Tình biển…

LÊ QUÂN - THÀNH CÔNG 18/11/2016 09:11

Người làng biển, sống tựa vào nhau, thân tình và nồng hậu, khí khái và can trường….

Chúng tôi đi dọc những ngôi làng duyên hải ven biển, vào những ngày đàn ông tất bật dựng rạp che lều, đàn bà ngược xuôi sắm sửa cho ngày hội đại đoàn kết của quê mình. Ở đâu cũng nói cười rộn ràng, cũng vang đầy những tiếng hát ngọt lành. Họ sống với nhau bằng tấm lòng của những người luôn ở trước lằn ranh sống chết của cuộc mưu sinh.

Chia bão tố biển khơi

Những làng biển ở bãi ngang không chỉ đương đầu với sóng to gió cả. Có muôn vàn dông tố chực chờ họ, từ những chuyến biển dài ngày, hay thậm chí với những người ở đất liền. Nếu không tựa vai nhau, không cố kết với nhau, thì khó lòng vững vàng trước những thách thức khắc nghiệt của cuộc mưu sinh từ biển cả. Mỗi người đàn ông khi đặt chân lên tàu, là đã tự mình gạt đi cái tôi to lớn, quyết liệt của tính cách đặc trưng vùng biển. Họ trở thành những cá thể kết dính trong một tập thể bền chặt. Ông Trần Đạo, chủ tàu QNa 92033 của thôn Trà Đông (Duy Vinh, Duy Xuyên) chia sẻ, nếu đứng trước biển mà không có anh em, thì chịu chết. Không thể một mình đơn chiếc nơi biển cả mênh mông. Họ cố kết với nhau bằng những tấm lòng.

Phụ nữ làng biển cùng nhau giúp đỡ chuyện bán buôn.
Phụ nữ làng biển cùng nhau giúp đỡ chuyện bán buôn.

Và những tổ đoàn kết trên biển của anh em ngư dân là chỗ dựa tin cậy nhất khi lênh đênh trên biển khơi. “Mình có gặp hoạn nạn thì được đồng đội hỗ trợ. Mỗi lần vươn khơi không chỉ mình tôi mà có 4 tàu khác đi cùng. Những ngày đánh bắt trên biển, mọi người trong tổ sẽ hỗ trợ cho nhau từ việc tu sửa máy móc đến ngư trường đánh bắt. Ở làng này, cả chục năm nay tổ đoàn kết đi vào hoạt động, từng ấy năm không có tai ương xảy ra” - ông Trần Đạo nói. Hơn 25 chủ tàu thuyền của thôn Trà Đông đã từng có nhiều cuộc ngồi với nhau, để thống nhất việc thành lập một tổ đoàn kết đặc biệt, trong đó, chia thành nhiều nhóm tàu ra khơi trợ sức lẫn nhau. Họ đã nhiều lần lai dắt nhau vào bờ an toàn mỗi khi tàu đi khơi xa gặp sự cố. Cũng như, chia sớt về thông tin từng luồng cá trên biển, để tàu nào cũng có thu hoạch khi trở về. Ông Đỗ Văn Tiến - Tổ trưởng tổ đoàn kết tàu thuyền trên biển của thôn Trà Đông, nói thêm: “Buôn có bạn bán có phường, nhất là nghề biển, nguy hiểm luôn rình rập. Nếu không có sự trợ giúp từ anh em thì mỗi khi gặp nạn khó bảo toàn tính mạng lẫn tài sản”.

Từ người “đi bạn” đến người chủ, khi bước lên tàu, ranh giới chủ tớ đã nhập nhòa. Tất cả sinh mệnh đều quý như nhau. Ông Nguyễn Thanh Hải (Bình Dương, Thăng Bình) nói thêm, các nghiệp đoàn nghề cá ra đời trong vài năm trở lại đây, là một chỗ dựa thật sự cho những người làm nghề biển. Ở Bình Dương, chỉ riêng thôn 6 đã có đến 264 người làm nghề đánh bắt. Với 8 tổ đoàn kết thuộc nghiệp đoàn, các tàu thuyền hỗ trợ nhau từ ngư trường đánh bắt đến việc giúp nhau những hoạn nạn bất ngờ giữa biển khơi…

Câu chuyện trên đất liền

Nếu cánh đàn ông sớt chia bão tố trên sóng to gió cả thì ở đất liền, những người đàn bà làng biển tựa vào nhau để giúp cho cuộc sống bớt nhọc nhằn. Mô hình “Nhóm buôn bán nhỏ” của phụ nữ làng biển Vịnh Giang (Bình Nam, Thăng Bình) đã làm tròn trịa tấm lòng san sẻ nhau của phụ nữ vùng biển. Người phụ trách thu mua khi tàu về cập bãi, một người khác lại chịu việc chuyên chở đến các chợ để bán. Ban đầu chỉ vài chị cùng hùn nhau để san sẻ bớt “công đoạn”, sau những người phụ nữ cùng làng nhận thấy nếu làm như thế sẽ vơi đi ít nhiều vất vả, và bây giờ, thì cả làng biển Vịnh Giang đã có đến 35 nhóm buôn bán như vậy với 72 phụ nữ tham gia. Trong khi đó, ở làng biển Bình Minh, có một người phụ nữ gom hết thảy âu lo từ chuyện thị trường đến đầu ra sản phẩm, để tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ góa bụa sau bão Chanchu. Chị Trần Thị Kim Vân, thôn Hòa Bình (Bình Minh), chủ một trong 10 xưởng cá tại Bình Minh chia sẻ, cũng phận phụ nữ như nhau, giúp được gì nhau thì giúp, để các chị ở đây có thêm thu nhập nuôi con.

Những ngư dân đánh lộng mỗi ngày vẫn thường để dành mớ cá nhỏ sẻ chia cho người già neo đơn sau khi bán đi đa số cá thu hoạch được. Họ tựa vào nhau để giúp nhau thoát nghèo, hoặc để cùng nhau vượt qua được tai ương, khốn khó. Chị Nguyễn Thị Nga trước khi buôn bán dạo ở bờ biển Cửa Đại theo chồng đi lộng gần bờ. Sau đó, thấy chị em trong khối phố Phước Tân (phường Cửa Đại, Hội An) buôn bán dọc bờ biển có thu nhập hơn, chị Nga học theo các chị em và cũng được những người phụ nữ cùng nghề này chỉ bày một vài chiêu thức để mời khách. Từ khi bờ biển Cửa Đại bị sạt lở sâu, những người phụ nữ “thoát biển” vài năm như chị Nga, chị Năm, chị Hai… lại tự phân công nhau “lịch bán” để khỏi ai phải đụng ai, vì lượt khách đến biển ngày mỗi vắng.

Những xóm làng can trường bên bờ biển khơi, bằng nhiều cách khác nhau, đã cố kết nhau bằng chính tấm lòng chân thành. Hội làng ở biển, không chỉ vui vì tiếng nhạc, tiếng cười, mà còn ấm cúng vì những tâm tình, chia sẻ họ dành cho nhau…

LÊ QUÂN - THÀNH CÔNG

LÊ QUÂN - THÀNH CÔNG