Đổi thay từ sự năng động

CÔNG TÚ 16/11/2016 09:13

Với sự đồng tâm hiệp lực xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, diện mạo quê hương Đại Đồng đã đổi thay về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Diện mạo hạ tầng giao thông xã Đại Đồng hôm nay. Ảnh: CÔNG TÚ
Diện mạo hạ tầng giao thông xã Đại Đồng hôm nay. Ảnh: CÔNG TÚ

Khởi sắc kinh tế

Hàng ngày, nhà bà Huỳnh Thị Bê (ở thôn Lam Phụng) luôn có 3 lao động là người cùng xóm qua phụ giúp việc làm hương trầm, mỗi người được trả tiền công 100 nghìn đồng/ngày. Chồng bà Bê cho biết, đây là nghề mưu sinh của gia đình từ 20 năm nay; trước đây làm hoàn toàn bằng thủ công, bây giờ có máy móc trợ giúp nên các công đoạn khá nhẹ nhàng. “Để đảm bảo chất lượng, nguyên liệu được gia đình tôi lấy từ dăm dó bầu trồng đem xay thành bột hương, chứ không mua bột ở bên ngoài. Sản phẩm làm ra chủ yếu cung cấp cho thị trường Đà Nẵng” - chồng bà Bê nói.

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương

Chiều ngày 17.11.1946, tại nhà ông Cửu Thảo ở thôn Hà Nha, đồng chí Lương Văn Lý và đồng chí Hồ Quý Chấn thay mặt Huyện ủy Đại Lộc kết nạp Đảng cho các đồng chí Lê Ngọc Bửu, Nguyễn Cang, Huỳnh Chung, Từ Thành, Từ Thị Chí, Nguyễn Ngự, Bá Diệu Đường. Sau lễ kết nạp đảng viên mới, Chi bộ xã Đại Đồng được thành lập và lấy tên Chi bộ Nỗ Lực, trực thuộc Đảng bộ huyện Đại Lộc. Từ đây, Đại Đồng có tổ chức chính trị tiên phong, là hạt nhân lãnh đạo nhân dân địa phương tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành thắng lợi cuối cùng. Với những chiến công vang dội, xã Đại Đồng vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 3 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn xã có 88 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, Đảng bộ xã Đại Đồng tiếp tục thể hiện sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo để diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc; giảm hộ nghèo xuống còn 4,34%. Theo thống kê mới nhất về kết quả năm 2016, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 699,30 tỷ đồng; so với chỉ tiêu huyện giao đạt 109,86%, so với nghị quyết HĐND xã giao đạt 100,83%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 70,64%; thương mại - dịch vụ chiếm 21,16%; nông - lâm nghiệp chiếm 8,19%.

Ông Trương Hữu Mai - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho hay, trên địa bàn xã hiện có hàng chục hộ mưu sinh bằng nghề làm hương trầm, chủ yếu tập trung tại các thôn Lam Phụng và Bàn Tân. Ngoài hương trầm, bức tranh tiểu thủ công nghiệp của xã còn được tô điểm thêm với các nghề làm chổi đót, bánh tráng…, tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Theo thống kê, nền kinh tế của xã Đại Đồng vài năm trở lại đây tăng trưởng bình quân 18%. Thành quả đó, ngoài phát triển tiểu thủ công nghiệp, còn có sự góp sức không nhỏ của lĩnh vực công nghiệp. Bởi, tận dụng lợi thế về giao thông, Đại Đồng phối hợp chặt chẽ với huyện thu hút được 4 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất tại 2 cụm công nghiệp nằm ven quốc lộ 14B. Hiện nay đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động. Riêng năm 2016, tổng giá trị ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trên địa bàn ước đạt 494 tỷ đồng, chiếm 70,64% cơ cấu kinh tế của xã.

Tuy là xã miền núi, người dân Đại Đồng có thể nâng cao thu nhập thông qua hoạt động thương mại, sôi động nhất là các thôn Hà Nha, Lam Phụng ven trục ĐT609. Trong khi đó, ngành dịch vụ được duy trì, mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ, điển hình là dịch vụ vận chuyển. Trên địa bàn xã hiện có 4 công ty sở hữu tổng cộng 46 đầu xe tải; người dân còn mua sắm 16 xe phục vụ du lịch, cưới hỏi, 2 xe giường nằm chạy tuyến cố định Đại Lộc - TP.Hồ Chí Minh. Về câu chuyện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong năm 2016 xã tổ chức cho nhân dân sản xuất 30ha lúa giống và cơ cấu các loại giống có năng suất cao, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật. Tận dụng hết diện tích bãi bồi ven sông và quỹ đất màu, nông dân địa phương mạnh dạn canh tác cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm có giá trị kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hình thành và ăn nên làm ra, điển hình là 2 tổ hợp tác trồng sen và nuôi cá Bàu Mưng, Tổ hợp tác Đại Đồng Phát chuyên nuôi dế và các loại gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao…

Chăm lo an sinh

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Lộc -  ông Nguyễn Công Thanh nhìn nhận, bên cạnh bức tranh kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc, xã Đại Đồng đã quan tâm chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang; nhiều phong trào thi đua thực hiện khá nổi bật. “Trong điều kiện vẫn còn khó khăn, Đảng bộ xã Đại Đồng thời gian qua nỗ lực tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục, y tế, chính sách đối với người có công, an sinh xã hội...” - ông Nguyễn Công Thanh nói. Ví dụ rõ nhất là Trạm Y tế xã khánh thành đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2016, thay thế cho cơ sở cũ đã xuống cấp, không chỉ “ghi công” hoàn thiện tiêu chí số 15 về xây dựng nông thôn mới mà còn giúp người dân ở vùng thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ này được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển viện lên tuyến trên. Nói thì dễ vậy, nhưng để công trình quy mô 2 tầng kiên cố, gồm 12 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ khác “mọc” lên, đảng bộ, chính quyền xã đã phải linh hoạt tranh thủ nhiều nguồn lực mới đảm bảo mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Đối với giáo dục, cũng nhờ huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất góp phần làm cho tất cả trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia…

Khánh thành Trạm Y tế xã Đại Đồng được xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Khánh thành Trạm Y tế xã Đại Đồng được xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.

Về Đại Đồng những ngày này, băng rôn, pa nô tuyên truyền cho sự kiện kỷ niệm 70 thành lập Đảng bộ xã Đại Đồng giăng giăng trên các tuyến giao thông nông thôn. Những con đường liên thôn, liên xóm dọc ngang có bề mặt bê tông xi măng với tổng chiều dài hơn 35km được địa phương xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hệ thống điện, thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được xây dựng đồng bộ góp phần tạo ra vóc dáng của một địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ. Tích cực huy động nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp về nguồn vốn, năm 2016 xã tiếp tục đầu tư làm mới đập tràn của bờ đập thủy lợi Ồ Ồ, bê tông hóa tuyến kênh mương từ Máy Trắng đi Cầu Đất, Lâm Tây dài 500m với kinh phí 1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn nông thôn mới, địa phương phân bổ 1,157 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa xã; một số thôn như Hà Thanh, Bàn Tân tự vận động kinh phí làm mặt cấp phối cho giao thông nội đồng…

Phá thế độc canh cây lúa

Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng - Huỳnh Văn Khải cho biết, từ một xã chủ yếu độc canh cây lúa, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông - lâm nghiệp. “Bên cạnh các lĩnh vực đang là thế mạnh, chúng tôi còn chú trọng đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, coi đây là hướng đi lên cơ bản tạo ra sức bật cho nền kinh tế và cải thiện chất lượng đời sống của nhân dân. Cạnh đó, địa phương quyết tâm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với thị trường và công nghệ chế biến. Đồng thời đầu tư có chiều sâu vào kinh tế trang trại và kinh tế vườn, xây dựng cánh đồng mẫu cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm” - ông Khải chia sẻ.

Nhiều cán bộ lão thành chia sẻ, Đại Đồng đổi thay toàn diện như hôm nay, không còn hộ phải ở nhà tạm, minh chứng rằng Đảng bộ xã đã năng động, sáng tạo trong lãnh đạo xây dựng quê hương. Ông Huỳnh Văn Khải cho hay, yêu cầu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Đồng trong thời gian tới là phải thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2018 đạt chuẩn xã nông thôn mới (hiện đạt 14/19 tiêu chí); đến năm 2020 cơ bản trở thành xã công nghiệp. Đây là những cột mốc để cả hệ thống chính trị ở địa phương quyết tâm chinh phục, đồng thời cũng là mệnh lệnh từ cuộc sống.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