Dễ thương với bum bê

KHÁNH THI 15/11/2016 16:22

(QNO) - Tóc bum bê từng là lựa chọn trung thành của các bé gái, của mấy nàng thiếu nữ. Không cầu kỳ, chỉ cần tóc được cắt ngắn, mái ngang, đuôi tóc ôm sát cổ, thì gọi là bum bê. Trẻ con bây giơ vẫn lí lắc với bum bê, nhưng mấy nàng thiếu nữ lại thích những biến tấu mới mẻ, vì thế bum bê đã ít nhiều nhạt nhòa…

Thập niên 80, nhà nào có đông chị em gái, đều có “thợ” hớt tóc trong nhà. Một phần tóc bum bê đơn giản, dễ cắt. Một phần thời buổi khó khăn, chị em một nhà cắt tóc cho nhau để đỡ tốn tiền cha mẹ. Nếu chẳng may cắt tóc bị hư, thì đành chấp nhận kiểu “xấu đầu mấy chốc”. Vì thế, từ thành thị tới nông thôn, đâu đâu cũng có bum bê. Bum bê lí lắc, dễ thương từng in đậm trong ký ức nhiều người.

Nhắc “thợ” cắt tóc, lại nhớ gia đình tôi từng cũng có người “thợ”, là chị tôi. Chị vốn tay ngang, nhưng cắt rất khéo, có lẽ vì ba cô em gái từng là “con chốt thí” để chị thực hành. Cũng vì thực hành một kiểu tóc duy nhất, nên tay nghề chị ngày càng cải thiện. Mỗi khi tóc chớm dài, chúng tôi được chị gọi ra trước hiên nhà để cắt tóc. Mái hiên được xem là “tiệm”. Cả “thợ” và “khách” đều đứng. Người thấp hơn thì đứng ở bậc tam cấp cao để “thợ” dễ cắt. Dụng cụ hành nghề đơn giản chỉ là chiếc kéo và lược. Chị dùng kéo cắt thật phẳng mái tóc trước, tóc sau thì cắt tròn, ôm sát cổ, thỉnh thoảng dùng lược để chải xem tóc có bị lệch hay không. Tôi vẫn còn nhớ đôi mắt láo liên của chị, cứ đảo qua đảo lại xem tóc đã cân phân chưa. Đúng là thợ nghiệp dư có khác! Lần nào cũng vậy, chưa tròn 10 phút, chúng tôi đã có một kiểu tóc bum bê xinh xắn. Mái tóc ngày thơ của mấy chị em tôi hình như đều qua tay "người thợ" ấy. Sau cắt tóc, chúng tôi như những con búp bê di động, lại được mặc “đồng phục” bằng các loại vải tám, vải phin theo chế độ tem phiếu, tuy có phần đơn điệu nhưng lại thật ấn tượng. Ba mẹ tôi rất thích nhìn chúng tôi ăn vận và tóc tai giống nhau như thế. Ba tôi bảo, thế mới “đoàn kết”. Sau này lớn khôn tôi hiểu, hai từ “đoàn kết” ấy vừa là lời động viên chúng tôi gắn bó, yêu thương nhau, vừa an ủi cho cuộc sống còn nhiều vất vả của gia đình.

Tôi có hai con gái. Tôi vẫn chọn tóc bum bê cho con, giống như ngày thơ tôi trung thành với bum bê vậy. Với tôi, bum bê luôn mang lại sự hồn nhiên, trong trẻo. Gương mặt trẻ con “giấu” trong mái tóc bum bê, bao giờ cũng long lanh, đáng yêu, mới nhìn đã muốn… cắn. Trẻ con cũng có nhiều kiểu tóc đáng yêu, như tóc ngang, tóc tém, hay tóc dài…, các cô nàng thiếu nữ thì càng nhiều kiểu để lựa chọn, nhưng mỗi khi tưởng tượng ai đó sở hữu mái tóc bum bê, tôi lại dậy lên niềm vui khó tả, bao kỷ niệm ngày thơ được dịp thổn thức.

Bum bê vẫn hòa mình vào xu hướng làm đẹp, và đã được biến tấu để theo kịp xu hướng thời trang. Thỉnh thoảng bum bê “rin” xuất hiện giữa phố, giữa làng, là lựa chọn của không chỉ trẻ con hay mấy nàng thiếu nữ, mà cả những phụ nữ đã có gia đình. Phải công nhận rằng, chọn bum bê là một lựa chọn khôn ngoan của phụ nữ lớn tuổi. Tôi thấy họ trẻ lại. Nhiều người bạn tôi tròm trèm 40 mà vẫn trung thành với bum bê, vì xưa nay “mặc định” khuôn mặt họ chỉ có thể hợp với bum bê. Tôi thì không nghĩ vậy. Có lẽ họ quá yêu bum bê. Có thể bum bê là một phần kí ức, khó dứt bỏ, khó đổi thay.

KHÁNH THI

KHÁNH THI