Hợp tác giữa Quảng Nam và các tổ chức quốc tế: Hướng đến mục tiêu bền vững
Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị bàn về việc tăng cường hợp tác giữa Quảng Nam và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN).
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa đại diện tổ chức Kianh Foundation (KAF) và UBND thị xã Điện Bàn về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ảnh: VINH ANH |
VỚI sự đa dạng về lĩnh vực và phong phú về hình thức, đặc biệt là tính nhân đạo, phi lợi nhuận trong hoạt động, các tổ chức quốc tế, PCPNN là kênh quan trọng mà thời gian qua Quảng Nam đã vận động, thu hút tham gia giúp giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội ở cộng đồng dân cư. Thông tin tại hội nghị cho thấy, giai đoạn 2010 - 2016 đã có hơn 80 tổ chức quốc tế và PCPNN được Bộ Ngoại giao cấp giấy đăng ký hoạt động có địa bàn triển khai tại Quảng Nam. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 656 chương trình, dự án viện trợ của các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức PCPNN, cá nhân người ngước ngoài, công ty có vốn đầu tư nước ngoài… với giá trị phê duyệt hơn 66,3 triệu USD; trong đó, tổng giá trị viện trợ PCPNN hàng năm tại Quảng Nam đạt trung bình 180 tỷ đồng. Hoạt động viện trợ PCPNN hiện có những thay đổi căn bản, chuyển từ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng sang lĩnh vực phát triển bền vững thông qua các chương trình xây dựng nâng cao năng lực cộng đồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân và các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, du lịch, phòng ngừa - giảm thiểu thiên tai.
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã giới thiệu danh mục gồm 34 dự án lớn, nhỏ tại các địa phương Nam Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình và thị xã Điện Bàn để các kêu gọi viện trợ PCPNN. |
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Ngoại vụ, hiện nay công tác vận động, tiếp nhận viện trợ PCPNN không còn thụ động như trước. Tỉnh đã xây dựng “Tủ dự án cơ hội” với hàng trăm dự án lớn nhỏ, quy mô vận động từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đô la/dự án để cung cấp cho các tổ chức PCPNN khi có nhu cầu. “Trước đây, thay vì các tổ chức PCPNN chủ động đặt vấn đề, chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương lập chương trình, dự án để kêu gọi, thì nay thế chủ động cơ bản thuộc về các ngành, địa phương. Những thông tin cần thiết như: nhu cầu, vấn đề, công trình cần viện trợ, ở đâu, khi nào, ai làm đối tác, hoạt động cụ thể là gì, kinh phí bao nhiêu… đều được các ngành, địa phương chuẩn bị sẵn nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức PCPNN khi có nhu cầu hợp tác viện trợ” - ông Hồng nói.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện nhiều tổ chức PCPNN đã bày tỏ sự cảm ơn đến chính quyền, các ban ngành, địa phương của Quảng Nam đã quan tâm, tạo điều kiện trong việc phối hợp triển khai khi có chương trình, dự án. Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác vận động viện trợ PCPNN, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh cần tạo cơ chế thông thoáng và giải quyết thủ tục nhanh chóng khi làm việc với các tổ chức PCPNN. Bà Tôn Thị Bảy - Giám đốc Tổ chức Habitat For Humanity Việt Nam (HFH Vietnam) cho biết, mỗi năm có khoảng 5 - 7 đoàn tình nguyện quốc tế đến Quảng Nam thông qua HFH Vietnam. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục cấp visa chậm trễ và còn rắc rối tạo nên hình ảnh không tốt. Một vấn đề quan trọng nữa là phải xây dựng được mối quan hệ bền vững giữa chính quyền với các tổ chức quốc tế. Đó là sự gắn kết chặt chẽ trong việc định hướng đầu tư, sự lồng ghép giữa chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh với việc tranh thủ những chương trình, dự án của tổ chức PCPNN. Còn ông Hoàng Ngọc Tùng - Giám đốc Các chương trình giáo dục của Tổ chức Đông Tây hội ngộ (EMWF) chia sẻ, tại Quảng Nam EMWF đã tài trợ thực hiện dự án nước sạch nông thôn với 93 hệ thống được đầu tư ở các cộng đồng dân cư. Nhưng đến nay đã có hơn 30 hệ thống nước sạch bị hư hỏng, không còn hoạt động. Điều này gây ra sự lãng phí to lớn. “Thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay” nên nhà tài trợ sẽ không còn liên quan gì khi dự án kết thúc. Do đó, chúng tôi mong chính quyền có phương án quản lý tốt các dự án đã hoàn thành. Khi công trình xuống cấp, hư hỏng thì kịp thời hỗ trợ sửa chữa, thường xuyên thực hiện khâu duy tu bảo dưỡng công trình để sự tài trợ của các tổ chức PCPNN phát huy hiệu quả” - ông Tùng nói.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho hay, các khoản viện trợ của tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quảng Nam đang rất cần các nguồn vốn viện trợ để xây dựng và phát triển. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm mời gọi nguồn vốn từ tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế để giúp đỡ địa phương, cộng đồng dân cư tiếp cận được các chương trình, dự án nhân đạo nhằm tiếp tục nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần vào công cuộc giảm nghèo. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà tài trợ thực hiện các chương trình, dự án tại tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
VINH ANH