Nghĩ về nghề giáo, nhà giáo
Hàng năm, ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) là ngày hội của những người làm công tác GD-ĐT, những người được Đảng, nhân dân giao phó trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang là “trồng người”. Nhiệm vụ của GD-ĐT là vun trồng “nguyên khí quốc gia”; làm cho nền học vấn nước nhà hưng thịnh, đất nước phát triển bền vững. Trong một xã hội nhất định, điều kiện tiên quyết suy cho cùng là do nhân tố con người quyết định, ở đó, GD-ĐT là nhân tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, Đảng ta khẳng định “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là “đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết 29NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) tiếp tục khẳng định: “…GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực không chỉ là “quốc sách hàng đầu”, là “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước tiến lên phía trước, mà còn là “mệnh lệnh” của cuộc sống. GD-ĐT luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị một lớp người phát triển toàn diện hơn để kế thừa lớp người đi trước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và cải tạo xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được xem là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tri ân cựu giáo chức là niềm tự hào của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi theo Người: “…Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Chính vai trò quan trọng của người thầy đã tạo nên truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngự trị bền vững trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó đã được minh chứng cả trên cơ sở lý luận và thực tiễn, nó thể hiện bằng những câu ca dao dân gian đầy sức thuyết phục: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh, có vọng nhớ thầy khi xưa”… Và dù không còn cắp sách đến trường, tuổi cao sức yếu về già đi chăng nữa vẫn nghĩ đến người thầy: “Thời gian dẫu bạc mái đầu/ Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy”. Dù đi khắp bốn phương trời, người học trò bao giờ cũng canh cánh nhớ những lời thầy giáo dạy dỗ, chăm chút cho mình năm nào. Thầy đã truyền đạt kiến thức, soi đường, dìu dắt người học trò đến gần hơn với chân trời kiến thức và định hướng cho họ con đường tiến tới mục tiêu phía trước.
“Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai”. Công ơn thầy cô giáo cao quý là vậy, mênh mông, bao la là vậy, không gì so sánh được. Nhớ công ơn trồng người, nhớ từng hình ảnh thầy, cô giáo chúng ta như có thêm động lực, sức mạnh để sống, học tập, lao động hết mình và luôn thầm cầu chúc, tri ân thầy, cô giáo chúng ta lòng biết ơn chân thành và lòng kính yêu tha thiết.
Trải qua bao thế sự thăng trầm, qua từng giai đoạn lịch sử chông chênh, nhưng rồi dân tộc ta luôn tự hào với truyền thống nghìn năm văn hiến, vẫn luôn giữ vững, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Việt. Thành quả ấy khẳng định sức mạnh nền văn hóa của dân tộc Việt và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, trong đó có sự đóng góp to lớn của những thầy giáo qua các thời đại. Và thực tiễn, đại bộ phận đội ngũ thầy giáo đã nỗ lực vươn lên, vượt khó đem hết khả năng sẵn có của mình thực hiện chức trách được giao đến với các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đồng thời chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều cán bộ lãnh đạo trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã xuất thân từ những thầy giáo, tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Đặng Thai Mai, Tôn Thất Tùng…
Những tình cảm sâu sắc và tôn kính nhất mà xã hội dành cho ngành GD-ĐT và đặc biệt với những thế hệ thầy cô giáo cũng gửi đi thông điệp mong mỏi mỗi nhà giáo phải là “Khuôn vàng, thước ngọc”, “Tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo cho học sinh noi theo”. Ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nhìn lại trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp GD-ĐT, cùng góp sức với thầy cô giáo nâng tầm giáo dục trong thời đại hội nhập quốc tế, đáp ứng xu thế phát triển kinh tế tri thức, thực hiện tốt, hiệu quả chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực...” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xác định đây là một kế sách, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI.
TRẦN BÌNH PHƯƠNG