Ngôi trường ươm những ước mơ

DƯƠNG THẾ HY 16/11/2016 09:00

Đó là ngôi nhà thân thương của rất nhiều  người con Tiên Phước, được thành lập năm 1977, ngôi trường mang tên nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Trải qua những thăng trầm thời gian trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vẫn luôn là nơi gắn với những kỷ niệm đẹp của thời áo trắng, là nơi đan dệt ước mơ của bao thế hệ học trò.

Con đường đến trường của nhiều học sinh Huỳnh Thúc Kháng giai đoạn sau giải phóng đầy gian nan, nhọc nhằn. Nhiều học trò ở các xã Sơn Cẩm Hà, Lãnh Ngọc Hiệp… phải đùm cơm chở sắn tới Tiên Kỳ xin ở trọ. Ở những vùng lân cận như Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Thọ, nhiều anh chị phải đi bộ năm, mười cây số, nghe tiếng gà báo thức là dậy í ới gọi nhau đi học. Hành trang đến lớp là những chiếc cặp sách đã sờn, những tập giấy kẻ ngang tự đóng thành vở... Mùa khai giảng, học sinh hớn hở đến thư viện nhận sách. Mỗi lớp chỉ chừng ba, bốn bộ sách mà giấy đã ố vàng, mất bìa, rách gáy, về tự chia nhau để học…

Ở thời chúng tôi, giảng đường đại học là một khung trời rất lạ lẫm và xa vời. Kết thúc 12 năm học, phần đông chúng tôi làm hồ sơ thi đại học chỉ với mục đích… cho biết thi đại học nó như thế nào. Rất ít người dám nghĩ đến chuyện đi học tiếp, một phần vì kinh tế gia đình, một phần vì thiếu thông tin, không biết tốt nghiệp đại học xong sẽ làm việc gì. Vậy nên, dù học tốt, nhưng  nhiều bạn lớp tôi vẫn không thể bước tiếp tới bậc đại học, hoặc rất lúng túng khi chọn ngành, vì đi thi chủ yếu là để trải nghiệm. Còn nhớ Diệu Hiền, cô bạn thích làm phóng viên nhà báo thì lại thi sư phạm, Diễm Thục thích làm cô giáo thì lại thi ngành y. Và tôi, khi nhìn danh sách các ngành đào tạo bách khoa, chọn ngành cơ khí động lực vì nghĩ là học xong sẽ đi sửa ô tô, do thấy người ta chú thích thêm là ô tô, máy kéo (!). Bạn tôi - Văn Tiến (bây giờ là kỹ sư xây dựng) chọn ngành cơ khí chế tạo vì thấy có hàn, gò, rèn trong ngành này… Rất may là khi đó, sau 2 năm học chương trình đại cương, chúng tôi được thêm một kỳ thi chuyển giai đoạn để chọn ngành mình yêu thích.

Những thế hệ học trò sau này của trường có điều kiện hơn về kinh tế, về thông tin nên càng ngày tỷ lệ học sinh tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp phổ thông càng cao. Đồng thời việc định hướng nghề nghiệp cũng tốt hơn, phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh gia đình… Bây giờ, rất nhiều thệ hệ học trò bước ra từ mái trường Huỳnh Thúc Kháng đã thành đạt, đảm nhiệm nhiều chức vị cao ở các cấp, ở nhiều trường đại học trong nước và các lĩnh vực khác. Có lẽ truyền thống vẻ vang của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được thắp lửa từ tinh thần hiếu học của cụ Mính Viên cùng tình yêu mái trường, nghị lực và niềm khát khao chiếm lĩnh tri thức để thay đổi cuộc sống của mỗi con người!

DƯƠNG THẾ HY

DƯƠNG THẾ HY