Thành công từ nuôi dúi rừng và sâu đất

THU THẢO 24/11/2016 20:46

(QNO) - Ông Phạm Văn Thành (khối phố 7, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) đang thành công với mô hình nuôi dúi rừng và sâu, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Thành cho biết, trước khi nuôi dúi, ông từng nuôi thử nghiệm nhiều loài khác như thằn lằn, bọ cạp, thỏ và dế nhưng đầu ra không ổn định. Một lần tình cờ xem chương trình nhà nông làm giàu, thấy mô hình nuôi dúi của người dân phía Bắc, Tây Nguyên đạt hiệu quả nên ông quyết tâm học theo.

Ông Thành chia sẻ về mô hình nuôi sâu hàng chục triệu mỗi năm. Ảnh Thu Thảo
Ông Thành chia sẻ mô hình nuôi sâu đang mang lại nguồn thu nhập cao. Ảnh THU THẢO

Nghĩ là làm, ông đến vùng miền núi của tỉnh Kon Tum tìm và mua được hai cặp dúi với giá 1,6 triệu đồng về nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy con vật này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình nên ông đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi.

Từ hai cặp giống ban đầu, đến nay đàn dúi của ông Thành tăng lên được 20 con và hầu hết đang trong quá trình sinh sản. Thức ăn của loại động vật gặm nhấm này chủ yếu là mía non, đậu bắp và thân cây tre trúc nên người nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải biết cho ăn đúng cách thì con giống mới có thể sinh sản tốt được.

Ông Thành cho hay, một con dúi cái mỗi năm sinh sản 8 - 12 dúi con. Như vậy với 20 con giống hiện tại, ông Thành dự kiến sẽ phát triển đàn dúi giống lên hàng trăm con trong thời gian tới. Ông sẽ tiến hành sàng lọc để chọn ra 50 con giống tốt nhất; số còn lại sẽ phát triển nuôi lấy thịt thương phẩm. “Trong vòng 4 - 6 tháng, trọng lượng một con dúi đạt khoảng 0,8 - 1,5kg là có thể xuất bán. Theo giá bán hiện nay trên thị trường, trung bình 350 - 500 nghìn đồng/kg thịt thương phẩm và mặt hàng này đang được ưa chuộng. Tôi dự định sẽ mở rộng thành trang trại dúi ở khu đất xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Ước tính sau này mỗi năm bán chừng 200 - 300 con dúi thịt thì thu được cũng gần trăm triệu đồng, đó là chưa kể bán dúi giống” - ông Thành nói.

Bên cạnh nuôi dúi, ông Thành còn đang thành công với mô hình nuôi sâu đất làm thức ăn cho chim cảnh. Mô hình nuôi sâu của ông khép kín trong trang trại. Đầu ra của mặt hàng này, theo ông Thành, hiện nay nhu cầu nuôi chim cảnh phát triển rất mạnh nên mỗi tháng ông có thể bỏ mối được hàng chục triệu đồng từ tiền bán sâu đất. Ngoài ra, người dân một số tỉnh như Bình Định, Đà Nẵng cũng đang thu mua sâu từ trang trại của ông. “Thị trường hiện nay rất ổn định, trung bình mỗi ký sâu bán được 150 - 180 nghìn đồng, tôi thu được trên dưới trăm triệu đồng mỗi năm” - ông Thành nói.

THU THẢO

THU THẢO