Thành công trong điều trị bệnh nhịp tim nhanh
(QNO) - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng tại Núi Thành) phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội điều trị các trường hợp nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu thất nguy hiểm. Chương trình đã tạo cơ hội điều trị với chi phí rẻ cho bệnh nhân.
Theo Th.S - bác sĩ Nguyễn Đình Hùng - Trưởng khoa Cấp cứu - can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam), đơn vị trang bị hệ thống thăm dò điện sinh lý và cắt đốt điện bằng sóng cao tần (RF) 120 kênh của hãng S.Jude (Hoa Kỳ). Cùng với đó được sự hỗ trợ của TS. - bác sĩ Phạm Như Hùng (Bệnh viện Tim Hà Nội) - Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam nên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã điều trị thành công nhiều trường hợp nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu thất nguy hiểm.
Thực hiện cắt đốt điện bằng sóng cao tần cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu - can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. (Ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Theo đó, hằng tháng, bác sĩ Phạm Như Hùng và đội ngũ y bác sĩ Khoa Cấp cứu - can thiệp tim mạch sẽ khám, điều trị bằng cách sử dụng các ống thông luồng vào quả tim theo đường động hoặc tĩnh mạch để ghi lại một cách chính xác hoạt động điện học của trái tim. Một số trường hợp còn dùng ống thông kích thích hệ thống dẫn truyền của tim để phát hiện các rối loạn nhịp tim. Sau đó, sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất có thể.
Chính nhờ phương pháp điều trị này, nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời. Gần đây nhất, ngày 31.10, ông Bùi Hùng (55 tuổi, công nhân Công ty MTV Cơ điện Chu Lai - Trường Hải) trong quá trình làm việc có dấu hiệu bị choáng váng, khó thở. Sau khi nhập viện cấp cứu tại Khoa Cấp cứu - can thiệp tim mạch, các bác sĩ đã thực hiện thăm dò điện sinh lý buồng tim và cắt đốt bằng sóng cao tần. “Sau 8 ngày điều trị, đến nay tôi đã khỏe trở lại. Nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ tử vong lúc đó là rất cao” - ông Hùng nói.
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), cho biết: “Tôi nhập viện cách đây 1 tuần sau cơn đau tim bất thường. Rất may là được cấp cứu kịp thời, đến nay sức khỏe tôi đã bình thường trở lại. Đây là lần đầu tiên tôi được điều trị theo phác đồ điều trị đốt điện bằng sóng cao tần và thấy hiệu quả cao, chứ trước đây cũng đã điều trị ở một số bệnh viện nhưng không khỏi”.
Thực hiện dịch vụ tại Khoa Cấp cứu - can thiệp tim mạch, bệnh nhân sẽ chi trả chi phí rất rẻ so với ở nhiều cơ sở y tế khác. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Từ tháng 12.2015 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã điều trị thành công cho 40 trường hợp bị nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu thất nguy hiểm với chi phí rất rẻ, tạo cơ hội chữa trị bệnh cho các bệnh nhân khó khăn về kinh tế. Bà Nguyễn Thị Tuyết (phường Trần Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Tôi bị tim đập nhanh khoảng 4 năm rồi, mỗi ngày luôn bị mệt bất thường. Có điều trị tại một số cơ sở y tế, mua thuốc uống hằng ngày nhưng bệnh tình không hết nên tốn kém nhiều tiền của lắm. Còn qua đợt điều trị này, tôi không còn những cơn mệt bất thường và chi phí khi xuất viện chưa đến 5 triệu đồng, chỉ bằng một phần chi phí điều trị suốt 4 năm qua”.
Theo Th.S - bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, mỗi lần điều trị bằng hệ thống thăm dò điện sinh lý và cắt đốt điện bằng sóng cao tần sẽ tốn kém khoảng 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, tại Khoa Cấp cứu - can thiệp tim mạch, với mỗi lần điều trị, bệnh nhân chỉ trả số tiền dưới 5 triệu đồng. “Nhờ chương trình hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi không chỉ được chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực chuyên môn mà các bệnh nhân sẽ được hỗ trợ rất nhiều chi phí điều trị. Ngoài ra, với các bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, chúng tôi sẽ miễn phí hoàn toàn” - bác sĩ Hùng nói.
Loạn nhịp tim là rối loạn thường gặp nhất trong số các biểu hiện bệnh tim mạch. Loạn nhịp tim có thể gây khó chịu nhẹ cho người bệnh, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng. Loạn nhịp tim có thể gặp như nhịp tim chậm, nhanh, không đều, các buồng tim không co bóp đồng bộ với nhau, hoặc vị trí phát xung động bất thường gây ra nhịp ngoại tâm thu. Rối loạn nhịp tim có thể ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim. Khi đó, có thể có các biểu hiện như mệt hoặc ngất xỉu khi nhịp quá chậm hoặc quá nhanh, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng như nhanh thất, rung thất hoặc ngưng tim kéo dài. Hội chứng Wolf-Parkinson-Wite (W-P-W) liên quan tới một đường “dẫn truyền phụ” nối trực tiếp từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Với sự hiện hữu của cầu dẫn truyền phụ này, các xung động điện học sẽ truyền trực tiếp từ tâm nhĩ xuống tâm thất mà không qua đường dẫn bình thường là nút nhĩ thất. Điều đó tạo ra một “vòng vào lại” gây nên cơn nhịp nhanh. Triệu chứng của loạn nhịp tim do hội chứng W-P-W cũng giống với các loạn nhịp khác nhưng đòi hỏi sự khác biệt trong điều trị. Nhưng tiến bộ mới trong lĩnh vực thăm dò điện sinh lý học đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị hội chứng W-P-W. |
ĐOÀN ĐẠO