Du ngoạn Hải Nam - Bài 1: Điểm đến mới lạ

Bài cuối: Hải Nam làm du lịch 15/11/2016 16:05

(QNO) - Một đường bay thẳng từ Đà Nẵng đến đảo Hải Nam (Trung Quốc) với thời gian bay khoảng 1 giờ đồng hồ vừa được khai trương, mở ra cơ hội để người dân và du khách miền Trung khám phá vùng đất này.

Là một đảo lớn thứ hai của Trung Quốc và được Chính phủ đầu tư khá mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên Hải Nam hiện lên trong mắt du khách là sự đối lập rất lớn giữa thành thị và nông thôn.

Thành phố Tam Á (Hải Nam) nhìn từ Lộc Hồi Đầu
Thành phố Tam Á (Hải Nam) nhìn từ Lộc Hồi Đầu. Ảnh: V.L

Thành phố sinh thái

Đảo Hải Nam có diện tích khoảng 35.000km2, gồm 3 thành phố là Hải Khẩu, Tam Á và Quỳnh Hải với 19 huyện, dân số khoảng 8 triệu người, chủ yếu là người Hán, người Miêu và dân tộc Lê. Không giống như những đô thị lớn của Trung Quốc, tỉnh Hải Nam đất đai còn hoang vu rất nhiều. Trên tuyến đường cao tốc từ Hải Khẩu về Tam Á gần 400km, dọc 2 bên đường xen lẫn đồng lúa là những khu vườn trồng cau, dừa hoặc rừng tạp.

Giống như một số tỉnh miền Trung Việt Nam, khí hậu Hải Nam tương đối dễ chịu với nhiệt độ mùa này dao động từ 24 - 28 độ. Hôm chúng tôi đến, trời mù xám, mưa rải rác chẳng khác gì thời tiết quê nhà. Với khí hậu nhiệt đới như vậy nên Hải Nam trở thành điểm đến lý tưởng của du khách, nhất là khách Trung Quốc từ phương Bắc tới tránh đông với số lượng mỗi năm lên đến hàng triệu lượt, riêng năm 2015 khoảng 5 triệu lượt khách đã đến tham quan, lưu trú tại đảo. Đặc biệt, Hải Nam còn được biết đến với các mỹ danh như thành phố của môi trường, sức khỏe hay thành phố của các cuộc thi sắc đẹp. Theo lời hướng dẫn viên người Hải Nam tên Mạc Chí Minh, trung bình mỗi ngày nơi đây có một cuộc thi sắc đẹp cấp địa phương được tổ chức, từ thi người có khuôn mặt đẹp, hình thể đẹp, sống mũi đẹp đến thi mông đẹp, tay đẹp, chân đẹp… Riêng các cuộc thi hoa hậu cấp thế giới từ năm 2003 đến nay Hải Nam đã tổ chức 6 lần, bình quân khoảng 2 năm một lần.

Ngoài các tuyến đường rộng rãi được xây dựng chắc chắn (nhựa dày 25cm, đảm bảo cho máy bay trực thăng hạ cánh và xe tăng chạy được) thì ấn tượng của khách khi đến các thành phố ở Hải Nam là những khu nhà cao tầng nằm san sát. Dường như kiến trúc nhà ở nơi đây chỉ có 2 kiểu gồm các khu chung cư hình khối cao tầng và những ngôi nhà cũ kỹ, ít tòa nhà có kiến trúc đẹp, nhà bỏ hoang cũng rất nhiều. Thống kê cho thấy, tại Hải Nam khoảng 50% dân sống trong các tòa nhà chung cư nhằm lấy đất để quy hoạch các công trình khác.

Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng Tam Á trở thành “Thành phố bọt biển” đảm bảo không bị đọng nước khi có mưa to nên hạ tầng đường sá khá thoáng rộng với mật độ cây xanh cao (20%), thậm chí có tuyến đường mật độ cây xanh trồng trên các làn phân cách chiếm 50% diện tích đường. Hai loại cây chủ yếu được trồng trên các tuyến phố là dừa (tượng trưng cho đàn ông) và cây si (tượng trưng cho phụ nữ). Đặc biệt, hướng đến mục tiêu xây dựng đảo sinh thái, có môi trường trong lành nên hầu hết phương tiện lưu thông tại các thành phố của Hải Nam chỉ gồm 2 loại xe là ô tô và xe máy điện (xe đạp điện), rất hiếm bắt gặp xe máy chạy xăng. Tuy nhiên, số ô tô chạy bằng xăng dầu cũng đang dần được thay thế, dự kiến đến năm 2020 chỉ còn xe ô tô chạy bằng ga.

