Bi hài chuyện đa thê ở làng...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 04/12/2016 07:06

Ngày nay, Luật Hôn nhân gia đình không cho phép người đàn ông có 2 vợ, nhưng ngày xưa việc lấy vợ lẻ, vợ ba diễn ra khá bình thường. Luật Hồng Đức thời nhà Lê còn quy định rõ việc ăn ở, phép tắc trong mối quan hệ của vợ chính thất và vợ lẻ. Mặc dù luật pháp ngăn cấm, nhưng ở nhiều vùng nông thôn miền Trung trong thế kỷ 20, việc các đấng mày râu có thêm vợ hai, vợ ba vẫn thường xảy ra. Vợ cả và vợ lẻ ở chung một nhà, cùng làm lụng, nuôi chung con cái và phục vụ nhà chồng là chuyện thường thấy...

Tranh minh họa.Minh họa: DAD
Tranh minh họa.Minh họa: DAD

Chuyện vợ cả đi cưới vợ lẻ cho chồng là rất hiếm thấy. Trong những trường hợp như vậy, phần lớn đều do người vợ cả không có con hoặc không có con trai nối dõi cho nhà chồng. Đôi trường hợp còn do đòi hỏi quá đáng của những đấng trượng phu, mà người vợ, vì tập quán lạc hậu phải buông xuôi chấp nhận...

Vì sự nghiệp... nối dõi

Bác Năm tôi lấy bác Năm Gái đến mười năm vẫn không con. Bác Năm vốn là người đàn ông lịch thiệp trong làng, ông tham gia các hội đàn ca hát xướng mong cho khuây khỏa. Nhưng những lúc nghĩ đến “tiền đồ”, ông lại không yên lòng. Bà con khuyên hai bác xin anh Sáu là con trai út của bác Cả về làm con nuôi để cầu may mắn. Anh Sáu về ở với bác Năm mấy năm mà bác Năm Gái vẫn... lạnh tanh. “Đến nước này thì thím phải kiếm cho chú nó một chị lẻ để có mụn con trai sau này lo hương khói!” - một lần bác Cả nói thẳng với bác Năm Gái như vậy.

Ba tháng sau, một đám cưới đơn giản được tổ chức do chính bác Năm Gái dàn xếp. Bác dâu mới của chúng tôi (sau này chúng tôi gọi thân mật là bác Năm Nhỏ) là một phụ nữ ngoài ba mươi, nhưng nhan sắc hãy còn mặn mà lắm. Làn da trắng, mái tóc đen mượt dài đến hết lưng; dáng đi thong thả của bác vẫn khiến nhiều anh trai tơ trong làng khao khát. Không ai biết bác Năm Nhỏ phải gạt nước mắt gửi lại đứa con riêng cho bên nội để về với bác Năm sau gần chục năm người chồng cũ biệt tích trong kháng chiến.

Bác Năm tôi phải dựng thêm gian nhà ngang ở đầu hồi, đối diện với gian nhà bác từng chung sống với bác Năm Gái qua một khoảng sân. Ở giữa là căn nhà ba gian làm nơi thờ tự. Sau ba năm chung sống, bác Năm Nhỏ sinh ra cho bác trai tôi hai “ông trời con” kháu khỉnh. Bác Năm Gái vẫn mỗi ngày cùng bác Năm Nhỏ chăm sóc hai đứa con chồng hết sức chu đáo như con đẻ của chính mình. Nhưng nếu tinh ý, người ta sẽ thấy có lúc bà đứng khóc thầm một mình trong bếp và khuôn mặt bầu phúc hậu năm nào giờ đã nhanh chóng hằn lên những nếp nhăn dưới đôi mắt mỗi ngày một buồn hơn. Hai “ông trời con” mà bác Năm Nhỏ đem lại cho bác Năm tôi bây giờ đã lớn và thành đạt, nhưng chính cái tên của họ nhắc tôi hiểu hơn tâm trạng của người bác trai mấy chục năm trước: ông vẫn yêu thương bác Năm Gái một lòng, nên đặt tên cho hai cậu con trai có với bác Năm Nhỏ là Tạm và Trú, như một cách thổ lộ tình cảm của mình với người vợ cả kém may mắn...

Nộp tiền “mãi lộ” để vào... buồng vợ lẻ!

Cạnh làng tôi có một đôi vợ chồng khác cũng lâm vào tình trạng tương tự như vợ chồng bác Năm: ông bà Như. Họ sinh ra lần lượt ba mụn con, cả trai lẫn gái, nhưng không ai qua khỏi tuổi thôi nôi. Bà Như buộc lòng phải đi cưới vợ lẻ, rồi vợ ba cho ông Như cũng để mong có đứa con trai nối dõi tông đường. Nhưng bà Như là một phụ nữ không bình thường. Bà phải cưới vợ cho chồng vì áp lực của một lề thói văn hóa phong kiến, lạc hậu nhưng máu ghen thường tình và dục tính cao của phụ nữ bắt bà phải có những ứng xử lạ đời.

Bà dựng cho chồng và vợ bé một căn buồng phía trong căn buồng của mình. Cơm nước bữa tối xong, bà nằm phịch trên chiếc giường ngay lối vào “hậu cung”. Bữa nào ông Như muốn vào với bà vợ bé nhất định phải nộp tiền “mãi lộ”! Thành ra, ông và bà bé nhiều lúc phải lén lút làm chuyện ấy ngoài vườn. Ác nỗi, bà bé sinh đến đứa thứ hai mà vẫn không nuôi được. Lại bị vợ lớn hành hạ, miệt thị phải bỏ nhà trốn đi.

Đến lúc bà Như đích thân đi cưới vợ ba cho chồng là lúc bà đã vào tuổi ngũ tuần. Nhờ vậy, ông Như và bà Như Út mới có được thằng cu May hiền lành chất phác như bây  giờ. Nhưng, như lời thằng May kể lại, mẹ nó vì  đạo lý với chồng con mà phải chịu cảnh như một vú nuôi. Bà Như không còn sinh đẻ được nên đối xử với bà Như Út tựa một mẹ chồng cay nghiệt, hàng ngày bà Như Út phải cơm bưng nước rót đến tận giường và cấm không được gọi May là con hoặc xưng mẹ với nó. Các đại từ mẹ - con là độc quyền của bà Như với May. Mẹ nó, tức bà Như Út chỉ được xưng dì và gọi con đẻ của chính mình bằng... cháu!

Quyền lực của vợ cả

Bên xóm Thượng, còn có một gia đình khá đặc biệt. Vợ cả là chủ gia đình, đặt định mọi việc từ trong ra ngoài. Chồng và vợ bé là những... tội đồ! Nhưng đó là một bà vợ mà cả làng ai cũng kính trọng.

Bà Thủ Hàn là con gái của lý trưởng nên có chút chữ nghĩa. Về làm vợ lão Hàn, bà trở thành cô dâu trưởng nắm giữ tay hòm chìa khóa của cả nhà. Cả việc lo gia thất, phân chia ruộng đất, vườn tược ông bà để lại công bằng cho mấy chú em chồng. Vợ chồng bà chỉ hơn những người kia hai sào đất vườn hương hỏa để xây dựng nhà thờ và hương khói tổ tiên.

Suốt năm ròng, bà đứng ra lo vật tư, kêu thợ xây dựng xong ngôi từ đường khang trang. Ngày hồi công, khi tiễn mấy chục người thợ ra về, ngoài công xá bà còn gửi cho mỗi người một hũ mắm lớn về tặng vợ con. Đó là lượng mắm tự tay bà làm từ số nguyên liệu tiết kiệm sau những bữa ăn của tốp thợ. Mấy năm sau, bên cạnh nhà thờ là một dãy nhà ngói năm gian lại mọc lên. Bà tích góp mua thêm năm sào ruộng hạng nhứt... Nhà bà có của ăn của để trong khi mấy người em chồng cứ sa sút dần vì chè chén, cờ bạc. Lão Thủ Hàn chẳng nên tích sự gì lại còn bị mấy ông em khích bác, nào là sợ vợ, nào là nam vô tửu như kỳ vô phong, nào là chẳng biết trai gái cờ bạc gì sao lại gọi là đàn ông...!!! Lão thiệt thà kể lại với vợ.

Bà Thủ coi vậy mà thương chồng. Bà đích thân đi khảo sát mấy địa điểm cờ bạc ở thị tứ gần làng, kể cả tìm hiểu chỗ ăn chỗ ở của những con bạc. Rồi sai người ở thân cận đi cùng lão Thủ Hàn. “Cho ông đi chơi với mấy chú nó, chuyện nhà để đó tui” - bà nói. Chú người ở mang tiền đi theo chủ, được bà chủ sai: “Mỗi bữa phải qua cái quán cơm của con X. gần đó mua cho ông mày ăn, quán đó sạch sẽ...”.
Lão Thủ Hàn vui ra mặt với đám em trai. Tâm lý vững vàng nên cờ bạc càng hanh thông. Lão ăn nhiều hơn thua nên rộng rãi với mọi người, kể cả cô X. hàng cơm.

Mấy tháng sau, vào một đêm mưa, lão lựa lúc thuận lợi nhất, khai thiệt với vợ: “Con X. nó đã có chửa với tôi rồi bà ơi!”. Sau một lúc trầm ngâm, bà Thủ cất lời: “Để đó, coi ngày tốt, tôi xuống cưới nó cho ông để khỏi mang tiếng với làng nước!”.

Cưới cô X. hàng cơm cho chồng, làm cho họ gian nhà ngang trong vườn, nhưng bà Thủ Hàn ra lệnh nghiêm: “Có tui ở nhà thì đừng léng phéng!”. Nhưng cũng là đàn bà, lại có học nên bà Thủ khá tâm lý. Mươi ngày, nửa tháng, bà xách giỏ, cầm nón bước xuống hiên, nói hơi to giọng một chút: “Dì X. nó ở nhà coi ngó, tôi về bên ngoại mấy ngày!”. Được “xả trại”, cả dì X. và lão Thủ như mở cờ...

Sau những đận như vậy, họ có thêm với nhau hai đứa con nữa. Đến nước này, bà Thủ mới đi tiếp nước cờ mới: Cho dì nó một số vốn, bày cho cách buôn bán và mua cho ngôi nhà ở dưới thị trấn để... ra riêng. Nhưng khi có phép, lão Thủ mới được đi thăm con và vợ lẻ!

Nhiều năm sau này, trong những câu chuyện về tổ tiên trong ngày Tết, con cháu bà Thủ Hàn kể lại: Hồi đó bà quyết định như vậy là để tránh chuyện “con tôi con dì” sau này tranh nhau gia tài rồi mất đi cái tình máu mủ. Nhờ vậy, ngày nay con cháu của hai bà tuy ở xa, nhưng một lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau...

Kết

Trong một lần chạp mả, nghe những người lớn tuổi ngồi kể chuyện xưa sau lúc tiệc tàn, tôi đã ghi chép lại như trên.

Bây giờ nghe lại những chuyện ấy, có lẽ các bạn trẻ sẽ cho là chuyện phịa hoặc cổ tích xa lắm rồi…

Nhưng loáng thoáng đâu đó trong đời sống làng quê và gia đình phụ hệ Việt, ta lại thấy hé ra hình ảnh sinh động của một thời phong kiến, vai trò của người phụ nữ bị coi là thấp bé và ý tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - phân biệt gái trai - trong xã hội thời ấy. Văn hóa làng vì vậy, bên cạnh những giá trị cần lưu giữ, vẫn có những mặt trái không nên tồn tại!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG