Nóng ăn ngon "mún lun"

PHAN VĂN MINH 26/11/2016 08:55

Trong một clip quảng cáo gần đây trên tivi có cảnh quay một cô bé thuộc lứa tuổi học trò đang hít hà hộp mì nóng hổi rồi buông một câu rất nhõng nhẽo: “Nóng ăn ngon mún lun á!”. Cô bé khá dễ thương cả về gương mặt lẫn giọng nói. Bà xã tôi bị “hút” bởi clip này nên liền đi mua nửa tá mì hộp về để trong tủ lạnh. Còn tôi thì cứ tẩn mẩn ngồi sắp xếp các âm tiết của cái slogan trên để xem ý nghĩa chính xác là gì, nhưng đành chịu. Bỏ qua hai tiếng “mún lun” vốn là một “mốt” cố tình gây lỗi chính tả ngữ âm mà hiện nay quá phổ biến trong ngôn ngữ chat, e-mail, facebook, riêng cái cấu trúc tiếng Việt như trên quả là một câu đố làm rối trí những ai quen đọc và viết theo kiểu… “cổ điển” như tôi.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Dù sao, đó cũng chỉ là mục quảng cáo mà mục đích “tối thượng” là gây ấn tượng, tăng lượng khách hàng. Nhưng hiện nay trên các phương tiện truyền thông và ngay cả trong văn chương, việc sử dụng tiếng Việt ngày càng được “thả nổi” khiến nhiều người lo ngại. Trong cuộc hội thảo chuyên đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức gần đây tại Đà Nẵng, một tham luận chỉ ra rằng đã có gần 50% bài viết phạm lỗi ngôn ngữ trên các báo, đài. Thực ra, chưa cần đến một cuộc nghiên cứu mang tính khoa học, hằng ngày chỉ cần xem tivi hay đọc báo chúng ta cũng đã thấy nhiều “hạt sạn” về chữ nghĩa không phải do “lỗi morat” mà từ kiến văn của người sử dụng.

Trước hết là về từ vựng. Rất nhiều từ Hán - Việt bị hiểu nhầm dẫn đến dùng sai với tần suất khá lớn, chẳng hạn như chữ “cứu cánh”, vốn thường dùng trong tôn giáo - “cứu cánh Niết bàn”, hay trong triết học - “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, và có nghĩa là mục đích tột cùng, thì nay lại được dùng với nghĩa như cứu  giúp: “Cùng đường, chị phải tìm đến bọn cho vay nặng lãi như một cứu cánh cuối cùng”... Những trường hợp nhầm lẫn tương tự thường gặp như: điểm yếu với yếu điểm, thập niên với thập kỷ, trí thức với tri thức, khuyến mãi với khuyến mại, lưu hành với lưu thông, nhược điểm với tồn tại, ý chí với lý trí… Lại có những kiểu dùng từ cường điệu, khoa trương, chẳng hạn như: cực kỳ, cực sốc, tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ, rất ấn tượng… được “khuyến mãi” một cách dễ dãi, nhất là trong những chương trình truyền hình tương tác.  Ngoài ra, cách đọc một số cụm từ viết tắt từ tiếng nước ngoài cũng không theo một quy chuẩn nào rõ ràng: WTO có gốc tiếng Anh, lại thường nghe đọc là Vê-kép-tê-ô, vừa có âm Việt lẫn âm Pháp. Cũng vậy với UNESCO, UNICEF, ASEAN…

Về cấu trúc câu, trong nhiều cuộc trao đổi “bàn tròn” trên tivi chúng ta thường nghe phóng viên nhà đài đặt những câu hỏi đại loại như: “Với tư cách là nhà quản lý đầu ngành, xin ông hãy cho biết các giải pháp trước mắt…”. Trong câu này, người dẫn chương trình vô tình… tự phong mình thành “nhà quản lý đầu ngành” do quá… lịch sự, lúc nào cũng “xin”, bởi chỉ cần bỏ thói quen “xin” đi thì câu văn sẽ trở nên chuẩn mực. Ngày xưa tôi được học văn với một người thầy rất nghiêm khắc với các lỗi dùng trạng ngữ làm chủ ngữ tương tự như trên. Bài làm học sinh nào mà phạm những câu như: “Qua bài thơ trên đã cho ta cảm nhận được…” sẽ bị thầy phê là “câu què cụt” và “mổ xẻ” không thương tiếc khi trả bài.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà “cầm cân nảy mực” về chữ nghĩa lại tỏ ra  nghiêm khắc đến mức cực đoan. Một số biên tập viên thường thêm dấu phẩy không cần thiết vào các cụm từ ghép đẳng lập đã quen dùng, chẳng hạn trong bản thảo tác giả viết là “dưa cà mắm muối” thì bị sửa thành “dưa, cà, mắm, muối”. Điều này sẽ khiến cho tốc độ hành văn trở nên nặng nề, mất đi tính lưu loát, nhất là trong các tác phẩm văn học. Cũng vậy, gần đây trên các diễn đàn về ngôn ngữ, vài học giả khó tính còn bắt lỗi các bản tin dự báo thời tiết trên VTV bởi những cách diễn đạt văn vẻ ngẫu hứng như: “Không khí lạnh đang mấp mé biên giới nước ta”, “Nhiệt độ quanh quẩn từ 18 đến 22oC”… Một tác giả khác lại diễn dẫn từ nguyên để phản bác những từ đã quen dùng như chung cư, quá trình, khả năng, độc lập, phong kiến, tích cực… Buồn cười nhất là một bài báo mạng có tiêu đề: “Một vài thiếu xót trong cách sử dụng ngôn ngữ trên báo mạng điện tử”. Đúng như một ngạn ngữ nước ngoài: “Cái chổi quét rác cũng có thể xả  rác”(!).

Trong cuộc hội thảo đã nêu ở trên, nhiều đại biểu đã nhất trí về sự cần thiết của một bộ “Luật ngôn ngữ” cho tiếng Việt. Thiết nghĩ việc cho ra đời một văn bản mang tính nhà nước nhằm chuẩn hóa cách nói và viết ngôn ngữ dân tộc là một giải pháp góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, ngôn ngữ là một thực thể luôn biến động trong tiến trình văn minh. Có những từ ngữ, những cách diễn đạt lúc này chưa được chấp nhận nhưng có thể nay mai lại trở nên phổ biến; hoặc ở lĩnh vực này, vùng miền này đang dùng rộng rãi nhưng nơi khác lại chưa quen. Vậy việc thi hành luật sẽ thế nào? Chẳng lẽ lại đi phạt tiền hoặc bỏ tù cô bé dễ thương phát ngôn câu nói ngây ngô: “Nóng ăn ngon mún lun á!”?

PHAN VĂN MINH

PHAN VĂN MINH