Thành lập cộng tác viên dư luận xã hội: Điều tra, nắm bắt tư tưởng kịp thời
(QNO) - Ngày 3.11.2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 58-KH/TU về thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18.8.2014 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Kế hoạch trên nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý. Theo kế hoạch sẽ thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, 30 đến 35 người và cấp huyện, 15 đến 20 người.
Thống nhất nhận thức
Trong kế hoạch này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định, điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về các vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong tỉnh, trong nước và trên thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Qua đó giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách. Đây là khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh, địa phương.
Cộng tác viên dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia điều tra dư luận xã hội tại vùng đông nam tỉnh. Ảnh: P.T.H |
Vì vậy, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; xác định công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; cần quan tâm chỉ đạo, định hướng hoạt động, bố trí cán bộ và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác này.
Theo kế hoạch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh với số lượng 33 người, gồm: Cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 4 người; các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc 23 người (mỗi đơn vị 1 người); các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh 6 người (mỗi đơn vị 1 người). |
Từ nhận thức trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đối với hoạt động điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bám sát những vấn đề, sự kiện mà nhân dân quan tâm, các chủ trương, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Việc thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội từ cấp tỉnh đến cấp huyện phải có cơ cấu hợp lý, đại diện cho các ngành, đoàn thể và các giai tầng xã hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của cấp ủy cùng cấp và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đội ngũ này có trách nhiệm nắm bắt dư luận xã hội thông qua các phương pháp, kịp thời tổng hợp, nghiên cứu, phản ánh khách quan, trung thực các luồng ý kiến, tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những nội dung mà cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì điều tra cần quan tâm.
Kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dư luận xã hội được phân bổ hằng năm và giao cho ban tuyên giáo cấp ủy chi trả; được thực hiện theo định kỳ hàng quý, với mức phụ cấp bằng 0,3 mức lương cơ sở/tháng/người đối với cấp tỉnh và 0,2 mức lương cơ sở/tháng/người đối với cấp huyện. Nguồn kinh phí chi trả do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
Tổ chức thực hiện kế hoạch
Về thẩm quyền tổ chức thực hiện điều tra dư luận xã hội và công bố kết quả điều tra dư luận xã hội, đối với cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì, là đầu mối tổ chức thực hiện các cuộc điều tra dư luận xã hội ở cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh khi cần thiết, có nhu cầu tổ chức điều tra dư luận xã hội phải phối hợp để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện việc điều tra. Việc công bố kết quả các cuộc điều tra dư luận xã hội trong phạm vi toàn tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định; có báo cáo kết quả gửi về Viện Nghiên cứu dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đối với cấp huyện, ban tuyên giáo cấp huyện là cơ quan chủ trì, là đầu mối tổ chức thực hiện các cuộc điều tra dư luận xã hội ở cấp huyện. Các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị khi cần thiết, có nhu cầu tổ chức điều tra dư luận xã hội phải phối hợp để ban cấp huyện thực hiện việc điều tra. Việc công bố kết quả các cuộc điều tra dư luận xã hội trong phạm vi địa phương, đơn vị do ban thường vụ cấp ủy xem xét, quyết định; có báo cáo kết quả gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Thường trực Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch của Tỉnh ủy đến cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh. Ngoài ra tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, ban hành quy chế hoạt động và quản lý; tổ chức các hoạt động chuyên môn định kỳ; hướng dẫn cho ban tuyên giáo cấp huyện thành lập đối ngũ công tác viên dư luận xã hội ở cấp mình; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện Kế hoạch; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo định kỳ hàng năm, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư và báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương theo đúng thời gian quy định.
Đây là một trong những nội dung quan trọng, giúp cho ngành tuyên giáo trong toàn tỉnh có thêm cơ sở thực tiễn để tham mưu trúng và đúng hơn trong việc chủ động nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, phức tạp, nhạy cảm để Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề trong các lĩnh vực công tác tuyên giáo, góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống.
PHAN THANH HẬU