Ứng xử hài hòa với cồn bãi tự nhiên

VĨNH LỘC 28/11/2016 08:53

Với vị trí nằm phía hạ lưu Thu Bồn, TP.Hội An có khá nhiều cồn bãi tự nhiên ven sông, ven biển. Tuy nhiên, một số dự án đang được đầu tư tại các cồn bãi, kể cả vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An sẽ dẫn đến những tác động, làm thay đổi hiện trạng hệ thống cồn bãi nơi đây.

Tác động vào cồn bãi

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được xem là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với các kiểu quần xã sinh vật và những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn và ven biển TP.Hội An. Tuy nhiên, thời gian qua khu dự trữ gặp nhiều thách thức, nhất là chịu tác động lớn từ hoạt động của con người suốt chiều dài từ thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn cho đến tận quần đảo Cù Lao Chàm. Cụ thể là những tác động từ hệ thống đập thủy điện bậc thang, việc khai thác rừng, khai thác cát, khoáng sản; sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải thương mại, dịch vụ du lịch… Thêm vào đó, xu thế đầu tư các công trình để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch đang ngày càng gia tăng cũng tạo ra nguồn phát thải, gây ô nhiễm và áp lực cho các hệ sinh thái.

Cồn bãi tự nhiên ở Hội An đang được khai thác dịch vụ phục vụ du lịch. Ảnh: V.L
Cồn bãi tự nhiên ở Hội An đang được khai thác dịch vụ phục vụ du lịch. Ảnh: V.L

Hiện tại, thành phố đang nhận được rất nhiều dự án đầu tư tại các khu vực nhạy cảm về sinh thái và môi trường, nhất là các dự án xây dựng trực tiếp trên hệ thống cồn bãi tự nhiên ven sông, ven biển thuộc vùng đệm và kể cả vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, xét trên cả 3 phương diện vị trí, quy mô, hạng mục đầu tư và quy trình vận hành của các dự án này có thể thấy nguy cơ khu sinh quyển sẽ không còn tính hoang sơ, suy giảm sức khỏe của các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học, mất đi các sinh cảnh tự nhiên vốn rất yếu và mong manh, đặc biệt thu hẹp dần các bãi đẻ và ươm giống tự nhiên của nhiều đối tượng nguồn lợi thủy sản quan trọng.

Vì vậy, việc phân tích, xác định vai trò sinh thái, thủy văn, thổ nhưỡng của hệ thống cồn bãi tự nhiên trên vùng hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển là vô cùng cần thiết và cấp bách trước khi triển khai bất kỳ dự án nào. “Sự tác động, làm thay đổi hiện trạng hệ thống cồn bãi tự nhiên sẽ ảnh hưởng và làm thay đổi toàn diện các yếu tố sinh thái trong khu sinh quyển. Hậu quả của nó có thể làm mất cân bằng sinh thái tại vùng cửa sông, đảo Cù Lao Chàm, vùng ven biển ven bờ của tỉnh, rộng hơn là khu vực duyên hải miền Trung do tính liên kết quần thể của các loài thủy hải sản. Với xu thế này, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An sẽ khó thực hiện được sứ mệnh đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên của địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu” - bà Thúy cảnh báo.

Tôn trọng tự nhiên

Có thể thấy, cồn bãi Hội An đã góp phần tạo ra diện mạo riêng cho Hội An và không gian của sự phát triển, bởi Hội An tồn tại, phát triển dựa vào những dòng sông, trong đó có dòng Thu Bồn, sông Hoài, sông Đế Võng. Nếu làm mất đi những cồn bãi hoặc các dòng sông bằng thảm bê tông hay các tòa nhà cao tầng cũng chính là giết chết tương lai Hội An. Khảo sát cho thấy, hệ thống cồn bãi tại Hội An phân bố chủ yếu ở các xã, phường gồm Thanh Hà, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm An, Minh An. Cùng những dải cát ở Cẩm An hay Cửa Đại thì phần hạ lưu sông Thu Bồn đi qua TP.Hội An cũng được chia cắt thành nhiều nhánh nhỏ với nhiều tên gọi khác nhau, tạo nên hệ thống cồn bãi như cồn Bắp, cồn nổi Cẩm Nam, cồn Ba Xã, cồn Ông Hơi, cồn Thuận Tình, cồn Doi…. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, hiện tại Hội An vẫn thiếu những quy hoạch chiến lược về định hướng phát triển như quy hoạch cảnh quan, sinh thái, không gian. Đặc biệt là quy hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, dẫn đến lúng túng trong phân tích, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư và cơ chế quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên trong bối cảnh và điều kiện đặc trưng của thành phố.  

Trong buổi đối thoại về “Vai trò sinh thái của hệ thống cồn bãi tự nhiên – Ứng xử các bên liên quan hướng tới phát triển bền vững TP.Hội An” do UBND TP.Hội An phối hợp với Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB) tổ chức mới đây, đa số ý kiến nhà nghiên cứu tham dự khẳng định, việc quản lý tài nguyên ở hạ nguồn phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động trên thượng nguồn và toàn bộ khu vực nên không gian quản lý cần mở rộng về phía thượng nguồn vì khoảng 80% chất thải và tác động môi trường là từ phía thượng nguồn. GS.Nguyễn Hoàng Trí  - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký MAB Việt Nam cho rằng, lo lắng nhất của cồn bãi là tác động từ con người, vì điều này sẽ làm cồn bãi thay đổi không đúng quy luật tự nhiên, làm mất cân bằng, gây ra những thảm họa mà con người không thể tính được, nên trong bất kỳ dự án nào cũng cần phân tích, tính toán lợi hại rõ ràng để tìm giải pháp phù hợp, hạn chế những tác động tiêu cực đến các cồn bãi.

Theo TS.Chu Mạnh Trinh - chuyên gia Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển đã không còn quá mâu thuẫn như trước đây, vì hiện nay đã chuyển sang thời kỳ phát triển xanh, phát triển các giá trị về dịch vụ sinh thái, nên bảo tồn sẽ là cơ sở động lực để phát triển, nhưng phải đảm bảo sự hài hòa, nếu khai thác cứng nhắc hoặc tách rời thiên nhiên là không đúng mà cần phải đầu tư vào thiên nhiên, sinh thái chắc chắn lợi ích sẽ cao hơn. “Ai cũng mong muốn phát triển nhưng phải hài hòa với thiên nhiên nên cồn bãi phải được tôn trọng để giữ sự nguyên sơ và có giá trị bền vững, nhất là sẽ mang lại giá trị lớn về mặt văn hóa, cảnh quan. Do đó, một tác động nào trên cồn bãi cũng phải đảm bảo 4 thành tố là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà dân để bàn tính liệu ta phát triển cái gì, phát triển như thế nào, nguồn lực, lợi ích cho cộng đồng ra sao và kết quả là chúng ta được gì, mất gì…” - TS.Chu Mạnh Trinh phân tích.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC