Nhà mới của Mái ấm Hướng Dương
Gần 7 năm mơ về một mái ấm cho trẻ khuyết tật, giờ đây, giấc mơ ấy của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy đã trở thành hiện thực khi cơ sở Mái ấm Hướng Dương đã có cơ ngơi mới khang trang.
1. Thầy Duy nói, cơ sở Mái ấm Hướng Dương có được như ngày hôm nay đều nhờ vào sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm. Nhưng tôi biết, sẽ không có nhiều nhà hảo tâm đến với Hướng Dương nếu “thủ lĩnh” ở đó chỉ biết chờ đợi được ban phát một cách thụ động. Bảy năm qua, thầy Duy luôn đau đáu với ước mơ có một chỗ nuôi dạy tươm tất cho trẻ khuyết tật, những trẻ em sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, cần được bù đắp. Vừa lo kinh phí trả lương cho 5 giáo viên, nhân viên; vừa lo nuôi dạy và chăm sóc 22 trẻ, vừa xuôi ngược để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đôi lúc mọi việc dường như trở nên quá sức với thầy Duy…
|
Niềm vui của trẻ em ở Mái ấm Hướng Dương khi được học tập và sinh hoạt trong ngôi nhà mới. ẢNH: CHÂU NỮ |
Thầy giáo Đặng Ngọc Duy bị mù hoàn toàn và cụt mấy ngón tay sau một tai nạn khi vừa bước chân vào lớp 6 (năm 1988). Mày mò mãi trong trong bóng tối cho đến năm 1992, khi Trường khiếm thị Đà Nẵng thành lập, Duy được gia đình gửi vào học chữ Braille (chữ nổi). Sau đó chuyển về học hòa nhập ở Trường THCS Nguyễn Huệ (Tam Kỳ), rồi học cấp 3 ở Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Tốt nghiệp THPT, Duy học ngành sư phạm ngữ văn tại Trường Đại học Quảng Nam. Ra trường (năm 2009), thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em bất hạnh, khuyết tật từ đó đến nay. Về cơ sở Mái ấm Hướng Dương ban đầu thầy và trò ở trong căn nhà thuê tại đường Trần Văn Dư (Tam Kỳ); đến tháng 5.2011 lại dời đến căn nhà thuê ở đường Tiểu La; tháng 2.2016 tiếp tục dời đến một căn nhà thuê ở đường Điện Biên Phủ. Và đến cuối tháng 10 vừa qua, thầy và trò Mái ấm Hướng Dương mới dọn về cơ sở mới. Mỗi lần chuyển nhà là một lần vất vả và để có được mái ấm khang trang ở khu dân cư phía tây đường An Hà - Quảng Phú (phường An Phú, Tam Kỳ) như hiện nay là một hành trình khá gian nan.
2. Ông Trương Định - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Cộng hòa Liên bang Đức rất trân trọng và cảm phục tấm lòng thiện nguyện của thầy giáo Đặng Ngọc Duy và các cộng sự. Vì thế, ông và tập thể lãnh đạo hội đã vận động người Việt đang sinh sống, làm việc tại Đức hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở trong giai đoạn 1. Ông Định cho biết, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đồng hành với sự phát triển của Mái ấm Hướng Dương với mong muốn cơ sở được mở rộng, không chỉ nuôi dạy trẻ khuyết tật của Quảng Nam mà còn của Đà Nẵng. Là người đồng hành với Mái ấm Hướng Dương nhiều năm qua, thầy Phan Hùng - Hiệu trưởng Trường THTP Trần Phú (Đà Nẵng) kể lại quá trình nỗ lực của Duy từ khi còn là học sinh của trường Trần Phú cho đến nay. Thầy Hùng cho biết, thầy và trò trường Trần Phú rất tự hào về tấm gương vượt lên số phận của Duy và sẽ tiếp tục sẻ chia với mái ấm của Duy như thời gian qua.
Cơ sở của Duy hoạt động hoàn toàn nhờ sự hỗ trợ của xã hội. Ngoài những người như ông Định, thầy Hùng, còn có sự góp sức của nhiều tấm lòng thơm thảo khác như tổ chức phi chính phủ Vietnam Humanitarian Foundation (VINAHF), Công ty May Tuấn Đạt (Tam Kỳ) và nhiều nhà hảo tâm giấu tên. Tuy nhiên, niềm vui khi đã có chốn “an cư” lại song hành với nỗi lo trong Duy là làm sao để nuôi dưỡng, chăm sóc các em tốt hơn. Đến với mái ấm từ ngày đầu thành lập (2009), năm nay Trần Thị Mỹ Lan (quê Tam Hòa, Núi Thành) đã ngoài 20 tuổi, quá tuổi để được ở lại mái ấm nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn: Lan bị khiếm thị và thiểu năng trí tuệ, cha mẹ bỏ rơi, em ở với bà nội bị tai biến nên Đặng Ngọc Duy tiếp tục cưu mang. Vả lại, Lan cũng không muốn rời xa mái ấm vì với em, đây là ngôi nhà thân thiết của mình. Ngoài học chữ, mái ấm còn chú trọng đào tạo năng khiếu cho các em nên khi đến thăm cơ sở, nhiều người đã rưng rưng khi nghe tiếng sáo dìu dặt của học sinh khiếm thị Nguyễn Công Tài, 13 tuổi, quê Duy Xuyên hay giọng hát hồn nhiên của Trần Thị Mỹ Lan. Mái ấm Hướng Dương hiện có 3 em học hòa nhập ở các trường THCS ở Tam Kỳ, 1 em đã trưởng thành từ mái ấm và đang theo học Trường Đại học Quảng Nam.
CHÂU NỮ