Niềm vui của ông Dũng

XUÂN THỌ 25/11/2016 14:34

(QNO) - Ông Dũng gọi điện, chỉ để “thông báo” với tôi rằng, mình đã sửa xong cây cầu, bằng ngữ điệu rất nhẹ, đủ để cảm nhận niềm vui lan tỏa từ ông.

Ông tên đầy đủ là Lê Tất Dũng, 52 tuổi, ở thôn Phú Lộc, xã Đại An (huyện Đại Lộc). Cách đây vài năm, Báo Quảng Nam đã có bài viết về ông Dũng, sau khi ông dành số tiền gần 300 triệu đồng, được tích cóp hơn 10 năm trời để làm cầu phao cho dân đi.

Cách đây gần 4 năm, ông Dũng đã bỏ gần 300 triệu đồng để làm câu cho dân đi. Ảnh: TIẾN HÙNG
Cách đây gần 4 năm, ông Dũng đã bỏ gần 300 triệu đồng để làm câu cho dân đi. Ảnh: TIẾN HÙNG

1. Hơn 1 tuần trước, có dịp ngang qua thôn Phú Lộc, theo con đường nhỏ dẫn đến bờ Vu Gia, tôi định sẽ qua cây cầu phao mà ông Dũng làm, để qua xã Đại Cường, tiện ngó xem sau mấy bận mưa bão vừa rồi, ruộng vườn của họ ra sao. Tôi gần như thảng thốt, khi trước mắt mình, chiếc cầu phao không nối đôi bờ, mà nằm nép mình bên bờ Vu Gia của thôn Phú Lộc.

Trong lúc trong đầu tôi lập nên giả thuyết về số phận của chiếc cầu này, thì một người đàn ông trung niên xuất hiện, với đồ đạc lỉnh kỉnh. Nhìn kỹ, là ông Dũng. Nhìn sắc mặt của khách, cơ chừng hiểu lý do, ông Dũng cười: “Chú đang sửa lại cầu”. Thì ra, sau gần 4 năm sử dụng, chiếc cầu phao - gỗ kết hợp đã có những hư hao và chủ nhân đang cất công sửa chữa.

Cũng như gần 4 năm trước, lần này, ông Dũng cũng tự bỏ tiền túi ra để sửa cầu, ước chừng 50 triệu đồng. Phần hư hỏng nhiều nhất là ván lót, nên lần này, để kéo dài tuổi thọ chiếc cầu, ông Dũng không dùng ván để lót mà thay vào 2 lớp sắt tấm loại dày, rộng hơn 1,5m, dài khoảng 2m, được bắt ốc vít vào khung sườn chắc chắn, cẩn thận. Ông Dũng bảo rằng, tốn thêm tí tiền nữa cũng được, nhưng làm vầy, quá trình sử dụng cầu sẽ được kéo dài hơn và tất nhiên, an toàn của người qua lại cầu được đẩy lên mức cao hơn.

Ông Dũng cặm cụi sửa cầu. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Dũng cặm cụi sửa cầu. Ảnh: XUÂN THỌ

2. Tôi hỏi: “Lần trước bỏ gần 300 triệu đồng ra để làm cầu, có khi nào nghĩ lại, chú thấy… hối hận không?”. Ông Dũng chỉ… cười, nhắc lại hai câu chuyện mà không ít người đã biết. Hai câu chuyện này, chính là “nguyên nhân” đưa ông đến quyết định dốc toàn bộ tiền tiết kiệm mà ông định sẽ xây nhà, để làm cầu cho dân đi. Hai câu chuyện, nhưng cùng một nội dung, là những cái chết; và tất nhiên, nó cùng một nỗi buồn, dù kẻ đó không phải đội vành trắng khăn tang.

Người dân hai thôn Nghĩa Nam và Phú Lộc của xã Đại An, mỗi ngày phải tròng trành trên những chiếc thuyền nhỏ để vượt sông, qua bên kia bờ Vu Gia của xã Đại Cường, bởi đất canh tác của họ vẫn còn ở đây. Và đó, chính là nguyên nhân của những cái chết đuối đầy tức tưởi… “Có cây cầu rồi, chính tôi cũng không ngờ rằng, ngoài không còn những cái chết đuối nữa, mà cây cầu này, còn cứu không ít cái chết khác” - ông Dũng tâm sự.

“Cái chết khác” mà ông Dũng nói, là ý nói về những trường hợp ốm đau, bệnh tật… Như cách đây hơn một tháng, bên xã Đại Cường có bà cụ lên hen suyễn. Nếu đi theo đường từ nhà đến bệnh viện của huyện Đại Lộc, phải gần cả chục cây số với thời gian nhanh nhất là khoảng 30 phút. Trong cảnh lên cơn hen suyễn cấp mà không có thuốc, chừng ấy thời gian “đủ” để bà cụ không qua khỏi. May mà nhờ cây cầu, đoạn đường rút ngắn, thời gian được rút ngắn còn tầm 5 phút. Bà cụ dùng thuốc kịp thời, qua cơn nguy kịch. Bữa sau, ông con trai của bà cụ chạy đến nhà ông Dũng cảm ơn rối rít.

Câu chuyện ông kể lần này, không còn cái thở dài thườn thượt bởi ký ức đau thương. Tôi biết, đó không là niềm vui duy nhất của ông, mà của hàng nghìn người dân ở đây, kể từ khi ông làm chiếc cầu nối đôi bờ Vu Gia.

Để an toàn hơn, ông Dũng dùng 2 tấm sắt để thay ván lót đã hư hỏng. Ảnh: XUÂN THỌ
Để an toàn hơn, ông Dũng dùng 2 tấm sắt để thay ván lót đã hư hỏng. Ảnh: XUÂN THỌ

3. Và thêm một điều nữa, mà ông Dũng không ngờ tới, là khi có cây cầu này, đời sống của người dân ở đây trở nên khấm khá hơn. Điều này, được ông Huỳnh Sáu - Chủ tịch HĐND xã Đại An, xác nhận. Như trên đã nói, dù hộ khẩu ở xã Đại An, nhưng đất canh tác của người dân hai thôn Nghĩa Nam và Phú Lộc là ở bên xã Đại Cường. Lại cách dòng Vu Gia, nên việc sản xuất nông nghiệp của họ gặp không ít khó khăn, nhất là đến mùa thu hoạch.

Kể từ ngày có cầu, việc đồng áng trở nên thuận lợi hơn. Thương lái kéo về, thậm chí về tận thôn để thu mua nông sản - điều mà trước khi có cây cầu, chỉ là giấc mơ xa xỉ. “Chính cây cầu của ông Dũng đã giúp việc sản xuất nông nghiệp của bà con trở nên thuận lợi hơn, đời sống của người dân vì thế mà phát triển hơn trước rất nhiều” - ông Sáu nói.

Cây cầu là của ông Dũng, nhưng niềm vui, chắc chắn là không của riêng ông. Bước qua tuổi 50 đã lâu, nhưng cách đây vài tháng, ông mới lập gia đình. Và điều này, chắc chắn là hạnh phúc, là niềm vui của ông Dũng. Nhưng nếu đến đó, hỏi thăm người dân, sẽ thấy, nó cũng là hạnh phúc, là niềm vui không của riêng ông Dũng. Mà nó, là niềm vui chung của rất nhiều người…

          XUÂN THỌ

XUÂN THỌ