Đưa tài liệu giáo dục địa phương vào bậc tiểu học

QUỐC TUẤN 24/11/2016 08:48

Bắt đầu từ năm học 2016-2017, bộ tài liệu giáo dục địa phương Quảng Nam được Sở GD-ĐT tỉnh đưa vào giảng dạy tại bậc tiểu học giúp học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị văn hóa quê xứ.

Sau một thời gian chuẩn bị nội dung và biên soạn kỹ lưỡng, bộ tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Nam đã được xuất bản phục vụ giảng dạy ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, bắt đầu từ học kỳ 1 năm học 2016-2017. Với các khối lớp 1, 2, 3 bộ tài liệu địa phương sẽ được giảng dạy trong các môn học âm nhạc, đạo đức, mỹ thuật, hoạt động ngoài giờ lên lớp và được bổ sung thêm vào các môn học Địa lý, Lịch sử, Kỹ thuật đối với các khối lớp 4, 5. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, chủ biên bộ sách này, các cuốn sách trong bộ tài liệu đã tích hợp được những nội dung cơ bản nhất về giá trị văn hóa của địa phương; đồng thời vẫn đảm bảo sự ngắn gọn, khúc chiết giúp học sinh dễ tiếp thu.  

Quả thực, ở mỗi khối lớp, những người biên soạn đã cố gắng nghiên cứu chắt lọc các giá trị biểu trưng của quê hương xứ Quảng để trình bày trên một phạm vi hẹp chỉ trên dưới 30 trang tài liệu (khối lớp 5 dày nhất có 46 trang). Đơn cử như ở bộ tài liệu dành cho học sinh lớp 3, làn điệu dân ca “Lý thiên thai” được đưa vào mảng âm nhạc, các nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa với mẹ Việt Nam anh hùng, người có công cách mạng được đưa vào mảng đạo đức. Về văn hóa ẩm thực, cây trái, lễ hội, làng nghề… đặc sắc xứ Quảng trong chủ điểm em yêu quê hương giúp học sinh nhận thức được sự phong phú của văn hóa quê nhà.

Một trang giới thiệu món ăn Quảng Nam trong tài liệu giáo dục địa phương. Ảnh: Q.TUẤN
Một trang giới thiệu món ăn Quảng Nam trong tài liệu giáo dục địa phương. Ảnh: Q.TUẤN

Ở từng mảng khác nhau như âm nhạc, đạo đức, mỹ thuật… các em nhỏ ở bậc tiểu học sẽ được tiếp xúc với các giá trị văn hóa của quê nhà từ lâu đời đến hiện đại, từ đơn giản đến quy củ. Ví dụ ở cùng một thể loại như làng nghề nhưng các em khối lớp 3 chỉ được khái quát thông tin sơ lược về làng dâu tằm Đông Yên - Thi Lai (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) nhưng sang khối lớp 4, kiến thức về nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ được hệ thống chi tiết hơn trong bộ môn Kỹ thuật. Các công trình mới được xây dựng trong thời gian gần đây như Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Tam Kỳ cũng được phổ biến sớm trong bộ sách này.

Cô Nguyễn Thị Trúc Linh - giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) chia sẻ: “Dù các tiết học bộ môn này chỉ lồng ghép cùng với chương trình ngoại khóa nhưng qua tài liệu được phân phát phần lớn các em đều ham tìm hiểu. Việc bổ sung các kiến thức văn hóa Quảng Nam cho các em là điều rất cần thiết trong bối cảnh một số giá trị văn hóa địa phương đang bị mai một”.

Tuy vậy, phần lớn các địa phương miền núi vẫn còn khó khăn trong việc trang bị tài liệu này cho các em học sinh tiểu học bởi điều kiện kinh tế có hạn. Trong khi học sinh ở khu vực đồng bằng được cung cấp tài liệu riêng đến từng học sinh từ đầu năm học thì ở khu vực miền núi, lượng tài liệu bị hạn chế có khi cả nhóm, hoặc cả lớp học chung một bản. Ông Trần Ngọc Tấn - Phụ trách mảng tiểu học, Phòng GD-ĐT Tây Giang cho biết: “Hiện tại đơn vị mới vừa đặt khoảng vài trăm cuốn để cố gắng đến cuối học kỳ này kịp đưa kiến thức địa phương đến học sinh. Biết là số lượng có phần hạn chế nhưng như vậy cũng cơ bản đảm bảo cung cấp đủ đến từng lớp trên khắp địa bàn huyện”.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN