Khúc tráng ca Quy khu Xưởng Dầu

HỒNG VÂN 23/11/2016 09:32

Hơn 120 thân nhân của 24 gia đình từng bị tập trung vào Quy khu Xưởng Dầu - Trảng Tôn vừa có cuộc hội ngộ đầy cảm động tại UBND xã Tam Hiệp (Núi Thành) nhân kỷ niệm 55 năm nổi dậy phá mô hình dồn dân này của ngụy quyền.

Niềm vui trong ngày gặp mặt kỷ niệm 55 năm phá Quy khu Xưởng Dầu. Ảnh: HỒNG VÂN
Niềm vui trong ngày gặp mặt kỷ niệm 55 năm phá Quy khu Xưởng Dầu. Ảnh: HỒNG VÂN

Quy khu - cái tên nghe rất lạ, không như sau này cũng là mô hình dồn dân của ngụy quyền nhưng được gọi ấp chiến lược. Về điều này, đại diện Ban liên lạc truyền thống Quy khu Xưởng Dầu - Trảng Tôn cho biết: “Quy khu là mô hình đầu tiên mà chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện dồn dân để cách ly cộng sản, đàn áp phong trào cách mạng, mức độ tàn khốc hơn ấp chiến lược. Tuy nhiên mô hình này của địch đã thất bại sau 2 năm (1960 - 1961) triển khai ở Kỳ Khương, nay là xã Tam Hiệp”. Ngày đó, trước sự khủng bố của Luật 10/59, mặc cho máy chém của chế độ Ngô Đình Diệm lê khắp miền Nam, nhân dân Kỳ Khương vẫn bất khuất kiên cường một lòng theo cách mạng, và đã có 23 thanh niên địa phương dũng cảm “nhảy núi”. Để cách ly 24 gia đình có người thân theo cộng sản, tháng 11.1960, chính quyền ngụy xã Kỳ Khương và quận Lý Tín bắt tất cả dồn vào Quy khu Xưởng Dầu. Chúng cũng bắt 7 gia đình ở xã Kỳ Sanh (nay là xã Tam Mỹ) tập trung vào Quy khu Trảng Tôn.

Những con số mà Đại tá Nguyễn Tấn Đồng - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 5 nêu lên trong buổi gặp mặt khiến không ít người ngạc nhiên: Chỉ xóm nhỏ quy khu với 24 gia đình mà có đến 77 người thoát ly tham gia cách mạng, 22 nhà có người thân hy sinh với tổng số 44 liệt sĩ, xóm có 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, gia đình mẹ Nghề có 6 liệt sĩ; có gia đình cả mẹ chồng và nàng dâu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1 Anh hùng lực lượng vũ trang. Phát huy truyền thống cha anh, sau này lớp thế hệ đi ra từ quy khu có 4 người là sĩ quan quân đội với cấp hàm Đại tá; 3 người nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam; 2 người từng là đại biểu Quốc hội.

Bà Đỗ Thị Huệ giọng nghèn nghẹn khi nhớ về 55 năm trước: “Ông nhà tôi đi thoát ly sau đó hy sinh khi con gái tôi mới 2 tuổi. Chúng dồn mẹ con tôi cùng với mọi người vào quy khu, bắt đào hào xung quanh và rào hai lớp dây thép gai cùng hàng rào tre bên ngoài, chỉ chừa hai cửa ra vào. Ban ngày chúng cho ra ngoài trồng trọt, kiếm ăn nhưng kiểm soát rất gắt gao, ban đêm thì nội bất xuất - ngoại bất nhập. Hai năm cơm không đủ no, nước không đủ uống, người dân như cá nằm trên thớt. Mới 3 tháng đầu đã có 2 thanh niên khỏe mạnh chết vì dịch bệnh…”. Đại tá Nguyễn Văn Đức - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng, Đại tá Đoàn Thế Tùng - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, hay các chị Nguyễn Thị Dự, Võ Thị Sửu, Nguyễn Thị Bửu, Nguyễn Thị Vân đều là con liệt sĩ, cùng với gia đình bị dồn vào quy khu khi tuổi còn nhỏ. Họ bùi ngùi nhớ lại một quãng đời đau thương, tàn khốc. Với Đại tá Đoàn Thế Tùng là ngày cha bị địch bắn hy sinh, mẹ bị bắt vào tù đánh đập dã man. Ngày đó tuổi nhỏ nhưng ông đã cố vượt mấy chục cây số vào nhà lao Tam Kỳ đem cho mẹ chút đồ ăn. Đập vào mắt ông là hình ảnh người mẹ máu me đầy mình, ngất xỉu vì bị địch tra tấn dã man. Tàn bạo hơn, chúng bắt mẹ ông lăn trên đống vôi sống khi thân mình đầy vết thương rách da tươm thịt. Tiếng thét thất thanh đau đớn của mẹ ngày ấy còn ám ảnh ông đến tận bây giờ. Sau khi được thả, mẹ ông không còn là người bình thường. Mẹ con ông phải sống dựa vào bà nội trong mái nhà tranh cũ nát. Cái dáng bà lầm lũi đi tìm từng củ khoai, củ sắn để cháu nội và con dâu có cái ăn hằng ngày cứ ám ảnh suốt quãng đời ấu thơ của ông.

Tham gia buổi gặp mặt có cựu chiến binh Trương Văn Minh, người được biết nhiều đến tấm lòng nặng nghĩa tình, khi 30 mươi năm qua trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp nơi trong và ngoài tỉnh tìm hài cốt đồng đội Sư đoàn 2. Hôm nay ông còn khiến mọi người bất ngờ khi kể câu chuyện tìm được cha trên đường hành quân. Cha đi thoát ly khi ông còn nhỏ. Bị địch dồn vào quy khu cùng mẹ, sau đó ông thoát đi, vào bộ đội làm lính trinh sát Sư đoàn 2. Năm 1968, trên đường hành quân, lúc nghỉ chân ở sông Tranh, thấy có một cán bộ đi kèm với người công vụ đang hút thuốc bên bờ suối, ông bèn lân la đến xin lá thuốc. Nghe chất giọng Kỳ Khương, hỏi làm quen, ông mới biết vị cán bộ cho mình thuốc hút chính là người cha Trương Quân, cán bộ giao bưu. Hai cha con mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau trong nước mắt. Sau này ông Quân là Bí thư Đảng ủy Sở Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nay đã mất.

Đại tá Nguyễn Văn Tâm - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, người con của Quy khu Xưởng Dầu ra đi từ những ngày cuối năm 1961 dữ dội ấy, nhớ lại: “Sau hai năm bị sống o ép trong cảnh cá chậu chim lồng, 6 thanh niên của quy khu, trong đó có tôi, anh Đồng với sự hỗ trợ của Đội công tác xã Kỳ Khương và lực lượng vũ trang huyện đã bí mật ra vùng giải phóng. Trước đó, vào tháng 5.1961 cũng đã có 3 thanh niên quy khu giả vờ đi cắt lá, chặt củi rồi nhảy lên căn cứ”. Sau khi 6 thanh niên vượt ra khỏi quy khu, tối đó bà con đánh mõ hô hoán là Việt cộng xuống bắt thanh niên lên núi. Sáng hôm sau các gia đình ở quy khu kéo nhau vào Hội đồng xã đấu tranh đòi trở về nhà cũ làm ăn vì chính quyền đã không bảo vệ được chồng con của họ, để Cộng sản bắt bớ. Lấy cớ này, các gia đình nổi dậy phá quy khu về nhà cũ làm ăn, tiếp tục tham gia cách mạng.

Tam Hiệp ngày nay là vùng dân cư sầm uất với Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Nhà máy ô tô Trường Hải, có trường cao đẳng nghề, trường THPT... Thế hệ con em của quy khu 55 năm trước càng thêm tự hào và nhắc nhau dù đi đâu cũng không bao giờ quên mảnh đất quê hương anh hùng.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN