Thomson Reuters vinh danh 5 nhà khoa học Việt
Thomson Reuters vừa công bố danh sách 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016, trong đó có 5 nhà khoa học người Việt.
Thomson Reuters - tổ chức hàng đầu thế giới về theo dõi và công bố thông tin tri thức – đã vinh danh các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho nhân loại thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Trong số 5 nhà khoa học người Việt (chủ yếu sinh sống và làm việc tại nước ngoài) có hai nhà khoa học lần thứ ba được vinh danh là PGS-TS. Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh - HUTECH) và GS-TS. Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ). Trong danh sách của Thomson Reuters năm nay, Mỹ đứng đầu với khoảng 1.500 nhà khoa học. Ở Đông Nam Á, Singapore đứng đầu với 27 nhà khoa học, tiếp theo là Malaysia có 6 nhà khoa học.
GS-TS. Nguyễn Thục Quyên, nhà khoa học nữ người Việt được Thomson Reuters vinh danh. Ảnh:NVCC |
Theo Thomson Reuters, những công trình nghiên cứu của nhà khoa học Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1976) tập trung phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng vào lĩnh vực cơ kỹ thuật, cơ sinh học, vật liệu… PGS-TS. Nguyễn Xuân Hùng giữ vai trò Phó Tổng biên tập tạp chí khoa học tính toán APJCEN (Asia Pacific Journal of Computational Engineering) bằng tiếng Anh, cùng đội ngũ biên tập là các nhà khoa học uy tín toàn cầu. Ông đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu liên ngành CIRTech - trực thuộc Viện công nghệ cao HUTECH. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Xuân Hùng lấy bằng tiến sĩ trong lĩnh vực cơ học tính toán tại đại học Liège (Bỉ) và trở về Việt Nam. “Quê hương vẫn là sự chọn lựa ưu tiên” - ông nói.
Người tiếp theo là GS-TS. Nguyễn Sơn Bình (49 tuổi) là người Mỹ gốc Việt. Ông là nhà khoa học chuyên ngành thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng hóa học trong xúc tác, y học và khoa học vật liệu. GS. Nguyễn Sơn Bình nhận bằng cử nhân hóa học tại Đại học PennState (Mỹ) và bằng thạc sĩ tại Viện Công nghệ California. Ông là một trong ba nhà khoa học người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới của Thomson Reuters vào năm 2014.
Hai người nữa là GS-TS. Võ Văn Ánh và TS. Trần Phan Lam Sơn. GS-TS. Võ Văn Ánh hiện làm việc tại Đại học Công nghệ Queensland của Australia, chuyên ngành khoa học toán học. Lĩnh vực nghiên cứu của GS-TS. Võ Văn Ánh bao gồm mô hình ngẫu nhiên của quá trình khuếch tán phi tuyến với những đặc điểm đa hệ fractal; sự khuếch tán và vận chuyển của nước mặn trong tầng ngậm nước vùng duyên hải. TS. Trần Phan Lam Sơn chuyên môn nghiên cứu về thực vật, từ năm 2009 là nhà nghiên cứu chính và điều hành một phòng thí nghiệm tại RIKEN - tổ chức nghiên cứu toàn diện lớn nhất Nhật Bản. Ông cũng có nhiều hoạt động hợp tác tại Việt Nam. Trần Phan Lam Sơn là nhà khoa học say mê với chuỗi truyền tín hiệu của cây.
Ngoài ra, có một nhà khoa học nữ duy nhất được gọi tên là GS-TS. Nguyễn Thục Quyên, hiện là giảng viên môn khoa học và hóa sinh của Đại học California, Mỹ. GS-TS. Nguyễn Thục Quyên sinh năm 1970 tại Buôn Ma Thuột và theo gia đình sang Mỹ vào năm 1991. Bà tốt nghiệp Đại học Washington (Mỹ), chuyên môn nghiên cứu về các dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện, công nghệ led, về pin năng lượng mặt trời bằng chất liệu nhựa dẫn điện. Nguyễn Thục Quyên còn được giới khoa học chú ý bởi những đóng góp trong phương pháp phẫu thuật mã hóa màu, giúp bác sĩ dễ dàng giải phẫu tách bỏ tế bào ung thư khỏi cơ thể mà không bỏ sót. Nguyễn Thục Quyên và GS-TS. Võ Văn Ánh đều hai lần liên tiếp được Thomson Reuters vinh danh.
NAM VIỆT