Bảo vệ rừng phòng hộ khu vực núi Chúa

VĂN PHIN 24/11/2016 08:42

 Nằm về phía tây huyện Núi Thành, khu vực núi Chúa thuộc địa phận xã Tam Trà là khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa Phú Ninh đang rất cần sự quan tâm bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên một cách đặc biệt.

Khu vực núi Chúa (gồm núi Hòn Chúa và núi Chúa) thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh với tổng diện tích khoảng 3.000ha (kể cả vùng đệm và dải núi chính). Rừng tự nhiên khu vực núi Chúa có vai trò quan trọng đối với môi trường, nhất là giữ được mạch nước ngầm và điều phối, duy trì dòng chảy của các con sông, suối đổ về hồ chứa Phú Ninh. Do vậy, trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực núi Chúa đã được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, mới đây trong quá trình khảo sát, đoàn công tác của huyện Núi Thành đã phát hiện một số cây gỗ có giá trị như giổi, huỷnh, chò nâu... bị chặt hạ trái phép, chỉ còn trơ lại gốc tại hiện trường. Ông Nguyễn Mười, người dân xã Tam Trà lo lắng: “Trong những năm qua, tình trạng người dân phá rừng tự nhiên trái phép từ chân đồi đến sườn đồi khu vực núi Chúa để lấy đất canh tác hoa màu rồi tiến đến trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày như keo diễn ra phức tạp, làm cho diện tích rừng tự nhiên khu vực núi Chúa suy giảm đáng kể”...

 Qua đợt khảo sát thực địa tại khu vực rừng tự nhiên núi Chúa vào tháng 10.2016, đoàn công tác huyện Núi Thành nhận thấy, tình trạng khai thác gỗ và phá rừng tự nhiên trái phép còn xảy ra ở khu vực dưới chân, sườn núi Chúa. Đây là nguyên nhân dẫn đến tài nguyên rừng khu vực quan trọng này ngày càng suy giảm. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Trước thực trạng tài nguyên rừng khu vực núi Chúa suy giảm, UBND huyện Núi Thành đề xuất UBND tỉnh cùng các ngành liên quan tiếp tục triển khai các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng, ưu tiên chọn loài cây trồng có tính phòng hộ lâu dài, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao trong rừng sản xuất, từng bước thay thế cây keo hiện nay”.

 Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Núi Thành, ngoài công trình thủy nông Phú Ninh, còn có các hồ đập như hồ Thái Xuân, đập Đồng Nhơn, đập Hố Cái, đập bà Vang, đập Hố Mây, hố Giang Thơm... Đây là nguồn cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và điều hòa, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn cho vùng hạ lưu. Tuy nhiên, hiện nay, trên đầu nguồn các hồ đập, cả khu vực núi Chúa chủ yếu là các rừng keo do hộ gia đình, cá nhân quản lý. Do đó, vào mùa khô các hồ đập này hầu như không có nước, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt vùng hạ lưu. Vì vậy, UBND huyện Núi Thành kiến nghị cấp trên có chủ trương, cơ chế, chính sách để huyện thu hồi diện tích đất rừng đầu nguồn, thay thế cây keo bằng các loại cây trồng có tính phòng hộ lâu dài, nhằm phát huy hiệu quả các hồ đập.

Liên quan đến việc bảo tồn một số loài cây ở khu vực núi Chúa, qua khảo sát cho thấy, tại đây có một số loài cây dược liệu mang giá trị kinh tế cao như lan kim tuyến, sa nhân, đinh lăng, sâm đất (còn có tên là cơm lênh)... UBND huyện Núi Thành đề nghị tỉnh bổ sung địa phương vào vùng quy hoạch phát triển dược liệu theo Nghị quyết số 202/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 2950/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Mục đích nhằm bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên nhằm gắn với công tác bảo vệ rừng ở khu vực núi Chúa trong thời gian tới.

VĂN PHIN

VĂN PHIN