Đường phố ở Hải Nam chỉ có 2 loại phương tiện là ô tô và xe máy điện. Ảnh: V.L
Đường phố ở Hải Nam chỉ có 2 loại phương tiện là ô tô và xe máy điện. Ảnh: V.L

Không dùng tiếng Anh

Trong chuyến famtrip do Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) vừa tổ chức mới đây với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành và báo chí, hầu hết thành viên đoàn đều bất ngờ, lạ lẫm với cuộc sống sinh hoạt nơi đây. Dù trong đoàn đã có nhiều người từng đến Trung Quốc vài lần nhưng với Hải Nam là lần đầu tiên.

Tại thành phố Tam Á, một trung tâm văn hóa, kinh tế của đảo khó có thể tìm được quán cà phê như ở Việt Nam. Hầu hết ngôn ngữ giao tiếp của người dân là tiếng phổ thông Trung Quốc, kể cả bảng hiệu, tên đường, rất ít người biết tiếng Anh, dù là những từ đơn giản nhất, thậm chí nhân viên lễ tân khách sạn cũng chỉ vài người nói được tiếng Anh. Theo lý giải của anh hướng dẫn viên, do Hải Nam có gần 20 dân tộc sinh sống với các ngôn ngữ khác nhau nên việc học được tiếng phổ thông và nói được tiếng phổ thông cũng chính là một “ngoại ngữ” của người dân trên đảo. Một giải thích khác cho rằng, do người Trung Quốc quá đông (khoảng 1,4 tỷ dân) cùng sự bảo thủ và lòng tự tôn dân tộc nên không khuyến khích người dân học tiếng Anh. Dù lý giải thể nào thì với du khách đó là sự bất tiện khi đến đảo này.  

Tuy vậy, sự bất tiện lớn nhất của khách khi du lịch đảo chính là truy cập vào mạng internet. Tại Hải Nam các trang mạng quốc tế như Google, Gmail, Facebook… cũng như một số trang báo điện tử trong nước đều bị ngăn chặn. Muốn sử dụng được gmail hay facebook phải mua thẻ sim 4G của Trung Quốc và nhờ kỹ thuật viên công nghệ phá tường lửa để xâm nhập. Trong 5 ngày ở Hải Nam, tôi không thể truy cập vào xem Báo Quảng Nam, tuy nhiên với những trang khác như Baomoi.com hay Vnexpress thì vẫn vào được, điều này đã gây nhiều bất tiện trong việc gửi bài vở về tòa soạn bằng laptop.

Đội quân chupj ảnh dạo trên bãi Ngọc Đới
Đội quân chụp ảnh dạo trên bãi Ngọc Đới. Ảnh: V.L

Do là một đặc khu nên Hải Nam được Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ. Theo thông tin từ hướng dẫn viên đoàn, hiện trên đảo có 2 sân bay dân sự, 6 sân bay quân sự cùng gần 10 sân bay tư nhân khác, hệ thống giao thông xuyên suốt. Dù thế, trong suốt chuyến hành trình trên đảo hầu hết các thành viên trong đoàn đều có chung cảm nhận Hải Nam là bức tranh đối lập hoàn toàn giữa thành thị và nông thôn. Đó là những vùng quê buồn tẻ, với cánh đồng hoang vu, những ngôi nhà cũ kỹ, tại một số điểm đoàn đến như bãi Ngọc Đới nhìn cảnh cả trăm người dân đua chạy ra chào mời khách chụp ảnh mới thấy sự lộn xộn. Theo giải thích, những người này là dân địa phương được chuyển đổi ngành nghề khi đất trên bãi được thu hồi làm du lịch, họ phải cạnh tranh để kiếm mỗi ngày vài mươi nhân dân tệ (1 nhân dân tệ Trung Quốc đổi được khoảng 3.400 đồng tiền Việt Nam). Tuy nhiên, không phủ nhận, nói đến phát triển du lịch, Hải Nam cũng chính là một trong những nơi để các doanh nghiệp du lịch học hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là trong việc quy hoạch và phát triển sản phẩm dịch vụ điểm đến. Đặc biệt là cách moi tiền từ khách.

VĨNH LỘC

Bài cuối: Hải Nam làm du lịch 

Bài cuối: Hải Nam làm du lịch