Nhà mạng cảnh báo các cuộc gọi "ngầm" từ "đầu số ma" móc túi khách hàng

Theo Báo Đầu Tư 14/11/2016 10:56

Các nhà mạng vừa cảnh báo về các cuộc gọi “ngầm” phát sinh ngoài ý muốn đến các số điện thoại quốc tế “lạ”, dẫn đến khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, còn nhà mạng phải trả chi phí định tuyến cho đối tác quốc tế.

Hai kịch bản lừa tiền

Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn và mạng xã hội xuất hiện những phản ánh về việc các thuê bao di động tại Việt Nam đã phát sinh cước cuộc gọi quốc tế đến các đầu số nước ngoài lạ, như +224xxx, +252xxx, +232xxx, +231xxx… Kiểm tra trên hệ thống tính cước của các nhà mạng Việt Nam và của các nhà mạng nước ngoài, đều ghi nhận thuê bao của khách hàng có phát sinh cước gọi quốc tế.

Trung tâm Viễn thông quốc tế MobiFone đã nhanh chóng xác định đây là các “kịch bản lừa đảo” mà các đối tượng gian lận cước viễn thông quốc tế thường sử dụng. Theo đó, “kịch bản 1” được xác định là đối tượng gian lận sử dụng thuê bao nước ngoài để “nháy máy” cho hàng loạt thuê bao Việt Nam. Theo thói quen khi có cuộc gọi nhỡ, nhiều khách hàng tại Việt Nam sẽ thử gọi lại cho những số điện thoại này. Khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe được những file âm thanh được cài đặt sẵn từ quốc tế, nên phát sinh cước gọi điện thoại quốc tế. Đối với trường hợp này, khách hàng cần cân nhắc trước khi gọi lại cho các số thuê bao lạ để tránh phát sinh cước quốc tế ngoài ý muốn.

Còn theo “kịch bản 2”, một số thuê bao phản ánh bị phát sinh các cuộc gọi quốc tế bất thường. Đặc điểm chung là các cuộc gọi đều cùng gọi đến các số của quốc gia Guinea, cụ thể là 6 số điện thoại sau: 0022455015533, 0022455015542, 0022455015403, 0022455015521, 0022470370223 và 0022455015431. Thời lượng trung bình cho mỗi cuộc gọi chỉ khoảng 1-2 phút. Thông tin trên thiết bị của khách hàng cho thấy, trong số các thuê bao đã phát sinh cước gọi quốc tế bất thường, có một số dòng máy mang thương hiệu lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Nhiều khả năng những chiếc điện thoại này đã bị cài mã độc để tự động thực hiện cuộc gọi đến các đầu số quốc tế, một thủ đoạn tinh vi của những đối tượng lừa đảo cước quốc tế”, ông Trần Minh Cương, Phó giám đốc Trung tâm Viễn thông quốc tế MobiFone cho biết.

Hiện tượng lừa đảo trên không chỉ xảy ra đối với Việt Nam, mà cả người sử dụng từ nhà mạng quốc tế lớn như SingTel (Singapore), AT&T và Vodafone (Mỹ)... Thực ra, đây cũng không phải là chiêu thức mới lạ, nhưng đã có một số biến đổi tinh vi hơn. Cách đây vài năm, đã có những hacker sử dụng các đầu số vệ tinh +881, +882... để tạo cuộc gọi nhỡ, móc tiền của các thuê bao. Những số thuê bao trên là số thuê bao “ảo”, không thuộc sự quản lý của quốc gia nào, nên việc truy hoàn cước cho khách hàng không thể thực hiện.

Phòng chống bị “móc túi” như thế nào?

Trước hiện trạng trên, MobiFone cho biết, nhà mạng đã chủ động bảo vệ khách hàng bằng cách chặn toàn bộ các cuộc gọi đến tất cả thuê bao quốc tế “đầu số ma”. Đây là biện pháp hiệu quả để các thuê bao MobiFone không bị phát sinh cước ngoài ý muốn, ngăn chặn hành vi gian lận bất hợp pháp, trong khi các cuộc gọi quốc tế đến các số thuê bao nước ngoài khác vẫn đảm bảo thông suốt, an toàn và ổn định.

MobiFone cũng khuyến nghị, các đối tượng gian lận có thể sẽ thay đổi các số điện thoại này trong thời gian tới để “lách” và tiếp tục “đánh bẫy” người sử dụng. “Khi gặp phải các trường hợp gian lận cước như trên, khách hàng cần thông báo ngay đến các số điện thoại chăm sóc khách hàng của MobiFone (tổng đài 9090), cung cấp chính xác thông tin về số điện thoại quốc tế gian lận, thiết bị đang sử dụng của khách hàng và phối hợp chặt chẽ với MobiFone để giải quyết kịp thời”, ông Trần Minh Cương nói.

Các chuyên gia viễn thông cũng khuyến cáo, khách hàng nên tránh sử dụng các điện thoại, đặc biệt là smartphone không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị cài các ứng dụng ngầm có thể tự thực hiện cuộc gọi hay gửi SMS mà khách hàng không thể kiểm soát. Đồng thời, không nên tải và cài đặt các ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc vì các đối tượng gian lận cũng có thể ngầm cài mã độc vào bên trong ứng dụng để tự thực hiện cuộc gọi hay gửi SMS mà khách hàng không thể kiểm soát. Khi bị “nháy máy”, khách hàng không nên gọi lại vào các số quốc tế lạ để tránh phát sinh cước.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết, hiện nay, việc sử dụng smartphone đã trở nên rất phổ biến. Vì vậy, người dùng có thể cài thêm một phần mềm an ninh thường trực trên điện thoại để không chỉ chống virus, mà còn ngăn chặn các tin nhắn rác và cuộc gọi lừa đảo.

Theo Báo Đầu Tư

Theo Báo Đầu Tư