Chàng trai Cơ Tu làm du lịch

PHAN VINH 03/12/2016 10:29

Trải qua nhiều khó khăn và phải tự nỗ lực đi tìm con chữ nơi phố thị, thế nhưng sau khi ra trường, chàng trai người Cơ Tu lại quyết định trở về với núi rừng. Và cũng nhờ anh mà nhiều du khách nước ngoài được biết đến một làng Bhơ Hôồng trọn vẹn hơn.

Nhiều du khách rất quý mến anh Pai và cùng anh chụp hình lưu niệm.
Nhiều du khách rất quý mến anh Pai và cùng anh chụp hình lưu niệm.

Mê tiếng Anh từ nhỏ

Băng qua cây cầu treo để vào làng du lịch Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), chúng tôi gặp anh Ating Pai (27 tuổi, thị trấn Prao, Đông Giang) đang ngồi ở quầy lễ tân chờ đoàn khách từ Hội An sắp lên tham quan. Anh Pai có gương mặt và màu da ngăm đen vì cái nắng của rừng núi. Anh kể, thuở còn nhỏ, anh thích thú khi nhìn thấy những đoàn khách người nước ngoài đến du lịch ở Đông Giang. Nhưng tuổi nhỏ, chỉ bập bẹ vài ba tiếng “Hé lô” rồi nhận được nụ cười xã giao từ các du khách. Vì khao khát được trò chuyện, giao tiếp với người nước ngoài nên trong tất cả môn học, anh Pai chuyên tâm nhất môn tiếng Anh. Tuy vậy, điểm số và năng lực ngoại ngữ của anh chỉ ở mức trung bình. Sau khi tốt nghiệp THPT và thi đại học với số điểm vừa phải, anh Pai chọn ngành Quản trị Du lịch của trường Cao đẳng Đức Trí - Đà Nẵng để theo học. Nhằm trang trải cuộc sống ở thành thị, anh làm thêm khá nhiều công việc. “Đoạn thời gian đi làm thêm cho mình tích lũy được nhiều vốn sống, chủ động và tự tin hơn trong việc giao tiếp tiếng phổ thông với mọi người. Đó là tiền đề để mình cải thiện việc sử dụng ngoại ngữ và dùng từ vựng sát nghĩa nhất có thể” - anh Pai chia sẻ.

Vào cuối năm 3, trong cuộc phỏng vấn giữa một doanh nghiệp du lịch ở Hội An với sinh viên trường Cao đẳng Đức Trí, tỷ lệ chọi 7/40, anh Pai may mắn lọt vào top chọn. Sau đó anh được thực tập ở một khách sạn tại phố cổ Hội An. Tại đây, anh có điều kiện để trau dồi tiếng Anh thường xuyên với người nước ngoài. Chỉ trong vòng 3 tháng, anh Pai đã có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài và làm chủ trong các cuộc hội thoại. Anh Pai chia sẻ: “Hội An là một môi trường tốt để mình phát huy khả năng nói tiếng Anh. Nếu không chọn đúng địa điểm thực tập, ít sử dụng ngoại ngữ thì rất dễ bị quên vốn từ vựng đã học. Ngày trước, ước mơ của mình chỉ là được nói chuyện với người nước ngoài, nhưng đến nay mình đã có thể chia sẻ những tâm tư và hiểu tâm trạng của họ qua giao tiếp”. Sau khi hoàn thành đợt thực tập, anh Pai quyết định nộp hồ sơ xin việc vào Công ty Du lịch mạo hiểm Hội An - đơn vị đã từng phỏng vấn anh lúc còn là sinh viên. Công ty này đầu tư vào làng du lịch Bhơ Hôồng nên anh được đưa về đây làm hướng dẫn viên. Cho đến hiện tại, anh Pai là người Cơ Tu duy nhất làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch có hệ thống tour ở Đông Giang.

Trăn trở việc phát triển du lịch

Theo anh Pai, làng du lịch Bhơ Hôồng được thành lập năm 2008, do chính quyền địa phương quản lý nhưng một thời gian dài hoạt động không hiệu quả và gần như bị bỏ hoang. Hiện tại, làng trở thành một điểm tour của công ty Du lịch mạo hiểm Hội An. Du khách đến đây sẽ được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những nét sống thường nhật, thưởng thức các món ăn truyền thống, xem điệu múa cồng chiêng, tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu. Và tất cả đều nhờ anh Pai bố trí, sắp xếp với dân làng. Anh Pai nói thành thạo 3 ngôn ngữ: tiếng Cơ Tu, tiếng Anh và tiếng Việt, vì vậy, khi vừa về tiếp quản vai trò hướng dẫn tại làng Bhơ Hôồng anh gặp nhiều thuận lợi. “Trước đây, khi du khách tìm đến những địa điểm du lịch có đồng bào Cơ Tu sinh sống, họ chỉ nhìn chứ khó có thể hiểu hết được những văn hóa, phong tục của làng. Chính vì vậy mà đến Bhơ Hôồng, khi nghe mình giới thiệu cặn kẽ, truyền tải một cách lô gic mọi điều bằng tiếng Anh thì họ rất thích thú” - anh Pai chia sẻ. Anh Kát’a Ledivinová và chị Matej Plsek (2 tình nguyện viên du lịch đến từ Cộng hòa Séc) có một khoảng thời gian dài 3 tuần ở lại tại làng Bhơ Hôồng. Họ ăn ở như một người Cơ Tu và được anh Pai đưa đi trải nghiệm khắp nơi. Sau khi kết thúc chuyến tình nguyện vào tháng 3.2015 thì đến tháng 6.2016, hai tình nguyện viên này quyết định trở lại Việt Nam và tìm đến Đông Giang để thăm anh Pai. Anh Pai chia sẻ: “Họ tặng cho mình một món quà cảm ơn và nói rằng họ đi đến nhiều quốc gia, trải nghiệm ở nhiều nơi nhưng Bhơ Hôồng là một địa điểm để lại nhiều ấn tượng nhất trong họ. Ngoài phong cảnh đẹp đẽ, văn hóa Cơ Tu giàu bản sắc núi rừng thì họ coi mình là một người bạn thực sự”.

Ating Pai trải nghiệm cùng du khách ở Bhơ Hôồng.
Ating Pai trải nghiệm cùng du khách ở Bhơ Hôồng.

Thuận lợi là vậy nhưng trong gần 5 năm làm du lịch tại Bhơ Hôồng, anh Pai cũng gặp không ít những khó khăn. Do nhận thức của dân làng về vấn đề làm du lịch còn nhiều hạn chế nên thời gian đầu bắt tay vào việc bố trí, sắp xếp các chương trình phục vụ cho du khách cũng là một điều không mấy dễ dàng. Anh chia sẻ, nếu trong làng có tang, mọi sinh hoạt cộng đồng như múa cồng chiêng, tâng tung da dá đều ngưng lại. Trong khi đoàn khách đến đúng vào dịp đó, anh phải mất nhiều thời gian đi thuyết phục và trình bày cho người dân hiểu được việc quảng bá văn hóa đến du khách quan trọng như thế nào. Hơn nữa, dân làng rất bị động trong cách làm du lịch, họ chỉ thực hiện theo những gì anh Pai yêu cầu, còn lại mọi thứ đều rất tẻ nhạt. “Nếu người địa phương chủ động mở thêm các dịch vụ ăn uống, mua bán ngoài những cái mà chương trình tour không có, họ sẽ có thêm rất nhiều thu nhập và tạo cho du khách những trải nghiệm đa dạng khi đến làng” - anh Pai nói.

Hiện tại, đối với anh Pai, làm việc tại Bhơ Hôồng là để tích lũy thêm kinh nghiệm. Sắp tới, anh dự định sẽ tìm đến những thành phố lớn học  thêm về một chuyên ngành du lịch để sau khi thành thạo, anh sẽ trở về lại Đông Giang làm một cái gì đó của riêng mình. “Vốn sẵn có của văn hóa Cơ Tu rất giàu, điều mình trăn trở nhất là làm sao để tạo được một thương hiệu du lịch vững chắc do chính mình và những con người bản địa nơi đây làm nên. Dù phía trước có khó khăn thế nào thì mình vẫn cố gắng vượt qua và quảng bá văn hóa Cơ Tu ra thế giới” - anh Pai chia sẻ thêm.

PHAN VINH

PHAN VINH