Những cuộc cưỡng hôn
Sống chung với… bệnh tật
Anh bạn tôi lâu nay vốn khỏe mạnh, rất ít khi nào phải tới “thăm” bệnh viện. Một dạo thấy mặt mày cứ ngứa ngáy như kiến bò, anh miễn cưỡng đi khám và được chỉ định thử máu. Với chỉ số đường huyết là 8.5, bác sĩ thông báo anh bị đái tháo đường týp 2. Lâu nay loáng thoáng nghe kể về những biến chứng khủng khiếp của căn bệnh này, anh thực sự bị sốc. “Có chết sớm không bác sĩ?”- “Kiêng cữ, uống thuốc đều thì không sao” - “Thuốc này uống đến bao lâu thì khỏi?” - “Không bao giờ khỏi. Thuốc chỉ có tác dụng ổn định đường huyết thôi” - “Phải dùng thuốc suốt đời sao bác sĩ?” – “Đúng! Ngoài ra còn phải tập thể dục, thay đổi cách ăn uống nữa. Xem như từ nay anh phải chung sống với bệnh tiểu đường”. Thế là anh bạn tôi đã phải “gia nhập” cộng đồng những người bị đái tháo đường theo mệnh lệnh của bác sĩ. Và đúng là cuộc sống của anh cũng không sao, ngoài việc phải bổ sung thêm một vài “chuyện thường ngày” là ăn uống kiêng khem, dùng thuốc đúng bữa. Anh tự an ủi rằng đâu chỉ có bệnh tiểu đường, xưa nay con người đã từng “làm bạn” với biết bao loại bệnh tật bẩm sinh hoặc kinh niên mãn tính khác. Từ những khuyết tật về tai mắt mũi họng, tứ chi, cho đến những căn bệnh tuy không hiểm nghèo nhưng chưa có thuốc điều trị như thấp khớp, cao huyết áp, parkinson, alzheimer… Chưa kể, căn bệnh thần kinh – theo giới chuyên môn – là ai cũng có những bất ổn về thần kinh, có điều nặng hay nhẹ, có bộc phát hay không. Người ta vẫn sống đến… hết đời đó thôi!
Ngoài bệnh tật, còn những hiểm họa thiên tai không có cách nào chế ngự được nên con người đành phải chung sống với chúng. Đồng bào ta ở đồng bằng sông Cửu Long xưa nay đã tìm được cách sống chung với lũ, trong tương lai sẽ là hạn mặn. Dân Philippines ở đảo Luzon chạy bão đã thành… tập quán. Người Nhật sống trên những hòn đảo thường xuyên… rung rinh vì động đất, riết rồi cũng thành quen. Thực ra, lịch sử tiến hóa của loài người trước tiên là quá trình thích ứng với những tai họa từ thiên nhiên. “Chạy trời không khỏi nắng” nên đành phải đương đầu mà chịu nắng, hoặc “Trời mưa thì mặc trời mưa, nhưng mà mưa quá thì ta… ướt nhèm!”.
“Hôn phối” cùng… loạn giao thông
Nhưng những thứ bệnh tật, thiên tai nói trên đều là những tác nhân khách quan có tính quy luật. Đời người ai cũng phải trải qua “sinh lão bệnh tử”, còn “gió mưa là chuyện của trời”. Cho nên dù loài người đã tiến đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư thì vẫn phải chấp nhận tổn thương ở một mức độ nào đó từ những tác nhân này. Không ai có thể suốt ngày ngồi nguyền rủa căn bệnh thấp khớp vì bị nó hành hạ hay bắt một cơn bão… đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, ngày nay lại có những tai họa do chính con người gây nên rồi buộc cả cộng đồng phải gồng mình chịu trận. Kể ra thì cả ngày không hết chuyện. Nào là môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, nào là hàng giả hàng nhái hàng “treo đầu dê bán thịt chó”, kể cả những thứ “thiên tai, khách quan” kể ở trên giờ cũng có phần do “nhân tai, chủ quan” như “lũ thủy điện, bệnh người giàu…”. Chỉ điểm qua vài cuộc “cưỡng hôn trên diện rộng” để thấy được khả năng thích nghi của người Việt trong cuộc sống đương đại thế nào.
Chen lấn, để xe tràn xuống lòng đường - hình ảnh thường thấy ở nhiều trường Tiểu học khi phụ huynh đón con tan trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có lẽ thứ đầu tiên mà một người nước ngoài sẽ ngạc nhiên và thán phục, là cách chúng ta tham gia giao thông. Họ sẽ tự hỏi làm thế nào mà người Việt có thể di chuyển trên đường trong tình trạng mạnh ai nấy chạy như hiện nay. Đèn xanh rồi ư? Coi chừng! Bên đèn đỏ vẫn có mấy cậu choai choai đầu trần tóc dựng ngược đang rú ga phóng qua cho… “kịp giờ”, đôi khi có cả xe tải, xe khách. Trong tình huống này, ta sẽ nhẩm lại bài hát “Chuyện ba người” cho an toàn: “Thôi ta đứng lại nhường đường em qua”. Đi dạo phố ư? Đành phải xuống lòng đường chen vai cùng… xe các loại, bởi hè phố đã biến thành các quán cóc hoặc chỗ đậu xe hết rồi. Có muốn qua đường không? Lối dành cho người đi bộ đang bị xe cơ giới choán chỗ, thôi ta chịu phiền đi ngược lại phía sau rồi một hai ba… chạy qua cho thật nhanh. Còn trên đường một chiều, nếu lỡ gặp một “hung thần” xe tải ngược ngạo lừng lững lao thẳng tới như muốn đè nghiến mình thì đừng có dại mà “cương” với nó, cứ nép sát vào giải phân cách mà chờ…
Vậy đó, người Việt chúng ta vẫn đi lại bình thường có sao đâu! Còn chuyện tổn thất mỗi năm trên dưới một vạn nhân mạng thì chắc chỉ ô hô ai tai rồi kiểm điểm phê bình, chứ có từng thấy ông lãnh đạo địa phương, ngành nào bị kỷ luật đâu.
PHAN VĂN MINH