Con chữ lăn tròn
Ngôi trường nhỏ bé nằm cách hồ Phú Ninh chỉ chừng vài trăm mét, cũ nát, xập xệ. Ngỡ chừng con nước dềnh lên dưới lòng hồ kia chỉ cần ầm ào vỗ vào theo một cơn mưa lớn là có thể cuốn sập những phòng học còn sót lại. Con chữ, cứ thế mà lăn tròn theo những lần đổi dời trường học, thay phòng làm việc, như một điệp khúc buồn vọng từ quê núi Tam Sơn…
Học trong lo sợ
Tôi đã bắt gặp chính ký ức của tuổi thơ mình hơn 20 năm trước, khi còn là một đứa trẻ chân đất đầu trần cắp sách đi học dưới tán xà cừ rợp xanh, ngay khi vừa đặt chân vào điểm trường chính của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (xã Tam Sơn, Núi Thành). Một ngôi trường y hệt, với cây xà cừ cổ thụ, mái ngói rêu xanh, khoảnh sân đất in đầy những dấu chân con trẻ. Chỉ khác, rêu ở nơi này chừng như còn dày hơn, và còn chi chít những… vết chân trâu bò ở hành lang lớp học. Những dãy nhà đã quá cũ. Tường loang lổ, bong tróc, những ô cửa sổ vừa được đục bỏ, thay bằng khung sắt, vẫn còn nguyên vết đục vào bê tông. Phía bên ngoài một số căn phòng, tờ thông báo “Nguy hiểm, học sinh không lại gần” đã bắt đầu ố vàng. Thầy Nguyễn Đại Ngọc - Hiệu trưởng trường hơi ngập ngừng khi tôi đề nghị được vào thăm căn phòng khóa kín có dán tờ thông báo. Căn phòng này ba hôm trước còn là phòng làm việc của ban giám hiệu, nhưng sau đợt mưa, một vết nức toác chạy hết chiều dài của căn phòng xuất hiện. Một căn phòng khác cũ không kém, nhưng ít nứt hơn được chọn làm phòng làm việc thay thế, nhưng đó cũng là căn phòng cuối cùng còn dùng được. Những căn phòng còn lại, đã chi chít tờ thông báo dán ngay tường, khi thậm chí không còn cửa để khóa…
Các em vui đùa bên ngoài một căn phòng dán thông báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ có đến 5 điểm ở rải rác các thôn. Điểm trường này là điểm trường chính, nằm ở khu trung tâm của xã, vốn là trụ sở của Trường THCS Quang Trung cũ. Vì ở gần lòng hồ, thường xuyên bị ngập vào mùa lũ, nên trường Quang Trung được đầu tư xây mới một khu nhà khang trang phía gần trụ sở UBND xã. Dãy phòng học này được nhường lại cho Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Dãy có chừng 9 phòng, nhưng chỉ sử dụng được 3 phòng làm phòng học cho 4 lớp từ lớp 1 tới lớp 5. Riêng khối lớp 4 được chuyển về điểm trường ở thôn Thuận Yên Tây. Các phòng còn lại được tận dụng làm nơi làm việc, thư viện, phòng máy tính, nhưng dăm ba hôm lại phải dịch chuyển do… sợ sập. Thầy Ngọc kể, đầu năm học, trường xin được kinh phí để dỡ toàn bộ mái ngói, lợp lại tôn, vừa để đỡ dột, vừa đảm bảo an toàn cho lớp học. “Những phòng còn kiên cố, ít vết nứt nhất, chúng tôi đã dành để làm phòng học cho học sinh. Thầy cô giáo phải tận dụng tối đa không gian để làm việc trong các căn phòng còn lại. Điểm trường chính, nhưng không đủ phòng nên phải chia hai ca sáng chiều cho 78 em, và chuyển 40 em khối lớp 4 sang điểm trường bên cạnh” - thầy Ngọc cho biết.
Căn nhà bếp tập thể của các giáo viên bị đổ sập vào đầu tháng 11 sau một cơn mưa lớn. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Học trong những phòng học xập xệ của trường cũ, nỗi ám ảnh cứ dằng dai theo các thầy cô lẫn phụ huynh học sinh. Phụ huynh ái ngại mỗi lần đưa đón con đến trường, nhìn những dãy nhà đã oằn cong mái ngói, chi chít những vết nứt ngang dọc. Không ít người đòi cho con chuyển đi điểm trường khác. Mỗi lần như vậy, những thầy cô trong trường cũng phải ngậm ngùi khuyên nhủ, bởi hơn ai hết, họ chính là người đã ở cùng các em trong những căn phòng học xập xệ đó, cũng lo lắng không nguôi mỗi mùa mưa bão về. Thầy Phan Nhứt - Phó Hiệu trưởng trường, cũng là người đã gắn bó với vùng đất này từ hơn 30 năm nay - tâm sự, luân chuyển công tác vòng quanh, trở về lại trường mà xót lòng cho những học sinh trong trường. “Cứ mỗi năm học mới đến là lại lo những nỗi lo đã cũ, mà không biết làm cách nào khác. Thay được mái ngói cũ nát ở dãy phòng học, chưa kịp mừng đã muốn khóc ròng vì trời mưa là giáo viên có hét khản giọng học sinh cũng không nghe rõ. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị để xin được đầu tư xây dựng trường cho các em, nhưng trong thời gian chờ đợi, cũng đành phải cho các em học tạm ở nơi này” - thầy Nhứt bộc bạch.
Nhọc nhằn gieo chữ
Nỗi ám ảnh của các thầy cô giáo rồi cũng đến sau một đêm mưa đầu tháng 11 vừa rồi. Căn phòng ăn tập thể - nơi 8 thầy cô giáo vẫn nấu ăn chung mỗi ngày - đột ngột đổ sập. May mắn, là khối gạch đá ấy sập xuống trong đêm, chỉ làm hỏng những vật dụng trong nhà bếp. Các cô giáo thay nhau nhặt nhạnh những thứ còn sót lại, đem cất tạm vào phòng ở. Năm cô giáo cùng ở chung một phòng. Phòng còn lại, các cô dành cho một cô giáo khác có con nhỏ. Cô Nguyễn Thị Lập, giáo viên trường dẫn chúng tôi qua căn phòng tập thể. Vỏn vẹn hai chiếc giường, và một cái bàn học đã cũ là nơi soạn giáo án của cả năm giáo viên. Phía góc nhà, vẫn còn mớ nồi niêu méo xệch mà các cô nhặt nhạnh từ căn bếp bị sập. “Cả tuần nay tụi em phải đi ăn ở ngoài, vì phòng chật quá mà bát đũa bể hết rồi… ” - cô Lập bỏ lửng giữa chừng câu nói.
Trong số những giáo viên ở điểm trường chính, cô Nguyễn Thị Thêm, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 là một trong những người gắn bó lâu nhất với trường. Hai mươi tám năm đứng trên bục giảng, cô Thêm hay nói đùa điểm trường chính là “trường học thân thiện”, vì không có tường rào, trâu bò vào tận hành lang lớp học. Nhiều buổi đến lớp, cô cùng lũ trẻ lớp 1 phải loay hoay dọn dẹp những đống chất thải của trâu bò ngay trước cửa lớp. “Nhiều phụ huynh góp ý xin cho các em… đội mũ bảo hiểm để học. Tôi nghe mà buồn mấy ngày liền. Giáo viên vất vả mãi cũng quen rồi, nhưng nhìn lũ trẻ thì thương lắm” - cô Thêm nói với tôi, nước mắt chực trào trên khuôn mặt đã bắt đầu hằn in những nếp nhăn của người đã gắn bó với bục giảng, với đất Tam Sơn này gần nửa đời người…
Ngoài cô Thêm, thầy Nhứt, trường có không ít giáo viên trẻ. Như cô Lập, mới 25 tuổi, ra trường là xin về dạy trên điểm trường này. Làm tổng phụ trách đội, cô Lập phải chạy như thoi giữa các điểm trường trong các giờ ngoại khóa. Mỗi tuần một lần trở về nhà cách đó chừng hơn ba mươi cây số, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải vội trở lại trường. “Em còn trẻ, nên không ngại khó, ngại khổ, được lên lớp, được làm đúng nghề mình yêu đã là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ hơi chạnh lòng vì trường lớp thế này, thương cho học sinh mình không bằng các trường khác, dăm ba bữa dời lớp, dọn phòng, học sinh cũng phải phụ thầy cô khiêng bàn ghế. Tụi nhỏ tội lắm, nên về được bữa là nhớ lớp, nhớ trường không rời được” - cô Lập nói. Hình như ở nơi này, mọi nỗi lo đều dồn về “tụi nhỏ”. Còn thầy cô, đã như quen lắm với chuyện dăm ba bữa lại phải dời phòng làm việc, phòng học. Thiếu thốn đủ bề, chuyện ăn ở nay cũng thành tạm bợ, vậy mà giờ ra chơi vẫn thấy các cô ríu rít cùng học sinh như thể đang chơi đùa với chính những đứa con của mình. Thầy Ngọc bảo, hôm rồi mới qua làm việc với lãnh đạo xã, xin một số phòng của trụ sở cũ ủy ban xã để làm phòng làm việc. Dãy phòng này nay đã bỏ không sau khi xã Tam Sơn vừa xây dựng trụ sở mới, song “vẫn còn tốt lắm” so với những phòng làm việc đã quá xuống cấp phía bên này. Lại phải tính chuyện dời đồ đạc. Như thế, con chữ vẫn mải miết lăn tròn theo những bận dời phòng, đổi chỗ, và lớp lớp học sinh ở đất này đã theo đó lớn lên, từ xóm núi ngay bên hồ Phú Ninh.
Ghi chép của THÀNH CÔNG