, công tác xét duyệt chưa đảm bảo; giấy chứng nhận liệt sĩ cấp sai nhiều. Nhiều trường hợp chưa đồng tình với việc giải quyết của chính quyền địa phương nên phát sinh đơn khiếu kiện kéo dài và vượt cấp. Đặc biệt, việc giám định phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến kết quả đạt tỷ lệ rất thấp. Qua giám sát, cử tri là người có công phản ánh rất gay gắt việc giám định còn qua loa, cảm tính, chưa chính xác, trung thực, thiếu công khai, minh bạch. Trong khi đó, việc phản hồi kết quả giám định đến đối tượng rất chậm, có đối tượng giám định qua 2 năm vẫn chưa nhận được kết quả, có trường hợp gia đình 6 người con bị nhiễm chất độc hóa học nhưng người cha giám định nhiều lần vẫn không được, gây bất bình và bức xúc trong dư luận. Vì vậy, ông Nguyễn Dương Triều đề nghị UBND tỉnh có kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế điều chỉnh những nội dung chồng chéo, bất cập, thiếu tính thực tiễn, tạo điều kiện để các đối tượng được hưởng chế độ chính sách xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của họ. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là cán bộ ngành LĐ-TB&XH, UBND các cấp tăng cường trách nhiệm, rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết kịp thời, đúng chế độ cho người có công. |
HÀN GIANG