Lãnh đạo tỉnh đối thoại với cán bộ nữ: Hỏi thẳng, trả lời ngay
Lần đầu tiên, một cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ nữ đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở (tổ chức vào hôm qua, 15.11). Các chị đã không ngại ngần tỏ bày tâm sự của phụ nữ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Quang cảnh buổi đối thoại. |
Tâm tư của chị em
Mở đầu buổi đối thoại, chị Võ Thị Hồng Hải - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Sơn đã khơi mào không khí thẳng thắn đúng chất của buổi đối thoại. Chị Hải bày tỏ: “Nói đến công tác cán bộ nữ, chúng ta cần phải xem lại đã thực hiện đạt như lời nói hay không. Như trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp vừa qua, tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ thấp quá. Chỗ nào có cơ cấu chị em nữ vào thì đặt trong sự chênh lệch, người nam đi cùng ở trên trời, người nữ ở dưới đất thì làm sao mà bầu cho nữ được. Cơ cấu như thế thì tội cho chị em phụ nữ quá, đưa họ vào cứ như để lót đường cho người khác đi. Tôi đi bầu cử mà buồn lắm, cầm lá phiếu trên tay mà không bỏ cho chị em phụ nữ được”. Đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội thì chị Hải khá bức xúc, cho rằng trong tỉnh có bao nhiêu chị xứng đáng mà không có được một chị nữ nào trúng cử, chỉ đưa vào có một người rồi cũng rớt mất. Chị nói: “Tôi dám nói thẳng thế này bởi tôi cần nói thật lòng mình, nói không chỉ cho tôi mà nói cho tất cả chị em phụ nữ”. Chị Hải nói đến đây, toàn thể chị em phụ nữ trong hội trường vỗ tay động viên cho chị để tiếp thêm sự tự tin. Đối với việc phòng chống bạo lực gia đình, chị Hải cho rằng ở trên cứ kêu phụ nữ đi phòng với chống, phụ nữ đi tuyên truyền cho phụ nữ, tại sao không tuyên truyền cho nam giới, để nam giới nói không với bạo lực gia đình? Nhiều chị em khác cho rằng phụ nữ đang bị bạo lực ở nhiều phương diện, bạo lực thân thể, tinh thần, kinh tế và tình dục. Như chị em đang ngồi ở buổi đối thoại đây, nhiều người đang trông cho hết giờ để về đi chợ nấu cơm cho gia đình, gánh nặng lo cho gia đình cứ gắn vào chị em, mà nam giới không chia sẻ thì chị em cũng phải lo chứ đâu thể bỏ bê con cái.
Chị Võ Thị Hồng Hải mở màn cuộc đối thoại rất thẳng thắn. Ảnh: LÊ DIỄM |
Chị Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho rằng trước đây có nữ là phó chủ tịch UBND tỉnh, nhưng sau này không thấy xuất hiện nữ nữa. Điều này có phải do định kiến giới vẫn còn tồn tại ngay trong chính hàng ngũ lãnh đạo tỉnh? Nam giới cần có sự sẻ chia với phụ nữ trong công việc gia đình, để chị em có cơ hội cống hiến, phấn đấu làm tròn cả công việc gia đình và xã hội. Nhiều chị em khác bày tỏ mối quan tâm của chị em là hiện nay trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ có một chị là nữ, như thế là quá ít. Chỉ có một người nữ thì tiếng nói đại diện cho chị em sẽ yếu, không thể nào bảo vệ hết quyền lợi cho chị em được, nhất là trong những kiến nghị, đề xuất về công tác cán bộ nữ.
Chị Đinh Thị Thúy Hồng - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đông Giang nói: “Trong Nghị quyết 04, yêu cầu đối cán bộ nữ về độ tuổi, trình độ đòi hỏi hệ chính quy, khiến chị em miền núi khó khăn. Bởi chị em miền núi khó có cơ hội học tập đầy đủ như ở đồng bằng. Lãnh đạo tỉnh cần có chính sách cho chị em học tập nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề việc làm thì chị em miền núi gặp khó khăn. Còn việc nuôi dạy trẻ, khi các dự án rút đi rồi thì các điều kiện để nuôi dạy trẻ không có khiến chị em ở miền núi vừa đi giữ trẻ, vừa làm việc kiếm thêm thu nhập”. Chị Trần Thị Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) cho rằng việc bố trí công việc chưa sâu sát với phụ nữ miền núi. “Như bản thân tôi được bố trí ứng cử viên HĐND, khi bầu cử đứng với đồng chí phó chủ tịch thường trực UBND huyện thì khó cho tôi quá. Bản thân tôi cũng thấy khó chứ nói chi người cầm phiếu bầu, nhìn là biết họ bầu cho ai rồi. Rồi phụ nữ nuôi con nhỏ hoặc thai sản được nghỉ 1 tiếng làm việc trong ngày, nhưng thực tế thì có mấy chị em được nghỉ như thế, mà vẫn phải làm hết sức. Giao việc mà chị em làm không xong là không yên tâm ngủ nghỉ đâu, các anh có thể ngủ nhưng các chị không xong là không yên tâm” - chị Sáu nói.
Chị Đinh Thị Thúy Hồng kiến nghị cần quan tâm đến cán bộ nữ miền núi.Ảnh: D.L |
Trả lời ngay
Với những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ nữ, ông Lê Văn Dũng - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng đối với cán bộ cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định cho đi đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Đối với cấp huyện thì bổ nhiệm trưởng phó phòng sinh sau năm 1975 có trình độ không chính quy vẫn được bổ nhiệm nếu hội đủ yêu cầu do ban thường vụ huyện ủy quyết định, tùy thuộc vào năng lực thực tiễn, uy tín trong thực hiện công việc. Cấp tỉnh thì Tỉnh ủy sẽ xem xét. Ông Dũng nói: “Tôi thấy rất mừng vì chị em đi đông và đã nói lên suy nghĩ của bản thân. Nói thẳng thì được lắng nghe chứ các chị em không lo mất chức mất việc gì đâu. Phải khẳng định tâm lý bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách giữa nam và nữ, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Cái được của tỉnh là cơ cấu cấp ủy, HĐND các cấp đã có nhiều tiến bộ, tỷ lệ cán bộ nữ ngày càng tăng lên. Trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không có nữ là điều đáng tiếc. Đối với Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ có trách nhiệm rà soát lại từng cơ quan, đơn vị, yêu cầu các cơ quan, đơn vị quan tâm đến cán bộ nữ nhiều hơn, tạo thuận lợi cho chị em công tác, cống hiến, thăng tiến”. Ông Dũng cho rằng hiện nay lãnh đạo ở các địa phương, sở ngành tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo còn thấp. Đối với quy hoạch cán bộ thì Ban Tổ chức đã yêu cầu các địa phương, sở, ngành phải đảm bảo tỷ lệ, khi kiểm tra không đảm bảo phải thực hiện quy hoạch cán bộ lại. Việc bố trí, đề bạt, bổ nhiệm có vai trò quan trọng, liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống. Khi quy hoạch, luân chuyển thì phải ưu tiên cho cán bộ nữ, các đơn vị, địa phương phải lo công tác này ngay từ đầu nhiệm kỳ. Biện pháp hết sức quan trọng là phải tuyên truyền, tác động chuyển biến nhận thức này ở từng cơ quan, đơn vị. Ông Dũng nói thêm: “Phải nói thẳng trong nội bộ chị em, ở nơi này nơi kia vẫn còn xuất hiện tư tưởng không muốn phấn đấu vươn lên, còn ích kỷ, không muốn ai hơn mình, còn tư tưởng níu kéo nhau, thấy chị em hơn mình muốn kéo lại, tôi khẳng định có vấn đề này trong nội bộ chị em. Vì vậy trong chị em cũng cần nhận thức lại, cùng nhau phấn đấu, giúp nhau trong công việc”.
Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh vừa trả lời và cũng nói lên tâm tư của chị em. Bà Lộc cho biết: “Đối với cán bộ nữ, chính tôi đã đề xuất đơn vị nào có 2 lãnh đạo cấp phó thì phải có một nữ, nhưng các anh cứ nói khó. Nghị quyết thì rất nhiều, nhưng trong thực tiễn khó thực hiện. Kiến nghị, đề xuất trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm phải có cán bộ nữ, so với Nghị quyết 04 thì có nhiều bất bình đẳng ngay trong yêu cầu đối với tiêu chuẩn, lấy đâu ra cán bộ nữ. Muốn cán bộ nữ có thực tiễn thì lãnh đạo phải thực hiện luân chuyển, điều động đi cơ sở để có kiến thức thực tiễn mà đề bạt, bổ nhiệm. Vấn đề này tôi đề xuất rất nhiều rồi, mong lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư của chị em mà có những đề bạt, bổ nhiệm phù hợp”.
Đối với vấn đề lao động, việc làm cho chị em phụ nữ, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư vào miền núi, đào tạo nghề cho lao động miền núi, nhất là mới đây có cơ chế đào tạo nghề ngành may với rất nhiều ưu ái. Nhưng thực tế lao động miền núi còn khó khăn trong tiếp cận việc làm, đào tạo nghề. Cơ chế ưu đãi nhiều cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng người lao động vẫn chưa thích đi học nghề, rồi không chịu đi xa nhà để làm việc nên học xong khó giải quyết việc làm tại chỗ. Trong khi đó doanh nghiệp chưa lên miền núi nhiều. Tôi khẳng định cơ chế dành rất nhiều ưu ái cho lao động miền núi, trong đó có nữ giới. Các địa phương cần vào cuộc tuyên truyền nhiều hơn để lao động miền núi nhận thức được tầm quan trọng của học nghề, làm việc mà cố gắng”.
LÊ DIỄM