Phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh động vật
Năm 2016, bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn gia súc, bệnh dại ở chó, mèo nuôi, bệnh cúm gia cầm và bệnh tai xanh ở heo, bệnh đốm trắng xảy ra trên tôm nuôi, cá nước ngọt bị nhiễm khuẩn, nghêu bị nhiễm ký sinh trùng… đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nguyên do chủ yếu là thời tiết, môi trường và động vật không được tiêm vắc xin đầy đủ. Từ tình hình trên, để chủ động ngăn ngừa, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra ở động vật, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức phòng chống dịch bệnh động vật kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Đồng thời yêu cầu công tác tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện chu đáo; đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật (tiêm vắc xin, điều tra, xử lý ổ dịch, chống dịch); vệ sinh, khử trùng tiêu độc; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y song song với giải pháp thông tin tuyên truyền, tập huấn. Khi phát hiện động vật mắc bệnh chết đột ngột, không rõ nguyên nhân, khai báo ngay với trưởng thôn và nhân viên thú y trên địa bàn; đồng thời thông tin về Chi cục Thú y theo số điện thoại đường dây nóng 800115 hoặc 0510.3859473.
BẢO NGUYÊN