"Đêm Cù lao" chưa hấp dẫn
Với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch mới lạ về đêm nhằm giữ chân khách lưu lại đảo Cù Lao Chàm, góp phần tạo sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nhưng qua hơn một năm triển khai, đến nay sản phẩm du lịch “Đêm Cù lao” vẫn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng.
Thiếu khách
Được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần, chương trình “Đêm Cù lao” được xem là một sản phẩm mới lạ và độc đáo của Hội An. Du khách lưu trú qua đêm tại đảo sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, làng nghề, ẩm thực đặc sắc nơi đây. Chương trình sẽ có hoạt động trình diễn nghề đan võng ngô đồng, gói bánh ít, làm các sản phẩm thủ công, chợ sản vật, khu ẩm thực đến những trò chơi dân gian, cờ tướng, cờ làng, cờ lú, đập nồi, hô hát bài chòi, đêm bolero…. Qua thực tế, hầu hết khách đều thích thú với chương trình này kể từ khi đưa vào hoạt động (ngày 30.4.2015). “Đêm Cù lao” đã thật sự mang đến cho khách những trải nghiệm khác lạ về các giá trị văn hóa bản địa, nhất là những hoạt động liên quan đến đời sống, sinh hoạt, văn hóa của cư dân miền biển được lưu giữ qua bao thế hệ. Nhưng rồi số lượng chương trình cứ giảm dần, riêng vài tháng trở lại đây sản phẩm này dường như dừng hẳn.
Khách tham dự “Đêm Cù lao” sẽ được trải nghiệm các nghề truyền thống trên đảo như đan võng cây ngô đồng. Ảnh: KHÁNH LINH |
Theo ông Trần Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (đơn vị tổ chức chương trình “Đêm Cù lao”), có nhiều nguyên nhân khiến chương trình chưa như kỳ vọng, một trong số đó chính là lượng khách lưu trú đêm ở đảo quá ít, có hôm chỉ trên dưới 20 người nên khó thể duy trì hoạt động. Ngoài ra, sự cách trở giữa Bãi Ông và Bãi Làng cũng khiến du khách ít tham gia sản phẩm này. “Đa số du khách sau khi tham quan xong thường về ăn nghỉ, sinh hoạt tại Bãi Ông, Bãi Chồng, để họ quay lại Bãi Làng là rất khó. Chưa nói, sẽ phát sinh các chi phí về vận chuyển, ghe thuyền... cho doanh nghiệp nên để doanh nghiệp ủng hộ mình cũng rất khó khăn, chưa nói tâm lý khách không phải ai cũng muốn tham gia chương trình này mà chỉ thích dừng lại bãi biển giao lưu rồi ngủ tại chỗ” - ông Thành phân tích.
Dù vẫn chưa như kỳ vọng ban đầu, nhưng không phủ nhận sản phẩm “Đêm Cù lao” đã tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch về đêm trên đảo cũng như góp phần tạo sinh kế và thu nhập cho một bộ phận người dân. Ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội nhìn nhận, dưới góc độ doanh nghiệp, việc ra đời một sản phẩm mới phục vụ khách là rất đáng hoan nghênh, nhưng để sản phẩm đó thực sự hấp dẫn thì cần nhiều yếu tố, nhất là chất lượng cũng như sự cộng hưởng của khách. “Muốn đánh giá một sản phẩm thành công hay thất bại phải có những phân tích mổ xẻ toàn diện, nhưng theo tôi về “Đêm Cù lao” là rất tốt, còn chuyện khách đón nhận hay không lại là chuyện khác. Vì suy cho cùng bất kỳ sản phẩm du lịch nào ra đời đều khó thể sống được nếu thiếu khách” - ông Hưng nói.
Củng cố “Đêm Cù lao”
Có thể nhận thấy, sự vắng khách đã khiến “Đêm Cù lao” khó có thể “sống” được, kể cả tại cộng đồng chứ chưa nói đến sự lan tỏa hay thu hút khách. Sau một thời gian chỉ để phục vụ cho chính người dân trên đảo (vì quá ít khách) thì sự háo hức cũng dần sụt giảm, và từ tháng 9 đến nay chương trình dường như ngưng tổ chức. Theo ông Trần Thành, có 2 nguyên nhân, thứ nhất, thời điểm này đã bước vào mùa thấp điểm du lịch tại Cù Lao Chàm, thứ hai, doanh nghiệp không mặn mà, thậm chí Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đưa ra một số chương trình khuyến mãi như giảm 30% giá vé cho doanh nghiệp có đoàn ở lại qua đêm tham gia chương trình nhưng vẫn không có công ty du lịch nào đăng ký. Hiện chi phí để tổ chức một “Đêm Cù lao” trung bình hết khoảng vài triệu đồng, chủ yếu chi trả cho đội ngũ bảo vệ trật tự, nhạc công, dẫn chương trình, ca sỹ…
Tuy vậy, vấn đề khó nhất hiện nay chính là duy trì gian hàng ẩm thực trong chương trình do đa số khách ra đảo đều đã được doanh nghiệp du lịch đặt ăn trước tại nhà hàng nên khó thể tiếp tục ăn uống tại chương trình sau đó. Trong khi, nếu tổ chức chợ ẩm thực mà khách không ăn thì người dân lỗ vốn… “Chúng tôi sẽ họp với các bên liên quan nhằm có những đánh giá, tổng kết cụ thể, nhưng theo quan điểm cá nhân thì sản phẩm “Đêm Cù lao” vẫn chưa thực sự hấp dẫn nên cần phải củng cố, cải thiện thêm để chất lượng được tăng lên. Sắp đến đơn vị sẽ phối hợp với JICA tổ chức tập huấn cho cộng đồng nhằm không chỉ nâng cao sản phẩm văn hóa địa phương mà còn phát triển thêm sản phẩm mới lôi cuốn khách tốt hơn” - ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, mối quan tâm của thành phố hiện nay không phải là số lượng khách ít mà chính là chất lượng sản phẩm cần đi vào chuyên nghiệp và đặc thù. Đặc biệt, thành phố vẫn xác định chương trình “Đêm Cù lao” là sản phẩm du lịch chủ đạo về đêm trên đảo nên sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp để chương trình ngày càng hấp dẫn, thu hút khách nhằm tạo dựng một thương hiệu riêng cho Hội An cũng như xã đảo Tân Hiệp thời gian tới. “Cù Lao Chàm đã có điện, do vậy rất thuận lợi để phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch. Hiện thành phố đã giao một số đơn vị liên quan, nhất là Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển xây dựng kế hoạch tổng kết, từ đó có cơ sở củng cố, hỗ trợ người dân hoàn thiện và tiếp tục phát triển sản phẩm. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ cho phép tăng số lượng phòng lưu trú homestay, phấn đấu nâng tổng số phòng lưu trú trên đảo từ nay đến năm 2020 lên 200 phòng. Khi đó lượng khách lưu trú nhiều hơn, tạo điều kiện cho sản phẩm “Đêm Cù lao” hoạt động, phát triển” - ông Sơn cho biết.
KHÁNH LINH