Làng du lịch Quy Hòa

TÂM AN 03/12/2016 10:17

Dù vẫn “chết” với tên gọi làng phong - dành cho bệnh nhân phong – Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) còn được biết đến như một làng du lịch với nhiều điểm rong chơi nên thơ, phong cảnh hữu tình đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Chỉ riêng việc vượt qua con đường đèo dốc dài và quanh co, một bên núi phủ xanh màu lá, một bên biển Quy Nhơn ầm ì sóng vỗ để đến làng phong Quy Hòa đã thơ mộng lắm rồi. Làng biệt lập đúng nghĩa. Nhưng là cái biệt lập rất tự nhiên. Kiểu như sau con đường núi đoạn gập ghềnh, đoạn loằng ngoằng thì đột nhiên đổ về một thung lũng. Thung lũng nằm cạnh biển và núi. Yên vắng mà tôn nghiêm. Cổng gác có cây tre cũ kỹ vắt ngang. Ai qua lại thì tự động xuống mở cổng. Nhưng nếu là du khách thì nhớ đóng phí chỗ ụ gác cho phiên bảo vệ hôm ấy (do người dân trong làng thay nhau), có thể họ đang tranh thủ ngủ. 20.000 đồng cho một lượt đến cả xe lẫn người. Để rồi sau đó bạn sẽ đi qua Bệnh viện phong nổi tiếng xứ Trung kỳ một thuở rồi mới đi sâu vào làng.

Đường chính vào làng Quy Hòa sạch đẹp và thưa vắng người. Ảnh: A.T
Đường chính vào làng Quy Hòa sạch đẹp và thưa vắng người. Ảnh: A.T

Cái tên “làng phong” gắn liền với sự ra đời của bệnh viện này từ năm 1929. Khi đó, vị linh mục người Pháp tên là Paul Maheu (1869 – 1931) tìm ra thung lũng Quy Hòa (Quy Nhơn), ông chỉ nghĩ một cách đơn giản – tìm một nơi xa cách với thế giới bên ngoài để xây dựng một khu tập hợp chữa trị, nuôi dưỡng bệnh nhân phong. Năm 1932, sau khi vị linh mục qua đời, một cơn bão đi qua san bằng hết nhà cửa. Nữ tu Charles Antoine và người phụ tá đã gây dựng lại nhà cửa, tiếp tục sứ mệnh cưu mang bệnh nhân phong.

Ngày nay làng phong trong thung lũng tuyệt đẹp này đã trở thành một quần thể kiến trúc độc đáo hiếm thấy. Lối kiến trúc của Quy Hòa mang dáng dấp của vùng ngoại ô các nước châu Âu. Mỗi nhà có một kiến trúc riêng. Nó giống như một công viên thu nhỏ được bao bọc bởi cỏ cây và những vườn hoa xinh xắn. Lối đi nhỏ trong làng bằng đất cát rất mịn, có hàng rào bằng những thanh gỗ tre xinh xinh. Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên làng Quy Hòa còn có nhà thờ và gần 350 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu. Gốc của họ là những bệnh nhân phong đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Phía ngoài bãi biển, rừng dương tạo thành một khu vườn cổ tích với các lối đi trên cát mịn. Chính quyền ở đây xây hai chiếc cầu nhỏ mô hình đàn ghi ta và mặt trăng cho người dân chơi biển, ngắm trăng đêm dưới rừng dương. Điểm đặc biệt của làng Quy Hòa là vườn tượng danh nhân - ghi nhớ công lao của những nhà khoa học, những danh y, những người có đóng góp lớn trong việc xây dựng bệnh viện và nghiên cứu chữa bệnh phong.

Quy Hòa sạch từ bãi biển cho đến đường vào làng. Nếu để ý sẽ thấy mọi lối đường, mọi con hẻm trong làng đều rặng me sum sê trái. Đường làng sạch sẽ đến từng hạt cát nhỏ. Lối về nhà thờ vừa uy nghiêm vừa thơ mộng. Nhà thờ Quy Hòa không nhằm ngày lễ, Chủ nhật vẫn nhiều người ghé thăm. Đối diện phía cổng sau của nhà thờ là khu tập thể. Trong đó có một căn dành riêng để tưởng niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đây là nơi nhà thơ trút hơi thở cuối cùng, chiếc giường, rương và từng bút tích thơ vẫn giữ hầu như nguyên vẹn.

Người dân trong làng khá thân thiện, gặp ai họ cũng gật đầu chào từ xa giống như người thân quen trong làng. Đừng lo đó là bệnh nhân, vì còn rất ít. Nếu có, biết đâu đấy họ là đồng hương của bạn. Về đây chữa bệnh rồi ở luôn với làng này. Nên hãy cứ hỏi thăm, trò chuyện, mọi điều thú vị ở làng phong Quy Hòa sẽ tiếp tục được mở ra.

TÂM AN

TÂM AN