Đìu hiu khán đài
Giải Karatedo tỉnh Quảng Nam năm 2016 vừa diễn ra cuối tuần qua tại Nhà thi đấu TD-TT tỉnh. Hai năm tổ chức 1 lần, giải là dịp để các vận động viên (VĐV) trên địa bàn tỉnh thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời qua đó giúp các huấn luyện viên, câu lạc bộ, địa phương đánh giá công tác huấn luyện, đào tạo của mình để bổ sung, chỉnh sửa cho tốt hơn. Năm nay, giải thu hút hơn 110 VĐV của 9 huyện, thành phố tham gia tranh tài. Bên cạnh các địa phương đồng bằng quen thuộc như Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, Quế Sơn, Hội An, sân chơi lần này còn có sự góp mặt của 2 huyện miền núi Tiên Phước và Bắc Trà My, đã góp phần làm cho các cuộc so tài thêm đa dạng, hấp dẫn. Không chỉ vậy, Tiên Phước còn gây bất ngờ với thành tích 3 huy chương vàng như Tam Kỳ hay Duy Xuyên - các địa phương có phong trào khá mạnh.
Khán đài giải Karatedo tỉnh Quảng Nam 2016 vắng khán giả. |
Khá đông VĐV với nhiều trận đấu diễn ra quyết liệt, chất lượng chuyên môn cao, song điều đáng tiếc là trên khán đài lại có quá ít khán giả dự xem. Khác hẳn với hình ảnh sôi động trên khán đài Nhà thi đấu TD-TT huyện Núi Thành tại giải Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam cách đây gần 1 tháng, Nhà thi đấu TD-TT tỉnh ở giải Karatedo vắng hoe. Ngoại trừ lực lượng VĐV và người nhà của họ, có thể thấy khán giả là người “ngoại đạo” rất ít, thậm chí hầu như không có. Thế nên, những tràng vỗ tay hay lời cổ động từ khán đài thỉnh thoảng mới nổi lên, lọt thỏm trong không gian rộng lớn của nhà thi đấu.
Trong số các môn võ thuật, có lẽ ngoài Võ cổ truyền, các môn còn lại như Karatedo, Taekwondo, Pencak Silat hay Wushu đều có rất ít người xem. Và không chỉ ở giải tỉnh, những giải đấu cấp quốc gia, thậm chí khu vực, quốc tế thì nhà thi đấu vẫn một hình ảnh “vắng như chùa bà đanh”. Lâu nay, nghe người ta rủ nhau đi coi đánh Võ cổ truyền chứ hiếm khi nào nghe nói đi xem Karatedo hay Pencak Silat cả. Võ cổ truyền vừa gần gũi, quen thuộc, thậm chí đã “ăn vào máu” của không ít người nên xem VĐV thi đấu có thể hiểu được đòn, thế. Không những vậy, môn Võ cổ truyền xem sướng mắt hơn, hấp dẫn như quyền Anh, chứ không có “điểm dừng” trong khi xuất đòn như các môn võ du nhập. Bởi vậy, giải Võ cổ truyền không bao giờ vắng người xem, bất kể là tổ chức tại trung tâm huyện Núi Thành, thị xã Điện Bàn hay xuống xã biển Tam Thanh (Tam Kỳ). Ngược lại, các môn khác luôn trong tình cảnh khán đài đìu hiu.
Chứng kiến hình ảnh vắng ngắt người xem trên khán đài, một cán bộ lâu năm trong ngành TD-TT không khỏi chán ngán: “Tổ chức giải mà chẳng có khán giả, chỉ toàn là VĐV coi với nhau”. Đúng là buồn thật! Mà ngẫm lại thì đâu chỉ có các môn võ là bị khán giả “chê”. Ngay cả môn thể thao vua như bóng đá, kể cả V-League thì khán đài cũng thường xuyên ở trong tình trạng vắng khán giả. Người chơi thể thao đã ít, người xem lại càng ít.
Vậy làm thế nào để kéo khán giả đến nhà thi đấu hoặc đến sân là câu hỏi đặt ra cho các nhà làm thể thao và những người làm công tác tổ chức giải đấu. Bởi suy cho cùng, tổ chức một hoạt động thể thao mà không có người xem, không có những tràng vỗ tay cổ động từ khán giả sẽ làm cho các cuộc so tài kém hào hứng, VĐV cũng chẳng mấy nhiệt tâm để thể hiện mình. Lý do được đưa ra là người hâm mộ không mấy hứng thú đến nhà thi đấu, các môn thể thao kém sức hấp dẫn, công tác quảng bá truyền thông chưa được quan tâm…
ANH SẮC