Chính sách thu hút bác sĩ: Chưa thể tạo đột phá
“Thiếu bác sĩ” là tình trạng chung của các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay. Dù tỉnh đã có chính sách ưu đãi khá đặc biệt để thu hút bác sĩ nhưng đến thời điểm này tình hình vẫn chưa được cải thiện mấy. Từ đồng bằng đến miền núi, bệnh viện đa khoa, bệnh viện đặc thù, thậm chí ở các khoa cũng thiếu bác sĩ. Và mọi hy vọng đang đặt vào một chính sách mới về thu hút bác sĩ.
KHÔNG ĐẾN ĐƯỢC VỚI MIỀN NÚI
Trong khi các cơ sở y tế công lập ở đồng bằng rất cần đề án thu hút bác sĩ về công tác thì ở miền núi lại tỏ ra không quan tâm. Không quan tâm, bởi theo những người đại diện các cơ sở y tế ở miền núi, đơn vị của họ chẳng bao giờ hưởng lợi từ chính sách này. Vậy thực tế ra sao?
Đề án thu hút bác sĩ đến nay vẫn chưa đến được với các cơ sở y tế công tại các huyện miền núi cao. TRONG ẢNH: TTYT huyện Tây Giang phải tự xoay xở nguồn lực bác sĩ. |
Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ trong vấn đề thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế, trong đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 4.3.2014 về “Chính sách thu hút bác sĩ, bác sĩ có trình độ sau đại học về làm việc tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2015” và Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 7.3.2014 về “Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo đối với sinh viên đang học bác sĩ, bác sĩ nội trú”. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế, chính sách thu hút bác sĩ giai đoạn 2013 - 2015 chỉ đưa về cho Quảng Nam 135 bác sĩ (116 theo diện thu hút và 19 thu hút qua đào tạo), bằng 49% so với kế hoạch. Dù chính sách của tỉnh khá ưu đãi, bác sĩ trong diện thu hút không qua thi tuyển và tùy theo trình độ được hỗ trợ một lần từ 200 đến 500 triệu đồng. Trường hợp bác sĩ về làm việc tại các bệnh viện miền núi được tăng thêm 0,1 - 0,4 lần tùy theo khu vực. Bác sĩ diện thu hút còn được hỗ trợ tiền khi được giao đất hoặc nhận chuyển nhượng đất để làm nhà ở tại địa phương nơi công tác (một lần/người) với mức 100 triệu đồng.
Không đến được với miền núi
Trong số 135 bác sĩ diện thu hút về công tác ở các cơ sở y tế công lập của tỉnh, có đến 110 bác sĩ về các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; chỉ có 6 người chịu về công tác tại các Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện (gồm: Hội An 4 người, Quế Sơn 1, Tiên Phước 1), còn ở các huyện miền núi xa thì không có trường hợp nào chịu về. Và đây cũng chính là lý do mà những cơ sở y tế thuộc các huyện miền núi không mấy mặn mà khi chúng tôi hỏi ý kiến nhìn nhận đối với dự thảo đề án thu hút bác sĩ trong giai đoạn sắp tới do Sở Y tế soạn thảo.
Bác sĩ Phạm Hồng Hà - Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Giang cho biết, mặc dù ngành y tế có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công, nhưng đối với địa phương, chưa có bác sĩ nào về theo diện thu hút của tỉnh. Trong khi đó, nguồn nhân lực cần để phục vụ cho những bệnh nhân vùng cao này hết sức cần thiết. “Những bác sĩ chuyên khoa hay trình độ cao đối với miền núi rất cần. Nhiều khi có máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đầy đủ nhưng không có con người vận hành thì cũng như không” - bác sĩ Hà nói. Tương tự, bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc TTYT huyện Tây Giang cho hay, những năm qua huyện chưa nhận một bác sĩ nào từ chính sách thu hút của tỉnh. Nguồn lực hiện có đều do huyện tự thân vận động đào tạo và thu hút. “Không phải ai cũng chịu lên ở một nơi xa xôi hẻo lánh này để công tác, cho dù là được hưởng các chế độ ưu đãi. Có chăng nữa cũng chỉ là những người có gia đình, người thân ở đây họ mới chấp nhận. Nắm được điều này, từ rất lâu chúng tôi đã tự tìm nguồn cho mình bằng cách tuyên truyền vận động những hộ dân đang có người thân là bác sĩ để góp tiếng nói đưa họ lên đây công tác. Nhờ vậy mới đủ nguồn nhân lực phục vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây” - bác sĩ Thông chia sẻ.
Tự tạo nguồn lực
Hai huyện Nam Giang và Tây Giang đang là đơn vị dẫn đầu cả tỉnh về chỉ số bác sĩ (Nam Giang đạt 11 - 12 bác sĩ; Tây Giang đạt 16 - 17 bác sĩ/ vạn dân). Lý giải về điều này, bác sĩ Phạm Hồng Hà - Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Giang cho biết, theo chương trình đào tạo, đến cuối năm 2017, TTYT huyện sẽ không còn cán bộ ở trình độ trung cấp y tế nữa. “Chúng tôi kết hợp việc đào tạo tại chỗ và gửi cán bộ luân phiên đi học để từng bước nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế của trung tâm. Chúng tôi phải tự tạo nguồn lực cho mình khi chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh không đến được với miền núi. Nếu cứ trông chờ, ỷ lại thì không thể nào đạt được yêu cầu cũng như chất lượng đề ra” - bác sĩ Hà chia sẻ.
Ngoài ra, chính quyền các huyện miền núi cũng hết sức quan tâm trong việc thu hút, tạo điều kiện cho bác sĩ “chịu” về địa phương công tác, đồng thời có chính sách thỏa đáng để giữ những người này ở lại với mình. Vốn quê ở huyện Núi Thành, bác sĩ Đỗ Ngọc Thu đã có hơn 11 năm gắn bó với Tây Giang, và vẫn đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. “Tôi đang công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu TTYT huyện Tây Giang. Ngoài được tạo điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ hợp lý, tôi thấy đồng nghiệp ở đây rất thân thiện, dễ gần. Chính vì vậy, dù đã quá thời gian cam kết làm việc nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục được cống hiến sức mình cho bà con ở đây” - bác sĩ Hạnh nói.
Thông qua phương thức đào tạo cử tuyển và liên thông cho cán bộ đang công tác, trình độ của đội ngũ y tế ở miền núi cũng dần được cải thiện. Tuy nhiên, về lâu dài miền núi rất cần có sự hỗ trợ để nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực y tế. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông cho biết, về mặt văn bản, TTYT huyện Tây Giang hiện có 60 giường bệnh, nhân sự đủ đáp ứng. Nhưng theo đúng thực kê, TTYT huyện có đến 137 giường bệnh nên vẫn còn thiếu khá nhiều y bác sĩ. “Vậy nên, nếu làm thế nào đó chúng tôi được tiếp cận được với chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh thì quá tốt” - bác sĩ Thông nói. (NGUYỄN DƯƠNG)
CHỜ ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN MỚI
Nhằm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế tỉnh, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế có trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tại tỉnh, ngày 27.11.2015, UBND tỉnh có Công văn số 5506/UBND-VX chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục xây dựng đề án “Chính sách đào tạo cán bộ y tế và thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2021”. Dự thảo đề án đã được Sở Y tế xây dựng. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến góp ý, với những nội dung, thông tin thu thập được qua các buổi giám sát, lấy ý kiến từ cơ sở, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tạm dừng việc trình xem xét dự thảo đề án này tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, để chờ bổ sung, giải quyết một số vấn đề chưa thỏa đáng.
Để có được đội ngũ bác sĩ chất lượng cao, gắn bó lâu dài, đề án thu hút bác sĩ cần phải chú trọng đầu vào và tạo môi trường làm việc tốt để họ cống hiến. Ảnh: NG.DƯƠNG |
Ghi nhận từ cơ sở
Hiện nay, nhu cầu bác sĩ tại các bệnh viện (BV) công thiếu rất nhiều (hơn 300 bác sĩ), tuy nhiên tình trạng bác sĩ bỏ BV công ra làm các cơ sở tư nhân vẫn đang diễn ra. Chính vì vậy, cần phải có những chính sách, môi trường làm việc để giữ những bác sĩ giỏi lại là bài toán khó với các BV công. Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, hiện nay BV vẫn đang thiếu khoảng 40 bác sĩ để bố trí vào các khoa phòng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. “Trong thời gian qua đã có 7 bác sĩ xin được ra làm ngoài. Đó là do thời buổi kinh tế thị trường, sức hút từ chế độ, lương bổng của các BV tư quá lớn. Bên mình, bác sĩ có thời gian công tác lâu năm lương cũng chỉ đủ sống, ra bên ngoài họ sẵn sàng trả tới 40 triệu/tháng thử hỏi làm sao có thể cạnh tranh được? Chính vì vậy, đề án thu hút bác sĩ phải thực sự đủ sức hút mới có thể kéo bác sĩ về đây công tác” - ông Ẩn cho hay. Bác sĩ Tô Mười - Giám đốc BV Đa khoa miền núi phía Bắc cho biết, để đắp lỗ hổng nhân lực, BV tìm nguồn bổ sung cho mình thông qua các trường đại học, nhất là Đại học Y Huế. Tuy nhiên hiện nay BV vẫn còn thiếu hơn 30 bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa.
GÓP Ý CHO CHÍNH SÁCH MỚI BS Nguyễn Văn Hạnh - cán bộ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam: “Chính sách ưu đãi phải có sự phân biệt theo vùng miền, chuyên khoa” Chương trình thu hút BS cần phải có điều chỉnh cho hợp lý hơn, cả về ràng buộc pháp lý lẫn chính sách ưu đãi. Qua một thời gian cho thấy, các thành phố thu hút rất nhiều BS, trong khi nông thôn, vùng núi thì hầu như không. Do đó chính sách ưu đãi phải có sự phân biệt để tạo động lực cho BS về vùng nông thôn, miền núi. Vì nếu chính sách ưu đãi ngang nhau như hiện tại, chắc chắn BS sẽ chỉ chọn về các bệnh viện ở thành phố, đồng bằng. Kể cả ngay trong một bệnh viện, chính sách ưu đãi giữa các khoa cũng khác nhau theo hướng ưu đãi hơn với những khoa đặc thù như vi sinh, ung bướu… Riêng với những bệnh viện đặc thù khó thu hút BS, cũng cần có chính sách ưu đãi đối với các y sĩ đang công tác tại bệnh viện đó để khuyến khích họ đi học chuyên tu lên BS. BS Nguyễn Lương Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch: “Đừng để “người cũ” tủi thân” Chương trình thu hút BS là cần thiết, nhưng cần phải có những thay đổi hợp lý hơn để tránh trường hợp “người cũ” tủi thân trước những ưu đãi mà người mới được hưởng. Bởi dù gì, người cũ là những người đã gắn bó lâu năm và có nhiều cống hiến cho bệnh viện. Hơn nữa, thực tế cho thấy các BS trẻ mới ra trường không hẳn sẽ làm việc được ngay, mà cần có sự chỉ dạy từ những BS lâu năm. Do đó, sẽ dễ có trường hợp BS cũ “bỏ rơi” BS mới vì nghĩ “người này được nhận hỗ trợ, mà mình có gì đâu”… XUÂN THỌ (ghi) |
Theo ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, trong quá trình giám sát ở các cơ sở y tế trên địa bàn trong thời gian qua đã thấy được nhiều lỗ hổng của chính sách thu hút bác sĩ trước đây. Nhất là việc chính sách thiếu tiêu chí lựa chọn, thu hút cả bác sĩ tốt nghiệp loại trung bình, như vậy sẽ gây tâm lý không bằng lòng từ những người tốt nghiệp loại khá, giỏi đã làm việc lâu năm mà không được hưởng chế độ như của đề án. Họ cống hiến bao nhiêu năm, giờ tuyển một người chuyên môn không giỏi thì khó có thể tâm phục khẩu phục, từ đó bất mãn và xin chuyển đi nơi khác. Dự thảo đề án giai đoạn 2017 - 2021 cũng đã nhìn thấy điều đó và đề ra tiêu chí chỉ thu hút bác sĩ từ bằng khá trở lên hoặc sau đại học, và bằng khá chỉ được về tuyến huyện công tác, còn các BV tuyến tỉnh tuyệt đối phải từ bằng giỏi trở lên. Nhưng chỉ giải quyết điều đó thôi thì chưa đủ. Nói thêm về điều này, ông Triều cho rằng, ngoài việc thu hút được bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập, phải tạo môi trường làm việc ổn định để có thể dung hòa giữa cái mới và cái cũ sao cho phù hợp. “Nhiều người cũng chỉ vì bất mãn với việc bố trí công việc, bổ nhiệm không đúng vị trí nên mới tìm cách ra đi. Nếu tiếp tục như thế thì khó giữ được những bác sĩ có chuyên môn giỏi” - ông Triều nói.
Sát hơn với thực tiễn
Qua quá trình giám sát, lấy ý kiến từ cơ sở, Thường trực HĐND tỉnh quyết định chưa trình HĐND xem xét thông qua dự thảo Đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017 - 2021 tại Kỳ họp thứ 3 mà yêu cầu Sở Y tế (đơn vị dự thảo) đánh giá lại thật sát với thực tiễn, trình độ cũng như nhu cầu của từng khu vực, từng BV hay từng chuyên đề để đề án trở nên thiết thực hơn. Trong đó chú trọng nhất là vấn đề liên quan đến vùng miền. “Chính sách cũ không tiếp cận được với miền núi cao. Đó là vấn đề rất quan trọng cần phải giải quyết. Chính vì vậy, trong đề án sắp tới, chúng tôi cho rằng giai đoạn 2016 - 2018 tập trung thu hút cho đồng bằng, còn từ 2018 trở đi thì dành cho miền núi để đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế của những vùng miền này. Sau năm 2018, bác sĩ nào có nguyện vọng vào làm việc tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh thì vẫn rất khuyến khích nhưng sẽ không nhận được chế độ ưu đãi của đề án” - ông Triều nêu ý kiến. Ngoài ra, cùng với TTYT tuyến huyện, bác sĩ chuyên khoa ưng bướu, huyết học, cấp cứu, lao, tâm thần… cũng sẽ được ưu tiên thu hút, tuy nhiên điều kiện để được chấp nhận phải từ bằng giỏi trở lên.
Thiếu bác sĩ là điều ai cũng thấy. Với chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 9 bác sĩ/vạn dân, đồng nghĩa việc các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh còn thiếu khoảng 500 bác sĩ. Để đạt được mục tiêu này, cùng với hơn 100 bác sĩ đang đào tạo liên thông và có địa chỉ; tuyển dụng khoảng 100 bác sĩ không thuộc diện thu hút, dự thảo đề án đặt ra chỉ tiêu thu hút khoảng 300 bác sĩ. Điều này đòi hỏi đề án phải sát thực với nhu cầu từng khu vực, từng BV, từ đó mới có thể thu hút ngày càng nhiều bác sĩ về công tác trên địa bàn. “Dự thảo đề án giai đoạn 2017 - 2021 đưa ra điều kiện ràng buộc các bác sĩ diện thu hút phải cống hiến trong 12 năm. Vấn đề là phải làm gì để sau 12 năm đó người ta không rời bỏ mình mới là quan trọng. Bởi trong 12 năm đó, tay nghề, kiến thức thực tiễn của bác sĩ đã được nâng lên rất nhiều. Thậm chí còn được đi học nâng cao tay nghề, lên bằng cấp…, nhưng đến thời hạn họ lại ra đi thì quá lãng phí”- ông Nguyễn Dương Triều nói.
Sự cạnh tranh đến từ các BV tư nhân trên địa bàn là vô cùng quyết liệt. Nhưng một khi đã bước vào “cuộc chơi” thì phải công bằng. Phải làm thế nào để người bác sĩ quyết định gắn bó thì tùy thuộc vào các BV. Và đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017 - 2021 cần phải sát hơn nữa với thực tiễn của ngành, địa phương cụ thể. (NGUYỄN DƯƠNG)
CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ Hầu như bệnh viện công nào cũng đã và đang thiếu bác sĩ (BS). Khi Chính sách thu hút BS giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh ra đời, ai cũng trông mong thực trạng đó được giải quyết, nhưng thực tế chẳng đáp ứng được bao nhiêu. BS Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Có khoa dư người đến, có khoa chẳng thấy ai” Thực hiện Chính sách thu hút BS giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh, đơn vị đã thu hút được 41 BS về làm việc. Về cơ bản, các BS đã đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn, lẫn đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện vẫn còn một số khoa đặc thù thiếu BS như ung bướu, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh, cấp cứu… Do đó, kiến nghị UBND tỉnh cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách này thêm khoảng 2 năm nữa để những khoa này được “lấp đầy” BS. Đây là một chính sách thiết thực, song cần phải có sự thay đổi về điều kiện ràng buộc, chế độ ưu đãi khi thu hút BS đến từng khoa cụ thể trong bệnh viện. Bởi trên thực tế, có khoa dư BS và chúng tôi không nhận nhân lực thu hút, trong khi những khoa đặc thù khác như ung bướu, vi sinh… lại không thu hút được BS. BS Phạm Văn Chuyên - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc tỉnh: “Trong khi chờ chính sách, cử y sĩ học chuyên tu lên BS” Thời gian qua, đơn vị đã thu hút được 7 BS. Ngoài được hưởng những chính sách ưu đãi theo chương trình của UBND tỉnh, bệnh viện còn tạo điều kiện hỗ trợ thêm để BS yên tâm công tác. Đến lúc này, các BS đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và yên tâm công tác lâu dài tại bệnh viện. Chúng tôi cũng mong rằng chính sách thu hút BS sẽ tiếp tục được thực hiện. Trước khi có chính sách thu hút BS của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực, bệnh viện đã cử 6 y sĩ đi học chuyên tu lên bác sĩ. Hiện tại, đơn vị cũng đang có 5 y sĩ học chuyên tu lên BS nhằm đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực trong bệnh viện. BS Nguyễn Lương Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch: “Mười năm không có thêm BS mới” Kết thúc Chính sách thu hút BS giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh, bệnh viện không có bác sĩ nào về công tác, nguyên nhân bởi đây là bệnh viện đặc thù. Cách đây khoảng 6 năm, thiếu nhân lực, bệnh viện phải cho y sĩ đi thi học lên bác sĩ. Và mỗi y sĩ nếu thi đậu, phải mất 4 năm để hoàn thành chương trình đào tạo. Nhằm rút ngắn thời gian, khoảng 3 năm trở lại đây, bệnh viện nhận 3 bác sĩ tốt nghiệp đại học ngành y tế dự phòng về làm việc. Những người này cơ bản đã có kiến thức chung về y tế, chỉ cần đào tạo thêm 6 tháng về chuyên lao phổi là họ có thể làm việc. Tuy nhiên, các trường hợp này lại phải “đối mặt” với Thông tư 41 năm 2011, sửa đổi năm 2015 của Bộ Y tế, vì việc cấp phép hay không cấp phép hành nghề đối với BS y tế dự phòng vẫn chưa được rõ ràng. Vì vậy, 3 BS này chỉ được bệnh viện ký kết làm việc, trả lương theo công việc chứ không có chính sách nào. Tính rộng ra, đã 10 năm rồi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch không có thêm BS mới nào về công tác. Đây là bệnh viện chuyên về lao phổi, do đó không có BS nào chịu về công tác, nói chi đến BS trẻ. Vả lại vẫn còn có tư duy là làm ở bệnh viện chuyên về lao phổi thì không “sang” bằng những bệnh viện khác. BS H.V.D.: “Chia tay bệnh viện công vì vấn đề kinh tế và sử dụng con người” Tôi vừa rời bệnh viện công để sang bệnh viện tư nhân làm việc hồi tháng 6.2016. Trước khi sang bệnh viện tư làm việc, tôi đã có hơn 17 năm công tác ở một bệnh viện công. Có 2 lý do khiến tôi rời bệnh viện công là vì vấn đề kinh tế và sử dụng, bố trí con người. Vào thời điểm trước khi rời bệnh viện công sau 17 năm rưỡi gắn bó, tôi chỉ có mức lương 5,4 triệu đồng/tháng; sang bệnh viện tư, mức lương của tôi tăng lên gấp 5 lần. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến tôi nói lời chia tay đơn vị cũ là việc sử dụng, bố trí con người. Khi qua bệnh viện tư, năng lực của tôi được tôn trọng và được bổ nhiệm làm trưởng khoa hợp với chuyên ngành của mình. XUÂN THỌ (ghi) |