Lo ngại thủy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

QUỐC TUẤN 08/12/2016 08:37

Hội nghị “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên” lần thứ 3 vừa diễn ra tại Đà Nẵng đã chỉ ra những tác động tiêu cực của hệ thống thủy điện khiến nhiều cộng đồng dân cư trong khu vực chịu ảnh hưởng.

Hội nghị do Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) phối hợp với tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức nghiên cứu, các đơn vị thủy điện và cả người dân ở các vùng bị ảnh hưởng.

Không phủ nhận vai trò của lĩnh vực thủy điện trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hay an ninh năng lượng quốc gia, tuy nhiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hệ thống các nhà máy thủy điện đang để lại nhiều tác động tiêu cực. Ở Đắk Lắk, trong nhóm nông dân chịu ảnh hưởng bởi thủy điện Buôn Kuốp (huyện Krông Ana) từ chỗ mỗi hộ có vài héc ta canh tác cà phê, nhiều gia đình chỉ còn vài trăm mét vuông; một héc ta cà phê thu được 5 - 6 tấn nhân/năm chỉ được bồi thường khoảng 100 triệu đồng khi bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện. Còn với cộng đồng người dân ở thôn Khe Sòng (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), sau hơn 5 năm vẫn còn 140ha đất lâm nghiệp chưa được bồi thường khi làm đập Tả Trạch. Ngoài ra, theo phản ảnh của người dân, từ khi có đập thủy điện, khoảng 20 loại cá biến mất hoàn toàn hoặc bị suy giảm sản lượng hơn 90%.

Nhiều chuyên gia phát biểu tại hội nghị cho rằng, rất nhiều nhà máy thủy điện sau khi đưa vào khai thác không trồng lại đủ diện tích rừng như cam kết, thậm chí một số nhà máy vì lợi nhuận đã bỏ qua những quy tắc bền vững trong vận hành. Theo ông Đặng Ngọc Quang (cố vấn tổ chức VRN): “Nhiều dạng tổn thất tài sản thiên nhiên mà người dân bị mất không được tính đến, làm sinh kế người dân sa sút. Có thể kể đến như nguồn thủy sản nước ngọt bị suy giảm, mất các bãi chăn thả, giảm sút nền nước ngầm ở vùng hạ lưu hay ruộng được bồi thường chất lượng kém…”.

Với một địa phương có hệ thống sông ngòi dồi dào, có tiềm năng lớn về thủy điện và thực tế đã có nhiều công trình được xây dựng như Quảng Nam, nhiều cộng đồng dân cư đã chịu hệ lụy từ vấn đề này. Ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, các dự án thủy điện bậc thang ở thượng lưu sông Vu Gia đã làm thay đổi nghiêm trọng chế độ dòng chảy (dòng chảy kiệt xuất hiện vào tháng 1 thay vì tháng 3 như trước đây). Điều đó khiến diện tích sản xuất trong xã trong vài năm qua giảm đi vài chục héc ta với 138 hộ bị ảnh hưởng, hoa màu thường xuyên bị cát phủ làm giảm năng suất nặng nề. Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) chia sẻ: “Hiện tại trên sông chỉ còn thấy 3 loại cá ít giá trị như cá trắng, cá mè, cá rô phi. Nhiều hộ đã bỏ nghề đánh cá trên sông Vu Gia để lên bờ đi làm thuê bữa được, bữa mất”.

Theo TS. Quách Thị Xuân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng (người có công trình nghiên cứu phát triển và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn), lẽ ra nhà máy thủy điện Sông Bung 4 phải được xây dựng trước nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, tuy nhiên thực tế xảy ra ngược lại, vì thế nhiều tác động nghiêm trọng đã diễn ra với người dân, nhất là vùng hạ lưu. Đến năm 2014, cả tỉnh chỉ thực hiện 3,4% kế hoạch trồng rừng thay thế. Đến nay có khoảng 1.760 hộ dân ở Quảng Nam phải di dời đến nơi tái định cư vì các công trình thủy điện lớn. Ngoài ra, theo nghiên cứu, dòng chảy lũ ở Thạnh Mỹ, Nông Sơn tăng 2,8 - 5,3% so với năm 1993.

Đồng ý với những thực trạng mà các chuyên gia và người dân đã nêu tại diễn đàn, tuy nhiên ông Phan Đình Bản - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương cho rằng: “Các nghiên cứu cần lồng ghép trong bối cảnh tự nhiên của vài năm qua. Trong khoảng 3 năm qua, các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam cũng là nạn nhân của hiện tượng El Nino, trong giai đoạn 2014 - 2015, nhà máy thủy điện A Vương chỉ sản xuất khoảng 70% công suất, đến thời điểm này của năm 2016 cũng chỉ đạt 60%”. Ông Bản cũng cam kết rằng, quy trình vận hành xả nước vào mùa khô hay mùa lũ của thủy điện A Vương đều đúng quy trình và được thông qua bởi UBND tỉnh và không có chuyện nhà máy xả nước mà không thông báo hoặc thông báo chậm đến người dân.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN