Khắc phục môi trường sau mưa lũ
Hiện nay mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các địa phương, nên ngoài tinh thần chủ động phòng tránh thiệt hại về người và tài sản, người dân còn phải vất vả khắc phục ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ tuần qua đã khiến hàng nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập nặng, nhất là ở các khu dân cư sống dọc ven sông Hoài, sông Thu Bồn, Trường Giang, Bàn Thạch, Tam Kỳ... Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước. Nếu không may các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường thì khâu xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Cơ quan này khuyến cáo người dân tích cực khơi thông cống rãnh thoát nước và thu gom các loại chất thải rắn để xử lý hợp vệ sinh; chôn lấp xác gia súc, gia cầm chết cách xa các nguồn nước, giếng nước, nhà dân và dùng vôi bột để tẩy uế theo hướng dẫn của ngành thú y.
Rác thải tràn về vùng biển xã Tam Hải sau mưa lũ. |
Nhà bị ngập gần nửa mét hai ngày nay, tranh thủ trời tạnh ráo, ông Trần Việt Tín (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đã phun thuốc khử trùng, diệt các loại ruồi muỗi để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Ông nói: “Vì nhà tôi có chăn nuôi heo, bò gần nhà ở, nên rác phân từ chuồng trại theo nước tuồn ra môi trường rất hôi thối. Cho nên gia đình dùng cloramin B theo hướng dẫn của ngành y tế để khử trùng nước sinh hoạt trước khi sử dụng”. Hiện Phòng TN-MT phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tam Kỳ hướng dẫn cho nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn sau lũ lụt.
Theo đánh giá của Sở TN-MT, các bãi rác lớn trên địa bàn như Tam Đàn (Tam Kỳ), Tam Xuân 1 và Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) hoàn toàn có khả năng xử lý được lượng rác phát sinh sau lũ. Tuy nhiên, sau lũ lượng bùn đất phù sa ứ đọng quá lớn kèm theo lượng rác từ khắp nơi trôi dạt gấp nhiều lần ngày thường cũng gây trở ngại lớn cho khâu khắc phục. Ông Chung Thành Đông - Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, công ty đã huy động hơn 300 công nhân và gần 40 xe chuyên dụng gom rác về nơi xử lý an toàn. Bất chấp trời mưa, rác thải ứ đọng, vương vãi trong khu dân cư sẽ được thu gom, kịp thời chuyển về các bãi xử lý. “Sau khi lũ rút, đơn vị sẽ huy động tối đa nhân lực, phương tiện vào xử lý môi trường, lực lượng có thể đông đúc như có mặt ở đêm đón giao thừa. Hiện tại thời tiết đang mưa kéo dài nên quá trình thu gom cũng gặp không ít trở ngại” - ông Đông nói.
TRẦN NGUYỄN