Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh tăng gần 3% theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều
(QNO) - Sáng nay 18.11, Đoàn công tác của trung ương do ông Cát Quang Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước Việt Nam dẫn đầu có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trong năm 2016.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở ngành có liên quan tiếp, làm việc với đoàn.
Quang cảnh cuộc làm việc sáng nay 18.11. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong 5 năm (2011 - 2015), tổng nguồn vốn huy động, phân bổ thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hơn 7.090 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 6.746 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 874 tỷ đồng; vốn huy động gần 289 tỷ đồng.
Nhờ triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2015 còn 10,3% (giảm trên 14% so với năm 2011); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,92%. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Quảng Nam vẫn còn cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Số hộ nghèo của tỉnh hiện nay trên 51.800 hộ, chiếm tỷ lệ 12,9%, tăng gần 3% so với chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
Phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh khẳng định, thời gian qua, Quảng Nam hết sức quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, quyết liệt trong việc giúp người dân thoát nghèo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo bền vững được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá của Quảng Nam. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân thoát nghèo sẽ tiếp tục được tỉnh xây dựng và quyết tâm thực hiện hiệu quả. Với mục tiêu là giúp người dân nâng cao nhận thức, mong muốn được thoát nghèo, tự giác đăng ký thoát nghèo dựa trên sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực, hiệu quả của chính quyền địa phương.
Từ thực tiễn triển khai các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cũng kiến nghị trung ương cần nghiên cứu, xây dựng nhóm chính sách phân cấp cho địa phương tự chủ động trong việc phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương đối với chương trình giảm nghèo. Để từ đó, tùy vào tình hình cụ thể của địa phương mà triển khai thực hiện việc hỗ trợ phù hợp để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Thay mặt đoàn công tác, ông Cát Quang Dương đánh giá cao công tác giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015. Nhất là sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo đã từng bước tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, ý thức tự giác và muốn thoát nghèo của người dân địa phương. Đồng thời cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh tiếp tục quan tâm tập trung bổ sung nguồn lực theo yêu cầu từ các văn bản của trung ương đối với việc thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường công kiểm tra, giám sát việc thực hiện giảm nghèo, không để xảy ra tình trạng giảm nghèo theo kiểu chạy đua thành tích...
NGUYÊN ĐOAN