Chàng trai Cơ Tu bản lĩnh
Đó là anh Zơrâm Ngọc (thôn 2, xã Tà Pơ, Nam Giang), một người trẻ đầy năng động, đam mê với âm nhạc và biết lo toan cho cuộc sống của bản thân, gia đình.
Zơrâm Ngọc đánh đàn phục vụ bà con thôn Pà Păng vui hội đoàn kết. Ảnh: A.ĐÔNG |
Chúng tôi gặp Zơrâm Ngọc trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thôn Pà Păng (xã Tà Pơ) vừa rồi. Lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, Pà Păng có 27 hộ dân, là một trong những thôn xa xôi, hẻo lánh nhất của xã Tà Pơ. Hiện nay, từ trung tâm xã đi vào thôn phải mất gần 30km, còn trước đây thì Pà Păng dường như biệt lập với bên ngoài vì không có đường, không có điện. Vui hội đoàn kết năm nay, người dân Pà Păng phấn khởi vì cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều lần. Biết tin người dân thôn Pà Păng tổ chức ngày hội đoàn kết, dù đang đi làm ở TP.Tam Kỳ nhưng Zơrâm Ngọc đã thuê ô tô chở dàn loa, máy lên phục vụ bà con. Ngọc là một nhạc công, đồng thời đang kinh doanh dịch vụ cho thuê loa máy phục vụ cưới hỏi, hiếu hỷ.
Cuộc sống khó khăn, ba mẹ chỉ có một mình Ngọc nên từ nhỏ anh đã có ý thức tự lập, cố gắng trong học tập. Đang học dở lớp 12, thì ba của Ngọc qua đời, Ngọc đã phải bỏ học giữa chừng để về nhà phụ mẹ. Lúc này, gia đình Ngọc cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn đã di dời lên khu tái định cư mới và được nhận một số tiền bồi thường “khủng” của dự án thủy điện. Gia đình Ngọc được nhận gần một tỷ đồng. Không như nhiều gia đình khác, khi nhận được tiền bồi thường đã “đốt” vào những cuộc ăn chơi, sắm sửa xe cộ, nhà cửa tiền tỷ thì Ngọc lại có suy nghĩ tiến bộ hơn rất nhiều. “Lúc đó, nhà mình có sử dụng một ít tiền bồi thường để làm nhà, số tiền còn lại cũng còn nhiều. Thấy bạn bè có xe máy, điện thoại “xịn”, mình cũng muốn lắm nhưng sau mình nghĩ, họ sắm sửa cái này cái khác vì họ còn có anh, có em, còn mình chỉ một mình, mẹ lại thường đau ốm, nếu dùng tiền đó “ăn chơi” hết thì sau này sẽ khổ hơn” – Ngọc nói. Không dùng tiền bồi thường để chi tiêu phung phí, Ngọc xin phép mẹ xuống TP.Tam Kỳ học nghề để sau này có “cần câu cơm”. Thích công nghệ thông tin và âm nhạc nhưng Ngọc lại chỉ chọn âm nhạc để theo đuổi niềm đam mê. Hơn 2 năm ròng rã, Zơrâm Ngọc đã hoàn thành xong khóa học đàn organ, cùng thầy giáo dạy nhạc đi phục vụ các chương trình ca nhạc, liên hoan trong và ngoài TP.Tam Kỳ. Có nghề, Ngọc dùng tiền bồi thường dành dụm đầu tư một bộ dàn loa máy và chiếc đàn organ trị giá hơn 200 triệu đồng để hành nghề. Ngọc tâm sự: “Mua loa máy và đàn xong là hết luôn tiền nhưng em vẫn thấy may mắn vì mình có được cái nghề, không phải lo đói”.
Không chỉ có nghề, thời gian học nhạc tại TP.Tam Kỳ, Ngọc còn “cưa đổ” một cô giáo dạy nhạc ở quê biển xã Tam Tiến (huyện Núi Thành). Đầu năm 2016, cả hai tổ chức đám cưới và dẫn nhau lên núi… lập nghiệp. Ngọc vay tiền, mở một quán cà phê ở trung tâm xã Chà Vàl (Nam Giang) để vợ có việc làm hằng ngày, đồng thời là chỗ để dàn loa máy phục vụ kinh doanh. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đang dần khá lên nhờ sự cần cù, chịu khó của 2 người.
ANH ĐÔNG