Báu vật của biển

NGUYỄN ĐIỆN NAM 02/12/2016 08:35

Nghề khai thác yến sào Thanh Châu (Hội An) được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với nghề mộc Kim Bồng và 14 di sản khác trên toàn quốc. Tin vui này gợi lên nhiều ý tưởng về sự phát triển của sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - một báu vật của biển dâng tặng cho đất và người xứ Quảng.

Vùng đảo Cù Lao Chàm từ xa xưa đến nay là nơi quần tụ, làm tổ của loài chim yến. Tổ yến là sản vật quý giá, từng dùng để tiến vua. Giờ đây, hàng năm Hội An khai thác được khoảng 1,5 tấn yến sào, cho doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng.  Theo các nhà nghiên cứu, tổ yến ở Cù Lao Chàm nổi tiếng không chỉ ở độ bổ dưỡng mà còn có trọng lượng lớn nhất cả nước. Ví như một tổ yến hạng nhất của Khánh Hòa chỉ đạt trọng lượng 10g, thì yến sào Cù Lao Chàm nặng tới 15g và chất lượng rất tốt. Tổ yến Cù Lao Chàm to dày, khi nấu không bị nát, hàm lượng dinh dưỡng cao. Có lẽ vì vậy mà thương cảng phồn thịnh xứ Đàng Trong một thuở đã ghi dấu chân bao thương nhân quốc tế đến Hội An để tìm mua yến sào và bây giờ tổ yến vẫn là thứ đầu bảng, không đủ hàng để cung ứng cho các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Một hang yến ở Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: HỒNG VIỆT
Một hang yến ở Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: HỒNG VIỆT

Khai thác tổ yến ở Cù Lao Chàm là công việc cực nhọc. Có lẽ dân làng Thanh Châu đã phải trải qua bao nỗi dập dềnh sóng gió, treo mình lên vách đá, thậm chí nhiều người đã phải bỏ thân, mới tích đủ kho kinh nghiệm khai thác tổ yến. Tuy vậy, ngày nay công việc ấy ở Hội An đã có hẳn Đội quản lý khai thác yến sào, có nhiều dụng cụ hỗ trợ và ngay hang yến cũng được lắp đặt thiết bị để khai thác an toàn hơn xưa nhiều. Tôi đã từng theo chân các anh Lê Bình, Lê Hùng Vân,... những người có thâm niên trong nghề khai thác yến ra đến hang Cả, hang Tò vò, hòn Tai, hòn Khô để tìm hiểu về tổ yến. Ở mỗi địa điểm đều có người bảo vệ túc trực, định kỳ được đội khai thác cung ứng nhu yếu phẩm. Trong các hang yến đã có những giàn giáo được lắp đặt, người ta còn xử lý khử trùng và tiêu diệt những thứ địch hại để bảo vệ cho yến làm tổ, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn. Từng hang yến được giữ gìn kín kẽ và quy định khai thác yến rất nghiêm ngặt. Là nói vậy thôi chứ có lỏng ra thì dân làm nghề yến vẫn luôn giữ sự trung tín với tổ nghề. Cư dân Thanh Châu xưa hay những người trong Đội quản lý khai thác yến sào Hội An ngày nay đều tâm niệm ông tổ nghề yến không đãi những kẻ tham. Cho nên người đi lấy yến không chỉ có sức khỏe hơn người, có tâm trí sáng suốt mà còn cần phải trung thực. Nếu gian dối lấy cắp và khai thác cả tổ yến non sẽ phạm đến lời nguyền của tổ nghề, hậu quả không lường hết được.

Hôm nay 2.12, tại TP.Hội An, nhân kỷ niệm 17 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, UBND TP.Hội An tổ chức gặp mặt các chủ di tích nhằm lắng nghe ý kiến và trao đổi về việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Dịp này, UBND TP.Hội An tổ chức lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề khai thác yến sào Thanh Châu và nghề mộc Kim Bồng.

Có được báu vật trong tay nhưng làm thế nào để giá trị yến sào Hội An không ngừng gia tăng vẫn là vấn đề cần suy tính. Một thời bán thô không được mấy đồng. Rồi người Hội An đã tìm ra cách phân loại, yến cao cấp thì dành xuất khẩu (có thời điểm đạt gần 5.000 USD/kg, tương đương hơn 120 triệu VNĐ); yến bài có giá thành vừa phải thì cung ứng cho giới thượng lưu trong nước, còn các loại yến rẻ tiền (như yến cám, yến địa, yến xơ mướp...) thì tiêu dùng rộng rãi hơn. Sản phẩm chế biến sâu cũng đa dạng hơn với nước yến lon/chai; làm yến chưng cất; yến chén tiềm thuốc bắc, hạt sen, đường phèn... Đặc biệt là sáng tạo ra rượu trứng yến 200 nghìn đồng/chai. Người ta đã chọn trứng yến sạch, chưa qua ấp, bóc vỏ, đánh với mật ong đủ chín, ngâm trong rượu rồi chiết ra chai, thành một sản phẩm giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng. Sau cái đận lao đao vì giá yến rớt, Hội An đã tìm cách mở rộng kênh phân phối và đa dạng hóa sản phẩm, cho nên yến sào Hội An vẫn giữ được giá trị, đem lại nguồn thu rất đáng kể.

Điều mơ mộng thêm là đã có ai nghĩ ra sự kết nối sản phẩm yến với du lịch? Không phải chỉ là cửa hàng bán yến, là các món chế biến từ yến trong các khách sạn, nhà hàng sang trọng. Hãy thử nghĩ đến những yến tiệc quy mô hơn, những dạ tiệc lung linh cho người ta thử làm vua, làm hoàng hậu cùng các quần thần thưởng yến. Ở đêm tiệc ấy, du khách được nghe khúc hát huyền thoại về loài chim nhả máu huyết để tạo thành báu vật trên hòn đảo giữa trùng dương...

Tạo cảm giác cho giấc mộng “nhất dạ đế vương” với yến tiệc như thế có thể là một sản phẩm thú vị nữa cho du lịch Hội An. Thử xem!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM