Tạo đột phá cho du lịch
Được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên, so với một số tỉnh, thành phố trong khu vực, tốc độ tăng trưởng khách du lịch Quảng Nam vẫn còn tương đối thấp.
Không gian phố cổ Hội An đã trở nên chật chội để phát triển du lịch. Ảnh: V.LỘC |
Báo cáo từ Sở VH-TT&DL cho biết, năm 2016 Quảng Nam đón khoảng gần 4 triệu lượt du khách, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.763 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,5% GRDP toàn tỉnh. Ngoài các thị trường khách truyền thống như Úc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ cũng đã nổi lên một số thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga. Đặc biệt, thị trường khách nội địa cũng gia tăng mạnh. Du lịch phát triển đã tạo ra sự chuyển dịch lớn về lao động với khoảng 11.000 người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến du lịch, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhất là với lao động đến từ vùng nông thôn và ven các di sản… Tuy vậy, bức tranh du lịch Quảng Nam cũng bộc lộ những hạn chế, thể hiện rõ nhất ở môi trường du lịch và chất lượng sản phẩm dịch vụ khiến thị trường khách bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Tụt hậu trong khu vực
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Quảng Nam vẫn chưa khai thác đúng tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch nên cần phải có những định hướng và kế hoạch phát triển trong những năm đến. Cụ thể, ngoài việc tái lập Sở Du lịch (tách ra từ Sở VH-TT&DL), Tỉnh ủy cũng sẽ xem xét ra nghị quyết mới về du lịch hoặc điều chỉnh Nghị quyết 06-NQ/TU giai đoạn 2007-2016) để đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. |
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (Hội An), nếu làm phép so sánh với 10 năm trước, du lịch Quảng Nam đang chậm lại, nhất là ở mảng kinh doanh lưu trú, do sức ép cạnh tranh ngày càng cao trong nội tại địa phương và cạnh tranh với bên ngoài, mà gần nhất là Đà Nẵng. Ngoài ra, áp lực về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vấn đề quản lý hành chính, nhất là sự nhàm chán về sản phẩm khiến khách khó quay lại. Tại Hội An, trong vòng 5 năm trở lại đây vẫn chưa có thêm một sản phẩm du lịch mới nào xuất hiện. “Hiện nay, không gian phố cổ hầu như mình đã khai thác hết, kể cả các làng nghề xung quanh. Riêng một số sản phẩm du lịch của Hội An bây giờ cũng đã cũ kỹ cần được làm mới, chứ chưa nói đến xây dựng sản phẩm mới. Do đó, chúng ta phải tự nhìn nhận mình đang ở đâu để có những định hướng thay đổi, kể cả trong hoạch định kế hoạch, quy hoạch du lịch cũng phải tính toán dài hơi và theo vùng, phù hợp với đối tượng khách và thị trường khách” - ông Dũng nói.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 (khóa XXI) diễn ra hồi cuối tuần qua, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL thừa nhận, du lịch Quảng Nam đang tụt hậu so với các địa phương khác trong vùng, dù Quảng Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng từ rừng đến biển đảo, vị trí địa lý, hạ tầng, giao thông… “Năm 2010 Quảng Nam đón được 2,3 triệu lượt du khách, Đà Nẵng 1,7 triệu, Huế khoảng 1,3 triệu. Nhưng 6 năm sau, trong khi chúng ta tăng lên đến con số khoảng 4 triệu thì Đà Nẵng đã đón 5,1 triệu khách. Số phòng lưu trú ở Quảng Nam cũng thua khá xa, tăng chỉ khoảng 2.000 phòng còn Đà Nẵng là 12.000 phòng, chưa kể hàng loạt công trình du lịch, khu vui chơi giải trí khác” - ông Đinh Hài thẳng thắn nhìn nhận.
Tạo cơ hội để tăng tốc
Theo ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, sự tụt giảm du lịch của tỉnh thời gian qua có một phần nguyên do công tác quảng bá yếu kém. “Chúng ta quảng bá Hội An nhưng cũng gắn với Quảng Nam, chứ hiện nay không ít du khách cứ tưởng Hội An thuộc Đà Nẵng, hay người ta chỉ biết đến Chu Lai chứ không biết Núi Thành nên phải gắn các địa danh vì cái tên rất quan trọng trong quảng bá du lịch” - ông Cảnh góp ý. Đồng tình với ý kiến này, ông Đinh Hài còn cho rằng kết quả tụt giảm du lịch xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nổi bật là chưa có sự quyết liệt, thống nhất trong chỉ đạo, lãnh đạo; quy hoạch, đầu tư còn dàn trải, chồng chéo dẫn đến trì trệ, nhất là tư tưởng “quyền anh, quyền tôi” giữa các sở ngành liên quan… “Chúng ta có quá nhiều tuyên ngôn nhưng thiếu hành động cụ thể. Do đó, phải đả thông về nhận thức là du lịch không đơn thuần chỉ là ngành ăn chơi như bấy lâu nay chúng ta vẫn nghĩ mà là một ngành kinh tế tổng hợp có nguồn thu vượt cả dầu khí. Gia tăng du lịch sẽ tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nên các ngành phải cùng vào cuộc để đưa du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn” - ông Hài nói.
Để làm được điều trên, theo ông Hài có 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất, phải xây dựng lại quy hoạch du lịch, tập trung thống nhất trong quy hoạch chứ không chỉ là những ý kiến chủ quan; trong đó xác định Hội An là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Thứ hai, thúc đẩy đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Nam. Thứ ba, giải quyết bài toán hạ tầng, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, giao thông, cụ thể là cầu cảng ở Cù Lao Chàm; bến đỗ du lịch đường sông; nhà vệ sinh công cộng cũng như bãi đỗ xe tại Hội An (ít phải có 2 bãi đỗ xe). Thứ tư là cải thiện môi trường du lịch. Và thứ năm là xúc tiến đầu tư. Riêng về quy hoạch, theo ông Hài, phải mở rộng không gian du lịch Hội An tới Điện Bàn, Duy Xuyên vì không gian du lịch Hội An đã quá chật chội. Ở phía nam là mở rộng không gian du lịch từ Tam Thanh, Tam Kỳ ra tới Thăng Bình... “Trong vòng 5 năm tới (2016 - 2020) khi quốc lộ thông suốt, thu ngân sách tốt, kể cả Tam Hải của Núi Thành nếu được công nhận công viên địa chất hay sân bay Chu Lai được nâng cấp… sẽ là những điều kiện thuận lợi để du lịch Quảng Nam tăng tốc tạo đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020” - ông Hài nói.
VĨNH LỘC