Xoay xở với rừng - Bài cuối: Đi tìm vị thế cho rừng

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC 15/11/2016 08:43

Để nâng cao hiệu quả và tạo điều kiện phát triển kinh tế rừng, những năm gần đây ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tái cơ cấu sản xuất ngành lâm nghiệp, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cơ chế hỗ trợ đầu tư các mô hình kinh tế rừng.

  • Xoay xở với rừng - Bài 3: "Ăn xổi ở thì"
  • Xoay xở với rừng - Bài 2: Chậm đổi mới
  • Xoay xở với rừng - Bài 1: Nhận tiền, rồi chờ...
Ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh.  TRONG ẢNH: Nhà máy sản xuất, chế biến gỗ của Công ty CP Gỗ Minh Dương - Chu Lai (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai). Ảnh: HỮU PHÚC
Ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. TRONG ẢNH: Nhà máy sản xuất, chế biến gỗ của Công ty CP Gỗ Minh Dương - Chu Lai (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai). Ảnh: HỮU PHÚC

Tái cơ cấu đất rừng

Theo ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), về trước mắt Quảng Nam phải giải quyết những tranh chấp trong quản lý, sử dụng rừng và kịp thời điều chỉnh quy hoạch phân loại chi tiết 3 loại rừng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là tất yếu nhưng phải theo nguyên tắc không ảnh hưởng môi trường; đất chuyển đổi phải phục vụ sản xuất cho người dân, giúp họ đầu tư thâm canh, tăng năng suất, có nguồn thu nhập và quay trở lại bảo vệ rừng. Thường xuyên thực hiện kiểm kê diện tích lấn chiếm, giải quyết các tranh chấp lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp hiện nay và tăng cường trách nhiệm của các “chủ rừng lớn” là ban quản lý rừng phòng hộ. Sau khi có những quy định ban hành của Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương miền núi khẩn trương rà soát, chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt qua rừng sản xuất. Khu vực chuyển đổi diện tích liền kề với rừng sản xuất, nơi thuận lợi để tổ chức canh tác.

Tạo điều kiện phát triển vùng cây nguyên liệu

Từ năm 2015, tỉnh đã xây dựng thí điểm mô hình trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 - 2022 , đang triển khai trồng thí điểm tại huyện Phú Ninh và Đông Giang. Ngoài rừng trồng nguyên liệu gỗ, nhiều đề án được UBND tỉnh phê duyệt như bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu; bảo tồn và phát triển cây quế Trà My; quy hoạch bảo tồn sâm Ngọc Linh; triển khai thí điểm quy hoạch phát triển mây, tre, keo bền vững. Hiện nay, một doanh nghiệp có nhà máy chế biến gỗ đã thuê đất tại các huyện Hiệp Đức, Phú Ninh tập trung hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn. Còn Ngân hàng Thế giới cùng Tổng cục Lâm nghiệp giúp các địa phương miền núi áp dụng tài chính ưu đãi cho các mô hình sản xuất lâm nghiệp, giúp người dân vay vốn ngân hàng để trồng rừng gỗ lớn và nâng cao sinh kế nông thôn.

Theo PGS-TS. Trần Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp Việt Nam), tái cơ cấu ngành lâm nghiệp phải giải quyết đồng bộ theo chuỗi giá trị sản xuất nghề rừng và lâm nghiệp từ các khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông).

Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020 sẽ điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 729.756ha. Trong đó, rừng đặc dụng có diện tích 139.895,8ha (so với Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 9.8.2013 của UBND tỉnh tăng 6.348ha); rừng phòng hộ có diện tích 315.704,7ha (giảm 11.936,4ha); rừng sản xuất có diện tích 274.156,3ha (tăng 15.423ha). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giải thích, sở dĩ diện tích rừng sản xuất tăng nhiều là vùng tây đã rà soát chuyển loại rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Chính quyền các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My đề xuất, Trung ương và tỉnh cần dùng ngân sách để cắm mốc thực địa rừng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Những diện tích rừng nghèo kiệt đã quy hoạch chức năng phòng hộ phải điều chỉnh sang rừng sản xuất, bàn giao cho địa phương cấp cho những hộ dân đang thiếu đất canh tác. Giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn rừng để trồng cây trái phép, tranh chấp đất dai dẳng.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị, cần triển khai nhanh công tác giao đất giao rừng đến các thành phần kinh tế, hộ gia đình. Nhà nước chỉ quản lý những khu rừng đặc dụng và phòng hộ. Các địa phương thực hiện rà soát quỹ đất chưa sử dụng và đất rừng kém hiệu quả để giao đất,  thuê đất cho nhóm hộ, hộ gia đình có nhu cầu. Trong đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, 4 nhiệm vụ trọng tâm phải giải quyết rốt ráo là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, định hướng 30% diện tích rừng sản xuất hiện nay sẽ chuyển sang kinh doanh gỗ lớn hoặc 30% sản phẩm rừng đủ điều kiện cung ứng nguyên liệu sản phẩm gỗ lớn (khoảng 30.000ha). Chính quyền sẽ tuyên truyền, vận động người dân chọn lọc những cây gỗ lớn trên diện tích rừng trồng của mình để giữ lại phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Để hạn chế tình trạng “bán rừng non”, tỉnh chủ trương tạm ngừng việc cấp giấy phép đầu tư kinh doanh cho chế biến dăm gỗ, tập trung khuyến khích chế biến các sản phẩm đạt giá trị cao và có ưu thế cạnh tranh xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ lớn đầu tư trồng, hoặc liên kết với người dân phát triển cánh rừng gỗ lớn.

Thời gian đến, chính quyền các huyện miền núi sẽ giải quyết dứt điểm các tranh chấp về đất rừng. TRONG  ẢNH: Vào mùa trồng keo ở xã Tam Trà (Núi Thành).
Thời gian đến, chính quyền các huyện miền núi sẽ giải quyết dứt điểm các tranh chấp về đất rừng. TRONG ẢNH: Vào mùa trồng keo ở xã Tam Trà (Núi Thành).

Thời gian qua có nhiều cơ sở ăn nên làm ra từ việc chế biến sản phẩm lâm nghiệp, kể đến như nhà máy ván ghép và sản phẩm trang trí nội thất tại Cụm công nghiệp Tây An (Duy Xuyên); nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất công suất 500m3/năm của Công ty CP Cẩm Hà (TP.Hội An); nhà máy sản xuất đồ gỗ, mây tre xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Ái Nghĩa 1 (Đại Lộc); nhà máy sản xuất ván ép và đồ mộc tại huyện Phước Sơn... Thế mạnh của sản phẩm gỗ là ít chịu tác động tiêu cực từ việc hội nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do gỗ vừa khan hiếm vừa có tính đặc chủng. Xét ở thị trường xuất khẩu, Quảng Nam có lợi thế về vận chuyển đường biển lẫn đường bộ. Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, sắp đến, khuynh hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn sẽ rất rõ. Mạnh dạn thay đổi tư duy trồng rừng, phấn đấu nâng cao năng suất các loại keo 50 - 60m3/ha lên tối đa 150m3/ha, bằng việc sử dụng giống chất lượng và can thiệp của khoa học kỹ thuật. Hiện nay, UBND tỉnh hợp tác với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nghiên cứu khoa học, đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng, cho năng suất cao triển khai trồng đại trà. Các địa phương trong tỉnh thí điểm giống cây keo nhập từ Úc, với diện tích canh tác 310ha. Dưới tán rừng tự nhiên, cao su tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Hiệp Đức... đang trồng nhiều loại cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao.

Về giải pháp nhân rộng rừng gỗ lớn, ngành nông nghiệp kiến nghị, đối với hộ gia đình, nhóm hộ, chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để tạo động lực phát triển rừng, ban hành chính sách khuyến khích trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trồng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng. Thêm vào đó, liên kết tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn bằng cách nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất cùng với doanh nghiệp. “Mục tiêu là sớm điều chỉnh cơ cấu, cải thiện giống cây trồng theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay.

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC