Vững bước đi lên
Tiền thân là đơn vị đào tạo các lớp ngắn hạn phục vụ cứu chữa thương bệnh binh, đáp ứng yêu cầu chiến trường, đến nay Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực, kể cả nước bạn Lào.
Quang cảnh Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Vượt khó
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tiền thân là Trường Cán bộ Y tế Quảng Nam và Trường Cán bộ Y tế Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ, được thành lập năm 1961 với nhiệm vụ đào tạo cán bộ y - dược để phục vụ cho chiến trường Quân khu 5, đặc biệt là tỉnh Quảng Đà. Đến năm 1978, trường được nâng cấp thành Trường Trung học Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng; và khi tỉnh Quảng Nam tái lập năm 1997, trường đổi tên thành Trung học Y tế Quảng Nam. Năm 2006, trường được Bộ GD-ĐT quyết định nâng cấp, thành lập Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, đào tạo lại và nâng cấp đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao đẳng và trình độ khác, đảm bảo nguồn nhân lực y tế phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe tại các tuyến y tế của tỉnh cũng như các tỉnh khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hiện nay Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có các ngành đào tạo hệ cao đẳng gồm: điều dưỡng, xét nghiệm, hộ sinh, dược, chẩn đoán hình ảnh; hệ trung cấp có các ngành: dược sĩ, hộ sinh, y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học dự phòng và điều dưỡng nha. Những năm qua, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; đặc biệt năm 2005 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba vào năm 2011; nhà trường cũng đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2015 trường được Bộ Y tế tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm học 2015 - 2016 được UBND tỉnh tặng Cờ dẫn đầu khối thi đua các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh… |
Từ chỗ buổi đầu chỉ đào tạo các lớp ngắn hạn phục vụ cứu chữa thương bệnh binh phục vụ chiến trường, đến nay trường đã đào tạo được gần 30 nghìn cán bộ y tế. Trong đó, có hàng nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) là con em đồng bào dân tộc thiểu số và lưu học sinh Lào. “Sau 10 năm kể từ khi nâng cấp thành trường cao đẳng, nhà trường đã có những bước tiến vượt bậc. Nhất là trong công tác tuyển sinh, nhà trường luôn có những giải pháp chủ động, tích cực để đảm bảo quy mô tuyển sinh của trường được ổn định, chất lượng đầu vào được nâng cao” - ông Nguyễn Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Với định hướng đó, trong 10 năm qua, nhà trường đã tuyển sinh được 11.000 chỉ tiêu, trong đó trình độ cao đẳng có 6.000, trình độ trung cấp 5.000 chỉ tiêu. Trong số đó, có hơn 1.000 HSSV là người dân tộc thiểu số và 100 lưu học sinh Lào. Đến nay, nhà trường đã cấp bằng tốt nghiệp cho 3.200 sinh viên cao đẳng và 5.300 học sinh trung cấp.
Ông Nguyễn Ba cho biết, năm 2006 nhà trường chỉ có 40 cán bộ viên chức, khoảng 500 HSSV với 2 mã ngành đào tạo cao đẳng và 4 mã ngành đào tạo trung cấp. “Lúc đó, cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu thốn đủ bề. Việc dạy và học cũng rất khó khăn khi trang thiết bị giảng dạy, nguồn giáo viên còn ít. Nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ, giảng viên, nhà trường đã vượt khó, từng bước cải thiện tình hình để có được thành tựu như hôm nay”- ông Ba nói. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường có tổng số 178 cán bộ, giảng viên (trình độ sau đại học chiếm 40,8%). Ngoài ra, nhà trường có hơn 100 giảng viên thỉnh giảng thường xuyên được mời về để tham gia giảng dạy và thực hành lâm sàng.
Quy mô đào tạo của trường từng bước được nâng lên, bổ sung nhiều mã ngành đào tạo mới như xét nghiệm, hộ sinh, chẩn đoán hình ảnh… Theo đó, nhà trường thường xuyên mời người có chuyên môn cao thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức cho HSSV. “Cùng với xu thế đổi mới toàn diện trong giáo dục, nhà trường đã và đang từng bước đổi mới về phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chuyên môn. Chương trình đào tạo, giáo trình bài giảng của trường được xây dựng theo quy định của bộ, được chuyển đổi từ hình thức đào tạo niên chế sang hình thức tín chỉ sao cho phù hợp với ngành học, bậc học, tiến tới đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, đảm bảo chất lượng, hiệu quả” - ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nói.
