Học sinh tiểu học miền núi có tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt và thấp còi ở mức cao

HOÀNG LIÊN 23/11/2016 21:12

(QNO) - Ngày 21.11, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Thực trạng thiếu máu thiếu sắt và thấp còi ở học sinh tiểu học tỉnh Quảng Nam”, do Th.S Huỳnh Văn Sơn (Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam) chủ nhiệm.

Theo ban chủ nhiệm đề tài, các tác giả khảo sát, nghiên cứu ở các độ tuổi qua các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 ở các huyện miền núi, trong đó trẻ có độ tuổi thấp nhất là 72 tháng và lớn nhất là 155 tháng, trung bình là 104 tháng. Nhóm tác giả cũng khảo sát dựa trên các thành phần: độ tuổi, giới tính, dân tộc, vùng, nghề nghiệp cha mẹ, trình độ học vấn cha mẹ, kinh tế hộ gia đình, số con trong gia đình, chiều cao cha mẹ. Quá trình nghiên cứu dựa trên triệu chứng lâm sàng (qua theo dõi bên ngoài, trẻ có triệu chứng suy dinh dưỡng, thấp còi, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, chậm phát triển trí tuệ và chiều cao…) và cận lâm sàng (xét nghiệm máu), nhóm nghiên cứu tiến hành phân độ thiếu máu, thiếu máu thiếu sắt và thấp còi ở trẻ qua các khối học.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thấp còi ở học sinh tiểu học là do tình trạng suy dinh dưỡng; do nhiễm trùng và ký sinh trùng; do chế độ ăn uống thiếu khoa học; bà mẹ thiếu kiến thức nuôi con khoa học; các yếu tố khác như: nghèo đói, tập quán, dịch vụ y tế, yếu tố đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai… Có nhiều yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê với thiếu máu thiếu sắt khác. Cụ thể, dựa trên yếu tố dân tộc, dân tộc Kinh có tỷ lệ thiếu máu 12,9%, thiểu số là 27,5%. Yếu tố khối lớp (học sinh lớp 1, lớp 3, tỷ lệ này chiếm 16%; lớp 5 thiếu máu thấp nhất, 11,7%; học sinh lớp 4, lớp 5 thiếu máu thiếu sắt chiếm 13,8% và 12,5%, nhiều hơn học sinh lớp 2, lớp 3). Yếu tố địa lý cũng có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ học sinh thiếu máu thiếu sắt (học sinh miền núi có tỷ lệ thiếu máu 19,9%, tiếp đến là đồng bằng 14,2%, trung du 10,3% và thành phố 10,7%). Tỷ lệ thấp còi ở học sinh tiểu học Quảng Nam là 11,5%. Tỷ lệ học sinh Quảng Nam suy dinh dưỡng là 8,8%, trong đó thể gầy còm là 7,5%, thể gầy còm nặng là 1,3%...

Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực can thiệp nhằm giảm tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ độ tuổi tiểu học như: cải thiện chế độ ăn uống, ngủ trưa, bổ sung viên uống, chế phẩm sắt, xổ giun sán định kỳ, truyền thông nâng cao nhận thức của bà mẹ và trẻ em, đề xuất nhiều giải pháp về quản lý, nâng cao chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em… Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN