Xoay xở với rừng - Bài 2: Chậm đổi mới

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC Bài 3: “Ăn xổi ở thì” 11/11/2016 08:10

Xung đột quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất xảy ra ở nhiều nơi, có những vụ tranh chấp rất dai dẳng; tuy nhiên, việc sắp xếp các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều lúng túng, bất cập.

  • Xoay xở với rừng - Bài 1: Nhận tiền, rồi chờ...

Xung đột

Những năm gần đây, các vụ khiếu nại khiếu kiện “đình đám” chủ yếu là tranh chấp đất rừng. Xung đột giữa người dân với nhau, giữa người dân với doanh nghiệp quản lý rừng căng thẳng đến mức phải nhờ tòa án xét xử. Điển hình tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, tranh chấp đất rừng dai dẳng giữa người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) với Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam. Từ hơn 10 năm trước, công ty này đã hợp đồng giao khoán với các nhóm hộ dân địa phương trong trồng rừng, nhưng vẫn còn nhiều diện tích của đơn vị được Nhà nước cho thuê, quản lý bỏ hoang. Lợi dụng khâu quản lý đất lỏng lẻo, hơn 100 hộ dân trồng keo lấn đất và tự cho quyền sử dụng đất thuộc về mình. Khi công ty đòi lại đất, lực lượng chức năng đến cưỡng chế đã bị người dân phản ứng dữ dội. Mới đây tiếp tục xảy ra tranh chấp 17,4ha đất rừng tại đồi Núi Đập (thôn Thạch Kiều) giữa Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam với 2 hộ dân (ông Lê Văn Phú và Đỗ Văn Sự, thôn Thạch Kiều). Về hồ sơ giấy tờ, diện tích đất này đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty nhưng 2 hộ này tranh thủ đơn vị khai thác keo xong đã vào lấn chiếm đất để trồng cây.

Tranh chấp đất trồng rừng dai dẳng giữa người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) với Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam. TRONG ẢNH: Người dân tụ tập đông người gây sức ép với lực lượng chức năng cưỡng chế cây trồng tại thôn Thạch Kiều vào năm 2014.  Ảnh: HỮU PHÚC
Tranh chấp đất trồng rừng dai dẳng giữa người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) với Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam. TRONG ẢNH: Người dân tụ tập đông người gây sức ép với lực lượng chức năng cưỡng chế cây trồng tại thôn Thạch Kiều vào năm 2014. Ảnh: HỮU PHÚC

Theo ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, việc tranh chấp đất rừng của ông Phú và ông Sự là vi phạm pháp luật, vì diện tích đất rừng đã được Nhà nước giao cho công ty. “Nếu dân thiếu đất trồng rừng thì phải phản ánh với chính quyền, xã sẽ kiến nghị lên cấp trên yêu cầu công ty giao lại một phần đất cho dân sản xuất. Còn đằng này, họ tự ý chiếm diện tích đất của xí nghiệp” - ông Xuân nói. Các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần giải thích, tổ chức đối thoại với các bên liên quan và khẳng định không công nhận đất của người dân. Tình hình an ninh trật tự tại thôn Thạch Kiều 3 năm trở lại đây rất phức tạp từ các vụ tranh giành đất rừng, đỉnh điểm là năm 2013 đã có 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương từ cuộc đụng độ tranh chấp đất rừng.

Năm 2015, người dân tại thôn 2 xã Tam Lộc (Phú Ninh) đã tranh chấp gay gắt hơn 200ha đất rừng đã được Nhà nước giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý, sử dụng. Lợi dụng đơn vị này buông lỏng quản lý, người dân lấn chiếm để trồng keo khiến nơi đây thành “điểm nóng”. Còn 3 năm về trước, khi các lâm trường Cà Dy (Nam Giang), Phước Sơn, Trà My (cũ) chưa bàn giao diện tích cho doanh nghiệp trồng cây cao su và các ban quản lý rừng phòng hộ, nhiều diện tích bỏ hoang, người dân xâm lấn trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp dẫn đến mâu thuẫn lợi ích kéo dài. Các cuộc “đụng độ” đất rừng hầu hết đều xuất phát từ nguyên do các đơn vị, tổ chức được giao đất, thuê đất sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa thời gian dài nên người dân lén lút, kể cả công khai xâm lấn. Nghịch lý đã lộ rõ: các doanh nghiệp, đơn vị được Nhà nước được ưu ái cho thuê đất, hay giao nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng với diện tích “khủng” nhưng lại không phát huy hiệu quả sử dụng đất, trong khi đó người dân rất có nhu cầu đất rừng để sản xuất. Vì lẽ đó, sau khi sắp xếp, đổi mới, UBND tỉnh đã cắt giảm hàng nghìn héc ta đất từ các lâm trường Trà My, Phước Sơn, Cà Dy, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam bàn giao về cho các địa phương quản lý.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đã thuê đất trồng cao su với diện tích hơn 10.000ha. Còn các lâm trường trên địa bàn tỉnh chuyển thành các ban quản lý rừng phòng hộ. Vì sao sắp xếp mô hình hoạt động, thay đổi chủ rừng, xác định ranh giới, diện tích trên hồ sơ giấy tờ nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất? Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính là chưa có sự phân định ranh giới đất đai rõ ràng trên thực địa, có nơi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo, sai lệch hồ sơ giữa thực địa và hồ sơ pháp lý. Một thời gian dài các đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho thuê nhưng bỏ hoang đất, bị dân lấn chiếm trồng cây. Người dân các huyện miền núi bức xúc vì sự bất bình đẳng trong sử dụng đất bởi chính quyền cắt đất từ các lâm trường và giao cho các doanh nghiệp phát triển cây công nghiệp, “chủ rừng lớn” (là các ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp trồng cao su...) thay vì tính toán chia đất cho người dân canh tác.

Chậm sắp xếp

Sau khi đã sắp xếp, toàn tỉnh có 7 ban quản lý rừng phòng hộ, 3 ban quản lý rừng đặc dụng. Các khu rừng còn lại do ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương quản lý. Đến nay, Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam đang quản lý, kinh doanh chế biến gỗ và trồng rừng nguyên liệu với diện tích hơn 1.050ha. Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Đầu tư và phát triển Việt Hàn đang đầu tư trồng 10.335ha cây cao su. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước được giao để sản xuất khoảng 21.000ha (chiếm 8% diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng sản xuất). Diện tích rừng sản xuất còn lại (khoảng 150.000ha) hầu hết là rừng trồng do người dân tự trồng và hỗ trợ từ các dự án.

Thực tế việc giao diện tích đất lâm nghiệp “khủng” ở các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn cho các “chủ rừng lớn” rất khó quản lý vì việc phá rừng trọng điểm tập trung ở các khu vực này, trong khi Nhà nước chưa có chế tài xử lý đơn vị chủ quản rừng một cách rõ ràng. Ở các huyện Tây Giang, Nam Trà My, do doanh nghiệp không sử dụng hết diện tích thuê trồng rừng, các ngành chức năng của tỉnh buộc phải thu hồi 1.100ha đất đã tạm giao từ nhiều năm trước đó. Từ năm 2007, huyện Phước Sơn điều chỉnh diện tích đất đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi từ 18.920ha xuống còn 12.450ha. Đất lâm nghiệp do các đơn vị chức năng của chính quyền địa phương quản lý rộng lớn, lại sử dụng, quản lý kém hiệu quả, trong khi quy trình rà soát, phân loại chi tiết 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) làm cơ sở để giao hoặc cho người dân thuê đất diễn ra khá chậm chạp. Nhiều năm nay, việc cắm mốc thực địa phân chia 3 loại rừng ở miền núi rối như tơ vò. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng loại đất lâm nghiệp không đạt chỉ tiêu đề ra.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận, phần lớn các huyện miền núi chính quyền chưa dám trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân, bởi lẽ sợ khiếu nại, khiếu kiện. Hồ sơ pháp lý và thực địa “có vấn đề”. Lý giải vướng mắc về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân miền núi, ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai cho rằng, thực tế, một số khu vực đất lâm nghiệp nhân dân đang sản xuất, nhưng trước đây thuộc đất rừng của các dự án quốc gia, do Nhà nước quản lý như 327, 661, PAM, JICA… chưa có quyết định giao cho dân quản lý, sử dụng. Nhiều diện tích cán bộ địa chính xã đo đạc, hoàn thiện hồ sơ và cấp giấy chứng nhận, nhưng khi đối chiếu bản đồ hiện trạng 3 loại rừng phát hiện có sự chồng lấn lên đất rừng phòng hộ do các ban quản lý, doanh nghiệp đang quản lý.


Tại huyện Bắc Trà My có 3 lực lượng bảo vệ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My nhưng các vụ phá rừng xảy ra vừa qua tại khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh, kiểm lâm địa phương tỏ ra bất lực, không can thiệp kịp thời do chồng chéo quản lý. Ngành nông nghiệp và chính quyền huyện đã nhìn thấy bất cập này song đến nay vẫn lúng túng điều chỉnh, tính toán cơ chế quản lý, điều hành. Năm 2016, bộ máy quản lý, bảo vệ rừng đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn. Ở đồng bằng, thành lập Hạt Kiểm lâm liên huyện gồm Núi Thành - Phú Ninh - Tam Kỳ - Tiên Phước, Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc, Nông Sơn - Quế Sơn - Duy Xuyên - Thăng Bình. Tuy nhiên, các hạt kiểm lâm huyện, liên huyện miền núi đến nay vẫn chưa sắp xếp do khâu kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh chưa hoàn tất. Đối với các ban quản lý rừng phòng hộ thuộc Sở NN&PTNT như A Vương, Đăk Mi, Sông Kôn, Sông Tranh thì sắp xếp về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh và nhất thể hóa Hạt trưởng kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng.

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC
Bài 3: “Ăn xổi ở thì”

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC Bài 3: “Ăn xổi ở thì”