Cầu nối của ngư dân với đất liền

NGUYỄN QUANG VIỆT 01/12/2016 08:44

Thiết bị trạm bờ bố trí tại Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa (xã Tam Hải, Núi Thành) được những gia đình ngư dân các xã ven biển huyện Núi Thành xem như người bạn đồng hành. Đó là cầu nối hữu hiệu giữa ngư dân với đất liền ở mỗi lần vươn khơi sản xuất.

Kết nối liên lạc

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Đồn Kỳ Hà) được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao trách nhiệm quản lý các hoạt động của ngư dân trên địa bàn các xã Tam Quang, Tam Giang và Tam Hải (Núi Thành). Ngoài hệ thống liên lạc ở trung tâm, lực lượng chức năng trang bị thêm 1 trạm bờ, bố trí ở Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa (Trạm An Hòa) để liên hệ, trao đổi, hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão hoặc điều động về bờ trong những điều kiện bão gió thất thường. Máy liên lạc Icom-M802 ở trạm An Hòa được ngư dân và gia đình họ xem như người bạn thân thiết. Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) kể, lúc 15 giờ ngày 2.11, tàu cá QNa-91035 do ông Lê Minh Trí (thôn Tân Lập, Tam Hải) làm thuyền trưởng có thuyền viên Phan Như Ý không may bị ngã gãy tay. Lúc đó tàu ở vùng biển cách bờ chừng 50 hải lý. Khi nhận được thông tin trên báo về Đồn An Hòa từ thuyền trưởng Lê Minh Trí, Trung úy Nguyễn Văn Công (cán bộ Đồn An Hòa) đã nhanh chóng đến nhà chị Nga là người thân của anh Ý để thông báo. Liền ngay sau đó, chị Nga đã đến Trạm An Hòa và qua thiết bị trạm bờ, chị đã ân cần trao đổi, nói chuyện với người thân. Chị Nga đã yên tâm khi Đồn Kỳ Hà đã liên hệ với tàu cá đang sản xuất gần đó, đưa nhanh nạn nhân về bờ chạy chữa.

Chiến sĩ ở Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa trao đổi thông tin với chủ tàu đang hoạt động trên biển.Ảnh: N.Q.V
Chiến sĩ ở Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa trao đổi thông tin với chủ tàu đang hoạt động trên biển.Ảnh: N.Q.V

Ngư dân Trần Công An (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang), chủ tàu câu mực khơi QNa-91207 cũng có nhiều ấn tượng với trạm An Hòa. Chuyện là khi nghe cán bộ trạm An Hòa thông báo tàu cá QNa-91207 do ngư dân Trần Công Thái làm thuyền trưởng đang sản xuất ở ngư trường Trường Sa thì có một thuyền viên không may bị đau ruột thừa. Gọi về trạm bờ, anh Thái hoảng hốt kể chuyện và nhờ tư vấn cách xử lý nhanh với tình huống. Qua trao đổi với cấp trên, chiến sĩ ở Đồn An Hòa đã liên hệ lại với thuyền trưởng và hướng dẫn tàu cá đưa thuyền viên bị đau nhanh chóng cập đảo Song Tử Tây để chữa trị. Còn chủ tàu Trần Công An khi nhận được thông tin đã tức tốc đến trạm An Hòa và qua nói chuyện với thuyền trưởng bằng máy bộ đàm đã kịp thời động viên các ngư dân trên tàu.

Thu nhận thông tin từ tàu cá đang sản xuất trên biển, thông báo lại cho người thân của họ, tham mưu với cấp trên để hướng dẫn ngư dân xử lý nhanh gọn, chính xác tình huống trên biển là những nhiệm vụ chính được các chiến sĩ biên phòng ở trạm An Hòa duy trì ổn định trong thời gian qua. Bởi vậy, hơn 30 tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành bị hỏng máy, gãy chân vịt, bánh lái từ đầu năm đến nay đều được lai dắt về bờ an toàn.

Chính xác, kịp thời

Hiện tại, một số ngư dân Quảng Nam đã lắp đặt các thiết bị, máy móc liên lạc hiện đại, gồm máy tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, nhất là máy Icom bố trí tại nhà để tiện liên lạc khi cần thiết. Vậy nhưng, phần đông ngư dân vẫn phải liên lạc về đất liền thông qua trạm bờ được bố trí ở một số trạm, đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh.

Thời điểm này đang mùa biển động, ngư dân sản xuất trên biển với các điều kiện hết sức ngặt nghèo, gió bão hoạt động liên tục. Để hạn chế nguy cơ rủi ro cho ngư dân và tàu cá, thiết bị trạm bờ được các chiến sĩ biên phòng trạm An Hòa mở, cập nhật thông tin 24/24 giờ mỗi ngày. Thiếu tá Phạm Xuân Anh - quyền Trưởng trạm Kiểm soát biên phòng An Hòa cho biết, qua liên tục cập nhật thông tin gió bão, áp thấp nhiệt đới hay các biến động khác của thời tiết trên biển, ngành chức năng có 2 cách hướng dẫn ngư dân xử lý tình huống. Một là nhanh chóng đưa tàu cá về cập bờ tránh trú nếu phương tiện đang ở khu vực có thể vào bờ an toàn. Hai là hướng dẫn họ thoát xa hướng di chuyển của bão cũng như tầm hoạt động của chúng, nhất là khi ngư dân sản xuất ở Hoàng Sa. Trong điều kiện bão phức tạp, cường độ mạnh, trạm An Hòa sẽ thông báo lên Đồn Kỳ Hà, từ đây thông tin được chuyển đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu UBND tỉnh hoặc chuyển lên cấp trung ương đề nghị nước ngoài cho ngư dân và phương tiện vào neo trú cấp tốc. Thiếu tá Anh cho rằng, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão đòi hỏi phải kịp thời, chính xác, chỉ có như vậy mới hạn chế được tai nạn trên biển.

Thượng tá Đinh Đức Liên - Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho rằng, lắp đặt thiết bị trạm bờ là nhu cầu hết sức cấp thiết và thực tế hoạt động trong vòng mấy năm trở lại đây cho thấy ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với người dân nơi đây. Có nhiều trường hợp khi nhận được thông báo người thân hay tàu cá đang gặp tình huống không may trên biển, người dân tức tốc đến trạm bờ, xin được trao đổi, nói chuyện, chia sẻ với thành viên trên tàu qua Icom. Ở mùa biển động, mọi thông tin, hướng dẫn cho ngư dân và tàu cá hoạt động trên biển đòi hỏi phải hết sức liên tục, khẩn trương. Nhiều khi bão thay đổi hướng thì ngoài cập nhật thông tin, cán bộ biên phòng cũng phải biết năng động, linh hoạt trong xử lý tình huống. Thiết bị trạm bờ bố trí ở trạm An Hòa kết nối nhanh với hệ thống đài duyên hải trên phạm vi cả nước cũng như Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (TP.Đà Nẵng) là phương tiện hữu hiệu trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nhiều ngư dân đã thoát khỏi những tình huống nguy hiểm trong gang tấc nhờ hướng dẫn từ trạm bờ ở trạm An Hòa nên được các gia đình ngư dân xem là người bạn đồng hành.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT