Kỷ niệm ngày đầu đến Chămpasắc
Rét như cắt da thịt, sương lạnh đến nỗi dẫu được căng bạt vậy mà sáng dậy gương mặt vẫn ướt đầm… đã in đậm trong ký ức những người lính Công ty Hữu Nghị Nam Lào lần đầu qua nước bạn Lào xây dựng cụm bản tuyến biên giới Việt - Lào.
Cách đây 10 năm (21.11.2006), thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam về phối hợp hoạt động triển khai đầu tư xây dựng cụm bản phát triển trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Công ty Hữu Nghị Nam Lào (ngày nay là Công ty TNHH MTV Hữu Nghị Nam Lào) Quân khu 5 được thành lập. Đến nay làng quê này đã là vùng đất trù phú, trở thành mô hình cho 4 tỉnh Nam Lào. Trong số 97 người của công ty có mặt ở tỉnh Chămpasắc năm ấy hiện nay còn 22 cán bộ, nhân viên tiếp tục đồng hành.
Công nhân kỹ thuật Công ty Hữu Nghị Nam Lào hướng dẫn quân nhân Sư đoàn 5 thu hoạch cà phê. Ảnh: H.VÂN |
Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Hưng - nhân viên phiên dịch nhớ lại, ngày mới qua, tất cả ở nhờ Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 5 của nước bạn Lào, sau đó một tuần thì dựng nhà bạt. Mọi người đều ngủ võng để tránh rắn rết. Tết Nguyên đán năm đó gần như cắm trại 100%. Nơi ăn ở tạm bợ, điện máy nổ chỉ chạy một vài tiếng ban đêm; điện thoại di động không liên lạc được. Tuy nhiên đã được quán triệt trước lúc lên đường nên anh em quyết tâm vượt mọi khó khăn. Từ chỗ chỉ biết vài từ giao tiếp thông thường ngày mới qua, ai cũng chịu khó học tập nên dần dần, mọi vấn đề trao đổi với cán bộ của bạn hay tham gia đi vận động nhân dân vùng sâu, vùng xa về cụm bản mới rất hiệu quả. Công việc ban đầu rất bận rộn, anh em phải nỗ lực để đưa mọi thứ vào guồng nên nỗi nhớ nhà cũng vơi đi. Mà muốn về cũng không dễ bởi phương tiện từ Lào qua Việt Nam hồi đó rất ít. Đặc biệt, có anh, con bị bệnh bẩm sinh đã lâu nhưng cũng không có điều kiện gần gũi, chăm sóc con nhiều hơn.
Thượng tá Phạm Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu Nghị Nam Lào, nhớ lại: “Nông trường Cao su 2 lúc đó chỉ 17 người, trong đó tôi là giáo viên Đại học Nông Lâm Hà Nội mới chuyển về. Bản Nậm Phạc, huyện Pạ Thum Phong (Chămpasắc) lúc này dân cư thưa thớt. Chợ xa 25km, đi về phải mất cả buổi nên chủ yếu ăn cá khô, mắm và rau. Bà con lâu nay chỉ dùng rựa, chưa biết đến cái cuốc, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc. Sau 4 tháng khai hoang, tháng 10.2007, cây cao su đầu tiên được đặt vào đất, làm tiền đề cho gần 700ha cao su của công ty sau này. Bà con trong vùng làm cho nông trường phấn khởi lắm, nhất là khi được chúng tôi hướng dẫn trồng lúa, hoa màu xen lẫn, thu hoạch năng suất khá cao”.
Thiếu tá Hoàng Văn Sơn, là một trong số những người đầu tiên trong chuyến đi năm ấy, hiện là Đội trưởng đội công tác cụm bản Thông Kà Lổng, huyện Pắk Sòng (Chămpasắc) cho biết: Từ đồng rừng hoang vắng, nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam mà Công ty Nam Lào là những người trực tiếp thực hiện đề án, đến nay làng quê này đã là vùng đất trù phú, trở thành mô hình cho 4 tỉnh Nam Lào. Đời sống hàng ngàn người dân từ nghèo khổ đã khá giả, có đầy đủ điện, đường, trường, trạm, đập thủy lợi. Sau thành công này, Công ty TNHH MTV Hữu Nghị Nam Lào tiếp tục xây dựng cụm bản Đắk Mun ở huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông và cũng đã làm thay đổi bộ mặt nơi đây.
“Công ty TNHH MTV Hữu Nghị Nam Lào đã chủ động giúp đỡ Sư đoàn 5 và Bộ CHQS 4 tỉnh Nam Lào phát triển nhiều mặt. Đặc biệt, dấu ấn sâu đậm nhất là việc xây dựng Đài Tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào; xứng đáng là chiếc cầu nối thắt chặt quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam ngày càng bền vững” - Trung tướng Vị Lay Lạ-khăm-phong - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào nói.
HỒNG VÂN