Kiểm soát chặt chẽ thu hồi đất lúa
Từ thực trạng các địa phương thu hồi đất tùy tiện, sử dụng kém hiệu quả, từ năm 2017 diện tích đất lúa, đất rừng phòng hộ muốn chuyển đổi mục đích sử dụng phải trải qua hành lang kiểm soát, sàng lọc chặt chẽ.
Chậm thực hiện
Hai năm nay, thực trạng chung của các địa phương trong tỉnh là phê duyệt rất nhiều danh mục thu hồi đất, nhưng việc thực hiện chỉ đạt dưới 50%. Trong năm 2015, diện tích đất lúa trên toàn tỉnh dự kiến thu hồi 157ha nhưng chỉ mới triển khai 64ha. Năm 2016, theo kế hoạch chuyển đất trồng lúa hơn 492ha nhưng hiện mới chuyển sang mục đích sử dụng khác 7,2ha. Phần lớn chính quyền các địa phương đăng ký danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa quá nhiều, chưa phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định 1963/QĐ-UBND ngày 25.6.2013 của UBND tỉnh. Nhiều nơi chỉ thực hiện một diện tích cực thấp so với tổng diện tích thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) hàng năm được HĐND tỉnh thông qua. Đơn cử, TP.Hội An có 71 danh mục thu hồi đất với diện tích hơn 214ha, nhưng chỉ thực hiện có 2 danh mục với diện tích 0,9ha. Huyện Quế Sơn, KHSDĐ năm 2016 hơn 573ha nhưng chỉ mới thực hiện 0,9ha (đạt tỷ lệ 0,16%); thị xã Điện Bàn phê duyệt 209 danh mục với diện tích thu hồi đất hơn 1.427ha nhưng thời điểm này mới triển khai 5 danh mục với diện tích xây dựng gần 16ha. Sở TN-MT đưa ra con số: năm 2016, toàn tỉnh được HĐND thông qua 2.211 danh mục với tổng diện tích thu hồi gần 5.000ha, tuy nhiên đến nay mới triển khai 96 danh mục (chiếm 4,75% tổng danh mục thu hồi đất) và thực hiện thu hồi thực tế hơn 751ha (đạt tỷ lệ hơn 15% KHSDĐ)...
Phê duyệt danh mục thu hồi đất nhiều nhưng thực hiện rất thấp. Ảnh: T.HỮU |
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh, phải hạn chế thấp nhấp thu hồi, chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa nước, loại bỏ những danh mục khai thác quỹ đất từ đất chuyên trồng lúa nước. Qua số liệu tổng hợp của các địa phương cho thấy, nhiều địa phương miền núi triển khai chưa đồng bộ, chính quyền cấp xã thực hiện không thống nhất nên lúng túng trong đăng ký, danh mục thu hồi đất. Nhiều nơi có tâm lý đăng ký trước rồi sẽ kêu gọi đầu tư sau. Hệ lụy là danh mục đăng ký nhiều, diện tích lớn, trong khi chưa xác định được chủ trương đầu tư, cũng như không xác định được vốn xây dựng. Cá biệt có danh mục thu hồi đất nằm ngoài quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Vì vậy, tính khả thi thực hiện chỉ tiêu phân bổ đất lúa không cao.
Siết chặt
Nghị quyết của HĐND tỉnh (số 184/2015/NQ-HĐND ngày 11.12.2015) có nội dung không dùng đất chuyên trồng lúa nước, năng suất cao, sản xuất hiệu quả để đăng ký danh mục khai thác quỹ đất, bố trí sản xuất kinh doanh, dịch vụ khi chưa có quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, 5 năm trở lại đây phần lớn đất chuyên trồng lúa chuyển sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh, thương mại nằm gần vị trí giao thông chiến lược hay trung tâm khu dân cư, rất thuận lợi cho khai thác bất động sản. Để triển khai dự án khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên), nhiều héc ta đất trồng lúa đã chuyển sang xây dựng hạ tầng, phân lô bán cho người dân. Tương tự, nhiều thửa đất chuyên sản xuất lúa tại thị xã Điện Bàn, Thăng Bình... cũng biến thành kinh doanh bất động sản. Khi xây dựng mô hình khu phố chợ, để thu hồi vốn nhanh, chủ đầu tư thường kết hợp khai thác quỹ đất bằng cách san lấp nền đất lúa. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT nói: “Không biết tiền đóng góp vào ngân sách địa phương từ khai thác quỹ đất là bao nhiêu chứ thực tế mô hình xây dựng khu phố chợ, kết hợp bán đất dân cư đã thu hồi rất nhiều diện tích đất lúa. Nhận thấy tiềm ẩn nguy cơ mất đất lúa phổ biến nên sở đang đề xuất tỉnh có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.
Tại buổi làm việc mới đây về xem xét danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ năm 2017, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý, chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước chỉ ưu tiên cho mục đích công trình công cộng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; hạn chế tối đa đất chuyên trồng lúa nước sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khai thác quỹ đất. “Đối với các dự án đầu tư khai thác quỹ đất, khu dân cư, khu phố chợ, đất sản xuất kinh doanh, sử dụng đất trồng lúa nước phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh việc sử dụng loại đất này gây nhiều ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Để công tác đăng ký danh mục hàng năm không phải đề nghị bổ sung nhiều lần như thời gian qua, HĐND tỉnh thống nhất cho bổ sung danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trình Thường trực HĐND tỉnh đối với những dự án thật cần thiết và chỉ thực hiện 1 lần vào tháng 6 của năm kế hoạch, sau đó UBND tỉnh tổng hợp báo cáo lại HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Các địa phương thực hiện quy hoạch, KHSDĐ phải công khai, minh bạch và khả thi cao” - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT tiến hành rà soát tách những công trình đã thực hiện dang dở năm 2016 nay chuyển tiếp sang năm 2017; lập danh mục công trình đã đăng ký năm 2016 nay chưa thực hiện; lập danh mục các công trình khai thác quỹ đất, khu phố chợ, khu dân cư riêng; lập danh mục các công trình mới đề nghị thực hiện năm 2017. “Quan điểm nhất quán của sở là tiếp tục rà soát những dự án chưa xác định rõ chủ trương đầu tư, nguồn vốn đầu tư loại khỏi danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp đến” - ông Viễn cho biết thêm.
TRẦN HỮU