Nâng cao chất lượng dạy và học
“Từ bước khởi đầu khó khăn, đến nay nhà trường đã khẳng định được vai trò của mình trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để làm được điều đó, nhà trường luôn nỗ lực thực hiện cải cách giáo dục phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng chuẩn năng lực đầu ra để đảm bảo khi ra trường HSSV đủ kiến thức làm việc trong lĩnh vực được đào tạo. Chúng tôi luôn gắn liền việc đào tạo với thực tiễn, học đi đôi với hành. Mỗi kỳ thi đều được tổ chức thi trên máy, tránh tình trạng gian lận làm cho chuẩn đầu ra không đảm bảo” - ông Nguyễn Ba chia sẻ. Về câu chuyện dạy và học tại trường, bạn Vũ Thị Kim Cúc (trú huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), sinh viên năm nhất khoa Dược, nói: “Những giờ học trên lớp đều rất thú vị bởi được trực tiếp thực hành trên các mô hình thực tế, cũng nhờ vậy mà mình cũng như các bạn khác hầu hết nắm rõ kiến thức được dạy ngay ở trên lớp. Nhờ các thầy cô luôn nhiệt tình với HSSV, có gì không hiểu, hỏi sẽ được giảng viên giải thích cặn kẽ ngay”.
Những giờ học ở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đều rất thú vị bởi HSSV được trực tiếp thực hành trên các mô hình thực tế. Ảnh: N.D |
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cũng là một trong số ít trường cao đẳng, trung cấp y tế trên toàn quốc thành lập phòng khám đa khoa chất lượng, được sự ghi nhận đánh giá cao của người dân trên địa bàn. Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, đây là nơi vừa để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, giúp các giảng viên có thêm nhiều kiến thức thực tế để áp dụng vào quá trình giảng dạy, cũng là nơi để HSSV có môi trường thực tập ở một số công đoạn như: giao tiếp, tư vấn, thực hiện một số y lệnh mà bác sĩ đưa ra hoặc có thể quan sát kỹ thuật thăm khám của bác sĩ. Tuy mới chỉ hoạt động trong 3 năm trở lại đây nhưng phòng khám đã tạo được uy tín với người bệnh, số lượng bệnh nhân đến đây thăm khám ngày càng tăng.
Trong định hướng phát triển, nhà trường luôn cố gắng để việc đào tạo gắn với việc làm cho HSSV, đảm bảo khi ra trường có việc để làm. Theo ông Nguyễn Vũ Hồng - Trưởng phòng Công tác HSSV, trước khi ra trường, HSSV sẽ được dự những lớp tập huấn kỹ năng như: trả lời phỏng vấn, thuyết trình hay kỹ năng làm việc nhóm… Qua đó, giúp HSSV có được những kiến thức cơ bản khi đi xin việc. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện vai trò là cầu nối với những nơi có tuyển dụng phù hợp ngành nghề trường đào tạo để mở ra cơ hội việc làm cho HSSV ra trường. “Ngay cả khi HSSV đang còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi cũng đã liên hệ với những nơi cần để các em làm việc bán thời gian. Giúp các em vừa có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt học tập, vừa có cơ hội trau dồi thêm kiến thức cũng như kỹ năng làm việc khi ra trường. Nhà trường cũng đang đẩy mạnh việc liên kết và tư vấn lao động nước ngoài cho HSSV có nhu cầu. Hàng năm, có khoảng 5 - 10 em được tham gia khóa đào tạo điều dưỡng để đi Đức hoặc Nhật Bản” - ông Hồng nói thêm.
Với những thay đổi đó, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đang từng bước khẳng định được chỗ đứng của mình trong đào tạo cán bộ y tế cho tỉnh cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhà trường cũng đang xây dựng phương án để từng bước nâng lên thành trường đại học với nhiều mã ngành đào tạo hơn. Mới đây, trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh với nhà trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cũng đã ủng hộ phương án nâng cấp thành trường đại học với những lộ trình cụ thể để báo cáo UBND tỉnh. “Để nâng tầm lên đại học còn là một câu chuyện dài, nhưng trước mắt chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, từng bước đi lên” - ông Nguyễn Ba, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nói.
NGUYỄN DƯƠNG