Tiên Phước lập bản đồ phòng tránh thiên tai
Biến đổi khí hậu không những gây ra bão lụt, mà còn gây ra lốc xoáy, nắng hạn kéo dài… Để chủ động ứng phó với thiên tai, huyện Tiên Phước đã khảo sát thực tế những vùng có nguy cơ cao và có những giải pháp phòng tránh phù hợp.
Tiên Cảnh là xã đông dân nhất huyện với dân số gần 10.000 người, là địa bàn nằm dọc tuyến quốc lộ 40B với chiều dài gần 10km có nhiều cống ngầm thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ. Phương án “Ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo cấp độ rủi ro thiên tai” của xã và huyện cũng xác định nhiều điểm nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai như vùng hạ du hồ thủy lợi Đá Vách (thôn 5), vùng dọc bờ sông Tiên (thôn 7A, 7B), sông Đá Găng (thôn 3), vùng sạt lở đất Rẫy Tranh Lớn (thôn 1). Trên cơ sở khảo sát thực tế, xã đã lập danh sách các điểm an toàn như Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm và các trường tiểu học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn với sức chứa hơn 1.300 người làm điểm di dời nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời củng cố đội tình nguyện viên xung kích, dân quân, công an hơn 200 người sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Ông Đoàn Hiên, thành viên đội tình nguyện viên xung kích xã chia sẻ: “Anh em đội rất nhiệt tình, không quản một công việc gì, từ hướng dẫn cho người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối gần nhà, di dời dân đến nơi an toàn, chốt chặn các điểm cầu bị ngập lụt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại…”.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: “Rút kinh nghiệm những năm trước đây chỉ xây dựng phương án phòng lụt bão, chưa bao quát hết các loại hình thiên tai cũng như chưa lường hết các tình huống có thể xảy ra nên việc triển khai thường bị động, hiệu quả không cao. Năm nay chúng tôi chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức khảo sát kỹ từng địa bàn, xây dựng phương án ứng phó với từng loại thiên tai cụ thể như bão lụt, sạt lở đất, động đất, dông sét, lốc xoáy, nắng hạn, rét hại… tương ứng với từng địa bàn cụ thể để xây dựng phương án sát thực tế nhất, mang tính ổn định lâu dài. Hàng năm huyện rà soát, bổ sung khi xuất hiện các điểm, đối tượng có nguy cơ mới”. Phương án xác định rõ số lượng dân cư sống trên địa bàn, số đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người tàn tật, hộ có nhà ở bán kiên cố, vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất, vấn đề an toàn hồ chứa nước… Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Tại 4 xã, thị trấn được coi là vùng xung yếu trong ứng phó với thiên tai của huyện gồm Tiên Lãnh, Tiên Cảnh, Tiên Châu và thị trấn Tiên Kỳ đã xác định hàng chục công trình kiên cố như trường học, trụ sở cơ quan hành chính, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nhà dân với sức chứa hơn 7.000 người. Lực lượng thanh niên xung kích, dân quân, công an ở những địa phương này có gần 900 người, đảm bảo phục vụ công tác sơ tán, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai.
Bên cạnh đó, huyện cũng mua sắm một số trang thiết bị và vật dụng cần thiết nhằm chủ động phòng chống thiên tai, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.
PHẠM HOÀNG